An Giang: Nuôi biển trở thành trụ cột kinh tế xanh

Không chỉ nổi bật với vai trò là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, An Giang còn đang khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế biển. Trong đó, nuôi biển đang trở thành một trong những ngành mũi nhọn, góp phần đưa tỉnh hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia trong tương lai.

Nuôi cá lồng bè tại xã đảo Sơn Hải

Nuôi cá lồng bè tại xã đảo Sơn Hải

Khai thác lợi thế, mở rộng không gian nuôi biển

Với đường bờ biển dài hơn 200 km, ngư trường rộng khoảng 63.290 km² cùng hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ và nguồn lợi thủy sản phong phú, An Giang có điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, hoạt động nuôi biển trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng cả về quy mô lẫn sản lượng, đa dạng về đối tượng nuôi, phù hợp với điều kiện tự nhiên từng khu vực.

Tại các vùng biển thuộc Kiên Hải, Phú Quốc và các xã đảo như Tiên Hải, Hòn Nghệ, Sơn Hải, người dân phát triển mạnh mô hình nuôi cá lồng bè - từ gỗ truyền thống đến lồng nhựa HDPE hiện đại – với các loài chủ lực như cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá chẽm... Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có hơn 4.290 lồng bè nuôi cá biển, cho sản lượng khoảng 4.241 tấn/năm.

Ở các xã ven biển như An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương và Hà Tiên, nghề nuôi nhuyễn thể - như sò huyết, vẹm xanh, hến biển, nghêu… - phát triển mạnh trên diện tích hơn 23.300 ha, đạt sản lượng trên 96.600 tấn/năm. Một số hộ dân cũng bắt đầu mở rộng sang các đối tượng có giá trị cao như ngọc trai, hàu, ốc hương.

Bà Huỳnh Tuyết Hạnh, hộ nuôi cá lồng bè tại Phú Quốc, chia sẻ: “So với nghề đánh bắt truyền thống, nuôi cá bớp, cá mú trân châu bằng lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Với 15 lồng nuôi, mỗi năm trừ chi phí, người nuôi có thể thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng”.

Còn nhiều rào cản cần tháo gỡ

Dù nhiều tiềm năng, ngành nuôi biển của An Giang vẫn còn không ít thách thức. Hạ tầng phục vụ nuôi biển còn thiếu và yếu, tiến độ xây dựng các dự án hỗ trợ còn chậm, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ ứng dụng còn hạn chế. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại một số khu vực nuôi đang ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Bà Trần Thị Hội - Giám đốc Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa (Kiên Hải) - cho biết: “Chi phí đầu tư lồng nhựa HDPE rất cao, nhiều hộ chưa thể chuyển đổi. Mong Nhà nước có chính sách vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ trả góp để bà con mạnh dạn đổi mới công nghệ, mở rộng ra vùng biển xa, tăng năng suất và bảo vệ môi trường tốt hơn”.

Hướng tới phát triển bền vững, hiện đại hóa nuôi biển

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết: những năm qua, tỉnh đã tích cực rà soát, bổ sung quy hoạch, ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào nuôi biển. Giai đoạn 2024-2025, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương cho 5 doanh nghiệp đầu tư với tổng diện tích gần 2.910 ha, tổng vốn hơn 1.110 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các khâu còn thiếu như sản xuất giống, thức ăn công nghiệp, chế biến sâu và xuất khẩu. Đồng thời, đề xuất xây dựng chính sách đặc thù để hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và tích hợp quy hoạch nuôi trồng thủy sản biển vào quy hoạch chung của tỉnh.

Năm 2025, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ triển khai 20 điểm nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE với tổng diện tích hơn 3.700 m²; đồng thời phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền về phát triển nuôi biển theo Luật Thủy sản và khuyến khích bà con liên kết chuỗi, sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế cá tạp, giảm rác thải nhựa - hướng tới mục tiêu phát triển nuôi biển hiệu quả và bền vững.

PV

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/an-giang-nuoi-bien-tro-thanh-tru-cot-kinh-te-xanh-730057.html