An Giang phòng, chống HIV/AIDS
Năm 2023, An Giang ghi nhận 560 trường hợp HIV dương tính mới, 158 trường hợp tử vong, đứng thứ 5 toàn quốc về số trường hợp mới phát hiện HIV (sau TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai).
Tính đến cuối tháng 5/2024, số người nhiễm HIV đang còn sống là 7.507; tổng số người nhiễm HIV tử vong 6.082 trường hợp. Trong số xét nghiệm phát hiện mới HIV năm 2023: Hơn 80% là nam giới và 78% lây nhiễm qua đường tình dục. Số ca xét nghiệm phát hiện mới theo địa bàn cao nhất là: TP. Long Xuyên (18,63%), huyện Chợ Mới (15,2%), huyện An Phú (12,3%) và thấp nhất là huyện Tri Tôn (4,2%).
Theo dữ liệu giám sát phát hiện giai đoạn 2000 - 2023, dịch HIV có xu hướng tăng trở lại và gia tăng nhanh trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15 - 30, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trẻ. Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM, do các yếu tố: Di biến động, quan hệ tình dục không an toàn và thiếu các biện pháp can thiệp hiệu quả.
BS.CKII Dương Anh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật An Giang cho biết, đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngành y tế tập trung các hoạt động truyền thông, huy động cộng đồng; can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tư vấn xét nghiệm và chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhiễm HIV…
Hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh có 55 nhân viên tiếp cận cộng đồng can thiệp trong nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm và MSM. Quý I/2024, toàn tỉnh tiếp cận và phát bơm kim tiêm cho 581 người nghiện chích ma túy; phát bao cao su cho 383 người nghiện chích ma túy, 410 phụ nữ mại dâm, 558 MSM và 744 vợ/chồng, bạn tình người nhiễm.
Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được duy trì và đảm bảo chất lượng cho 407 người sử dụng ma túy dạng thuốc phiện đang điều trị tại 3 cơ sở điều trị Methadone.
Tính đến ngày 13/5/2024, toàn tỉnh có 101 cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy; với 2 cơ sở tuyến tỉnh, 11 cơ sở tuyến huyện và 88 cơ sở tuyến xã. Năm 2022, có 676 trường hợp xác định tình trạng nghiện, năm 2023 là 1.554 trường hợp.
An Giang có 11 cơ sở y tế điều trị HIV sử dụng thuốc ARV nguồn bảo hiểm y tế. Số người nhiễm HIV đang quản lý điều trị ARV là 5.806, trong đó 88 trẻ em, 5.744 người đang điều trị thuốc ARV do bảo hiểm y tế chi trả (chiếm 98,9%). Chương trình phối hợp HIV/lao tiếp tục được triển khai, tỷ lệ người nhiễm HIV đang điều trị ARV hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn đến ngày 31/3 là 5.649/5.809 người, đạt 97,2%.
Trong công tác điều trị PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV), An Giang triển khai tại 12 cơ sở y tế Nhà nước và 2 cơ sở y tế tư nhân. Đến cuối quý I/2024, tổng số điều trị PrEP là 1.487 lượt tại các phòng khám cố định. Số duy trì PrEP trên 3 tháng đạt 83,9%, hơn 70% MSM đang sử dụng PrEP. Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phát hiện 7 trường hợp phụ nữ mang thai dương tính, được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV được triển khai ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục triển khai đa dạng các hình thức tư vấn, xét nghiệm HIV, gồm tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, trại giam, trại tạm giam, cộng đồng, xét nghiệm lưu động, tự xét nghiệm HIV. Trong quý I/2024, có 14.094 lượt người được xét nghiệm HIV, trong đó 91 người HIV dương tính (MSM chiếm 24%).
An Giang có 6 nơi được cấp phép xét nghiệm khẳng định HIV đặt tại các trung tâm y tế huyện Châu Phú, An Phú, TP. Châu Đốc; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang; Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang và Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc. Bảo đảm việc kết nối chuyển gửi các trường hợp xét nghiệm HIV dương tính đến dịch vụ điều trị ARV; chuyển gửi các trường hợp nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm âm tính tới dịch vụ PrEP phù hợp.
BS.CKII Dương Anh Linh cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại An Giang còn nhiều khó khăn, điển hình là can thiệp dự phòng. Trong khi lây nhiễm mới HIV trong nhóm MSM gia tăng nhanh thì truyền thông, can thiệp trong nhóm MSM còn thấp, chưa đạt yêu cầu so với số ước tính thiếu sinh phẩm xét nghiệm HIV, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, do hoạt động đấu thầu mua sắm chậm...
Bên cạnh đó, tỉnh chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của y tế tư nhân, nhà thuốc, doanh nghiệp vào công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong khi nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS hạn chế. Số bệnh nhân bỏ điều trị Methadone hoặc tự ý bỏ liều còn diễn ra, do xu hướng người nghiện chuyển đổi hình thức ma túy, như: Ma túy tổng hợp, bệnh nhân đi làm ăn xa không duy trì việc nhận thuốc hàng ngày; vi phạm pháp luật nên bị bắt, cai nghiện tập trung.
Người điều trị PrEP phần lớn thuộc đối tượng trẻ, di biến động… dẫn đến không tuân thủ điều trị. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử, tự kỳ thị vẫn còn, đặc biệt trong nhóm MSM, dẫn đến hạn chế tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và PrEP.
Tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trở lại. Đáng lưu ý, An Giang là địa phương có địa phương chung biên giới với Campuchia, nên việc kiểm soát, giám sát gặp nhiều khó khăn. Để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cao, tỉnh đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, đặc biệt ở địa phương vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tập huấn nâng cao kiến thức cho cộng đồng MSM, đồng đẳng viên, mở rộng mạng lưới các nhóm tổ chức xã hội hoạt động...
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-phong-chong-hiv-aids-a400215.html