Nuôi dế mèn – Hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân
Nhiều hộ nông dân ở một số địa phương trong tỉnh đang chuyển hướng sang nuôi dế, một mô hình chăn nuôi mới, thân thiện với môi trường, dễ triển khai và đem lại hiệu quả kinh tế.
Đến thăm mô hình nuôi dế của gia đình chị Lường Thị Doan ở thôn Ả Hạ, xã Liên Sơn, nhóm phóng viên không khỏi ngạc nhiên khi trong khu vực chỉ rộng hơn 50m2với 40 chuồng nuôi dế, mỗi tháng gia đình chị xuất bán hàng chục kg dế thương phẩm.
Chị Doan chia sẻ, trước đây, do điều kiện đất đai ít, những thời điểm nông nhàn chị thường phải đi làm thuê ở các tỉnh khác, xa nhà, không ai chăm sóc con cái nhưng thu nhập cũng chỉ đủ sống.
Năm 2021, qua giới thiệu cũng như tìm hiểu trên mạng xã hội, chị Doan biết đến mô hình nuôi dế mèn lấy thịt và bán giống. Thấy vốn đầu tư ít, kỹ thuật không quá phức tạp, chị quyết định vay vốn làm chuồng trại nuôi dế. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như lá sắn, ngô, các lứa dế trong trang trại của gia đình chị Doan đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Chị Lường Thị Doan phân loại dế thành phẩm sau thu hoạch.
“Dế sinh trưởng nhanh, sau khoảng 40 đến 50 ngày có thể thu hoạch. Với giá bán thị trường là 120 nghìn đồng mỗi kg, mang lại lợi nhuận từ 15-18 triệu đồng, tính ra 1 năm có số thu trên 100 triệu đồng”, chị Doan phấn khởi cho biết.
Qua gần 4 năm nuôi chị Doan nhận thấy dế ít bị bệnh. Sau khi vào giống, chỉ cần cho ăn đều đặn, sau 40 đến 50 ngày là được thu hoạch.
Gia đình chị đã chuyển toàn bộ diện tích ruộng sang trồng sắn nuôi dế. Ngoài lá sắn, dế còn có thể ăn các loại rau muống, cỏ, ngô bắp xay nhuyễn, bã đậu và cám gạo.
Dế thương phẩm được bán làm mồi câu và chế biến món ăn "đặc sản". Chị Doan cho biết có thời điểm cung không đủ cầu.
Hiện tại, gia đình chị vẫn duy trì 40 chuồng nuôi dế để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chị Lường Thị Doan giới thiệu trứng dế mới nở.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại, đến nay, thôn Ả Hạ đã có 4 hộ duy trì, phát triển nghề nuôi dế.
Cũng nhờ nuôi dế, gia đình chị Lường Thị Hiền ở thôn Ả Hạ, xã Liên Sơn đã có nguồn thu nhập phụ ổn định bên cạnh việc canh tác lúa và phát triển chăn nuôi trâu, bò, trồng ngô và nuôi gà.
Với 50 chuồng dế, mỗi lần thu hoạch chị bán được trên 5 tạ dế thương phẩm với giá 120 nghìn đồng/kg.
Dế dễ nuôi, không gây tiếng ồn hay mùi hôi. Ban ngày tôi đi làm ruộng, tối về cho dế ăn và dọn dẹp chuồng, không ảnh hưởng công việc chính. Nuôi dế nhàn hơn và chi phí ít nên tôi cũng có điều kiện hơn để trang trải cuộc sống”.
Chị Lường Thị Hiền

Chị Lường Thị Hiền giới thiệu cho cán bộ xã Liên Sơn và thôn Ả Hạ về quy trình nuôi dế.
Dế thương phẩm được biết đến là sản phẩm giàu chất dinh dưỡng, chế biến được những món ăn ngon như dế chiên giòn, dế rang lá chanh, dế tẩm bột chiên, được đưa vào thực đơn của nhiều nhà hàng ở Nghĩa Lộ.

Dế thương phẩm sau khi thu hoạch đưa ra thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Liên Sơn cho biết, đặc thù của xã Liên Sơn là ruộng đất ít nên việc tìm những hướng phát triển mới để tăng thu nhập cho người dân là rất cần thiết.
Trong những năm qua người dân địa phương đã rất tích cực tìm tòi, lựa chọn cây, con giống để canh tác. Nuôi dế mèn là mô hình phù hợp nhất vì cần ít vốn đầu tư, tận dụng được diện tích quanh nhà và nguồn thức ăn sẵn có.
Do các hộ gia đình nuôi dế đã nắm vững quy trình chăm sóc nên hiệu quả rõ rệt. Hiện xã tiếp tục vận động người dân duy trì, mở rộng nuôi dế để có thêm thu nhập.

Dế giống sau khi nở được 1 tuần.
Không chỉ tại xã Liên Sơn mà 1 số phường thuộc khu vực cánh đồng Mường Lò cũng đã có trên 10 hộ gia đình nuôi dế. Để nghề nuôi dế phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, thu mua đến chế biến.
Đồng thời, địa phương cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm dế chế biến, góp phần tạo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Dế mèn là loại thực phẩm có chất lượng dinh dưỡng cao được các nhà hàng, quán ăn khu vực Mường Lò ưa chuộng.
Trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, người dân thiếu vốn sản xuất, nghề nuôi dế mèn được đánh giá là hướng đi phù hợp, không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn mở ra cơ hội khởi nghiệp cho người dân nông thôn.