Tp.HCM cần khoảng 172.000 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế

Dự kiến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế nằm tại 3 phường Bến Thành, Sài Gòn và khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tp.HCM cần nguồn lực khoảng 172.000 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu xây dựng mô hình trung tâm tài chính hiện đại, hội nhập và hiệu quả.

Tp.HCM có nhiều lợi thế để xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế

Chiều 15/7, UBND Tp.HCM phối hợp cùng Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) tổ chức chương trình Bàn tròn doanh nghiệp TP.HCM, Việt Nam và Astana, Kazakhstan với chủ đề "Hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM".

Quang cảnh bàn tròn doanh nghiệp chủ đề “Hợp tác phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế Việt Nam tại Tp.HCM”.

Quang cảnh bàn tròn doanh nghiệp chủ đề “Hợp tác phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế Việt Nam tại Tp.HCM”.

Tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện lần này. Ông Hà nhấn mạnh, chương trình là minh chứng rõ nét cho sự phát triển ngày càng sâu sắc trong quan hệ hợp tác giữa Tp.HCM với Kazakhstan, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính là một trụ cột chiến lược trong giai đoạn phát triển mới.

"Việc mở rộng hợp tác với AIFC sẽ giúp Tp.HCM học hỏi mô hình tổ chức, cơ chế vận hành, từ đó xây dựng mô hình trung tâm tài chính hiện đại, hội nhập và hiệu quả", Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Lộc Hà cho hay.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM phát biểu khai mạc sự kiện.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM phát biểu khai mạc sự kiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Nguyễn Lộc Hà, nền tảng cho hoạt động hợp tác này được thiết lập sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Kazakhstan vào tháng 5 vừa qua. Trong chuyến thăm, hai bên đã chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược, mở ra không gian hợp tác mới trong nhiều lĩnh vực. Tp.HCM được giao trọng trách tiên phong trong thúc đẩy hợp tác về tài chính quốc tế với AIFC, cụ thể là xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế Việt Nam tại thành phố.

Tp.HCM hiện chiếm khoảng 23% GDP cả nước, là đầu tàu kinh tế với hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, fintech phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, tốc độ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ tài chính tại Tp.HCM thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực, trong khi chi phí vận hành lại thấp hơn so với các trung tâm tài chính toàn cầu.

Nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường đầu tư đang được cải thiện mạnh mẽ, cùng với quyết tâm chính trị ở cấp Trung ương và địa phương là những lợi thế lớn giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế. Hiện nay, Tp.HCM đang bước vào giai đoạn triển khai Nghị quyết số 222/2025/QH15 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 1/9/2025, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển trung tâm tài chính theo chuẩn quốc tế.

Với vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, kết nối thuận lợi với các trung tâm tài chính lớn, Tp.HCM đang hội tụ nhiều điều kiện để trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế.

Với vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á, kết nối thuận lợi với các trung tâm tài chính lớn, Tp.HCM đang hội tụ nhiều điều kiện để trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn quốc tế.

Hàng loạt cơ chế đặc biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế

Đánh giá về định hướng phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp.HCM (HFIC) cho biết: "Trung tâm sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực gồm: thị trường vốn và ngân hàng quốc tế, fintech, tài chính xanh và chuỗi cung ứng khu vực. Các thành viên trung tâm được quyền sử dụng ngoại tệ trong thanh toán, niêm yết, vay và cho vay với nước ngoài; áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; được miễn trừ một số thủ tục hành chính... Ngoài ra, các chính sách ưu đãi về đất đai, nhà ở cho chuyên gia, thủ tục xuất nhập cảnh và cấp phép lao động cũng được thiết kế linh hoạt, thông thoáng".

Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp.HCM trình bày đề án.

Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp.HCM trình bày đề án.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam - ông Kanat Tumysh đánh giá cao tiềm năng phát triển tài chính - công nghệ tại Việt Nam, nhất là tại Tp.HCM. Ông Kanat Tumysh khẳng định AIFC sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Tp.HCM trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Ông cũng thông tin rằng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã đạt gần 1 tỷ USD trong năm 2024 và đạt 357 triệu USD chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025.

Ông Kanat Tumysh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam trình bày tại bàn tròn doanh nghiệp.

Ông Kanat Tumysh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam trình bày tại bàn tròn doanh nghiệp.

Ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM cũng cho biết, theo kế hoạch dự kiến, nguồn vốn đầu tư sơ bộ cho toàn bộ trung tâm tài chính của Tp.HCM là khoảng 172.000 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Tp.HCM cần khoản 16.000 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng, trong đó chi phí đầu tư xây dựng tòa nhà trụ sở các trung tâm tài chính cần khoảng 2.000 tỷ đồng.

Cũng theo ông Huy, mô hình AIFC là hình mẫu phù hợp để thành phố tham khảo, nhất là về cơ chế pháp lý linh hoạt, hạ tầng số và kết nối khu vực. Tp.HCM hiện đang triển khai xây dựng trung tâm tài chính tại 3 địa điểm: phường Bến Thành, phường Sài Gòn và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

"Sở Tài chính đề xuất thiết lập kênh liên lạc thường trực giữa AIFC và các đối tác tại Tp.HCM để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực fintech, AI và quản lý tài sản", ông Đinh Khắc Huy nói thêm.

Khu đô thị Thủ Thiêm (phường An Khánh), nơi sẽ đặt 1 trong 3 trung tâm tài chính quốc tế.

Khu đô thị Thủ Thiêm (phường An Khánh), nơi sẽ đặt 1 trong 3 trung tâm tài chính quốc tế.

Phạm Thị Mỹ Hậu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tphcm-can-khoang-172000-ty-dong-de-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-204250715190938197.htm