An Giang tập trung phát triển nông nghiệp

Tiềm năng về phát triển kinh tế nông nghiệp của An Giang là lúa gạo, cá tra phi lê xuất khẩu, rau màu và cây ăn trái. Những năm qua, ngành nông nghiệp luôn giữ vai trò nền tảng của nền kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng ổn định bình quân 2,86% giai đoạn 2016-2020. Nông nghiệp của tỉnh đang chuyển dần từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu.

An Giang đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, lúa gạo và cá tra vẫn là 2 mặt hàng chiến lược của tỉnh, tiếp tục đóng góp rất lớn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu. Sản lượng lúa của An Giang đạt khoảng 4 triệu tấn/năm, trong đó 70% diện tích trồng lúa chất lượng cao. Trong khi đó, diện tích nuôi cá tra đạt 1.400ha, sản lượng 400.000 tấn/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp có tăng trưởng, từ 120 triệu đồng/ha (năm 2015) lên 192 triệu đồng/ha (năm 2020).

“Kết quả này nhờ vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh trọng điểm gắn với nhà đầu tư, sản xuất hàng hóa có chất lượng thông qua nâng cao năng suất, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh, thích ứng ngày càng tốt hơn với biến đổi khí hậu. An Giang đang tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng” - ông Lâm thông tin.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT, một trong những nét nổi bật của An Giang thời gian qua là đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong mời gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là về thủ tục hành chính, khuyến khích tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn. Qua mời gọi đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư lớn. Giai đoạn 2003-2020, An Giang thu hút 448 dự án đầu tư vào nông nghiệp, tổng vốn đầu tư 49.308 tỷ đồng. Tỉnh đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết theo mô hình “Cánh đồng lớn” trong sản xuất và tiêu thụ. Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm có 20 doanh nghiệp (DN) tham gia ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân, tiêu biểu, như: Lộc Trời, Tấn Vương, Angimex, Antesco…

Thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020, An Giang tăng cường hỗ trợ thực hiện trên 360 mô hình phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm được nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường, thay đổi tư duy sản xuất từ đặt nặng năng suất, sản lượng sang chất lượng, hiệu quả, hội nhập và bền vững.

Ông Lâm cho biết, đến nay, toàn tỉnh có trên 180 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (tăng 95 HTX so với 2010), thu hút 13.000 thành viên (tăng 4.125 thành viên). Thời gian qua, có 24 HTX kiểu mới và 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp được thành lập gắn với Tập đoàn Lộc Trời. Đây là hướng phát triển mới của kinh tế hợp tác, mang tính bền vững và hiệu quả hơn.

Vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, quyết tâm của An Giang là trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL cũng như cả nước, trên cơ sở phát huy các tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh. An Giang sẽ chuyển mô hình tăng trưởng nông nghiệp dựa trên tri thức, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và phát triển theo hướng hiện đại hóa, “xanh, sạch, an toàn”.

Để đạt mục tiêu này, sản phẩm nông nghiệp An Giang phải có chất lượng, hiệu quả, “tăng giá trị, giảm đầu vào”, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, mẫu mã hàng hóa, thích nghi với nhiều loại thị trường, nhiều tiêu chuẩn quốc tế và khả năng cạnh tranh cao. Tăng trưởng nông nghiệp dựa trên hiệu quả, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa và tạo thêm giá trị mới, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Cùng với tập trung phát triển tăng giá trị các mặt hàng chiến lược (lúa, nếp, rau màu, cây ăn trái, cá tra, ngành chăn nuôi heo và bò), An Giang khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Tỉnh thực hiện trí thức hóa, chuyên nghiệp hóa nông dân trở thành những doanh nhân ở nông thôn, biết sản xuất và kinh doanh giỏi. Đồng thời, áp dụng hiện đại hóa, hợp tác hóa nông nghiệp, đô thị hóa, văn minh hóa nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, định hướng của tỉnh là chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp với phương châm “thị trường hóa hoạt động nông nghiệp để ổn định đầu ra cho nông sản”. Trên nền đất lúa ở những vùng canh tác kém hiệu quả, tỉnh chuyển dịch sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời, phát triển loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển bền vững

Cũng theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo trục thủy sản - trái cây - lúa gạo, tỉnh tập trung phát triển các ngành hàng có lợi thế dựa trên 4 trụ cột chính.

Thứ nhất, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm. Thứ hai, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nội địa và xuất khẩu. Thứ ba, phát triển mạnh mẽ DN đầu tư vào nông nghiệp, xem DN là đầu tàu thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định. Thứ tư, phát triển mạnh mẽ kinh tế hợp tác một cách đồng bộ và đa dạng loại hình. Trong đó, chú trọng phát triển HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn với DN, phát triển HTX đa dịch vụ - tổ chức sản xuất, liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra nông thủy sản.

Giai đoạn 2021-2025, An Giang tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, thu hút được DN đầu tư hoặc liên kết tiêu thụ, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn có chất lượng và truy xuất được nguồn gốc. Tỉnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, công nghiệp 4.0 vào quản lý kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistic, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn theo các tiêu chuẩn GAP… Từ đó, tiến tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập nông dân, hạn chế ô nhiễm môi trường, thích ứng với bối cảnh và kịch bản của tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện thành công hơn nữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua, toàn tỉnh đã hình thành Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp đến cấp xã. Đây là địa chỉ trực tiếp tư vấn cho nông dân biết và chủ động hơn trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản với DN, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất ngày càng bền vững và hiệu quả hơn.

NGÔ CHUẨN

Thời gian tới, tỉnh tập trung hỗ trợ các DN, địa phương xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực, tập trung 3 nhóm sản phẩm là gạo - nếp, thủy sản và cây ăn trái, gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-tap-trung-phat-trien-nong-nghiep-a312019.html