An Giang thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông luôn là nỗi đau, sự mất mát của nhiều gia đình. Hệ lụy từ vấn nạn này để lại gánh nặng cho toàn xã hội.
Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc
Có lẽ đến thời điểm này, gia đình anh Thái Minh Tân (34 tuổi, ngụ ấp Bình Thành, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) vẫn còn chưa nguôi nỗi đau về vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng của anh.
Vào khoảng 14h15 ngày 23/9/2023, anh Tân điều khiển xe mô tô biển số 67F1-361.29 đi một mình chạy hướng Phú Xuân - Phú Bình. Khi anh đến khu vực tổ 4, ấp Phú Tây, xã Phú Xuân, huyện Phú Tân va chạm với mô tô ba bánh không biển số do Ngô Chí Nhân (19 tuổi, ngụ ấp Hiệp Hưng, xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân) điều khiển xe chạy hướng ngược lại.
Cú va chạm mạnh làm anh Tân bị thương nặng. Mặc dù kịp đưa đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh An Giang để cấp cứu, nhưng đến 16h cùng ngày, anh Tân đã chết tại bệnh viện.
Trong khi đó, những ngày đầu tháng 9 vừa qua, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 91 khi xe container BKS 47H-030.30 do ông Võ Tiến Dũng (50 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa) điều khiển, kéo theo đầu kéo BKS 47R-006.08, chạy hướng Long Xuyên - Cần Thơ.
Khi đến khu vực thuộc phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên (An Giang) xe container va chạm với mô tô BKS 65H1-5677 do anh Phạm Văn Sậm (43 tuổi, ngụ thành phố Cần Thơ) điều khiển, đi cùng chiều phía trước. Cú va chạm mạnh khiến anh Sậm tử vong tại chỗ.
Phần lớn không chấp hành quy định an toàn giao thông
Ông Lê Khiết Quang, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang cho biết, 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh An Giang xảy ra 143 vụ tai nạn giao thông, làm chết 104 người và 83 người bị thương.
Con số này, theo ông, so với cùng kỳ năm ngoái có giảm về số vụ và số người chết, nhưng số người bị thương lại tăng.
Qua phân tích, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông phần lớn do người điều khiển phương tiện không ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.
Nhiều trường hợp xảy ra tai nạn xuất phát từ việc người tham gia giao thông chạy quá tốc độ; điều khiển phương tiện đang trong tình trạng uống rượu, bia.
Có trường hợp đi sai phần đường, làn đường, tránh, vượt sai quy định, chuyển hướng không nhường đường và không chú ý quan sát khi qua đường.
Một kết quả điều tra xã hội học cho thấy, sự gia tăng tốc độ trung bình của phương tiện có liên quan trực tiếp đến khả năng xảy ra sự cố và mức độ nghiêm trọng của tai nạn giao thông.
Ví dụ, khi tăng 1km/h tốc độ xe trung bình sẽ tăng 3% tỷ lệ tai nạn dẫn đến chấn thương và tăng từ 4 - 5% trong tỷ lệ tai nạn chết người.
Tài xế sau khi uống rượu hay bất kỳ chất kích thích thần kinh khác sẽ tăng nguy cơ tai nạn dẫn đến tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng so với người đang trong trạng thái bình thường.
"Còn khi đang lái xe sử dụng điện thoại di động, không chú ý quan sát, không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường nhánh hoặc khi điều khiển xe đi từ trong ngõ, đường nhánh, đường không ưu tiên ra đường chính… là nguyên nhân của những vụ tai nạn bất ngờ", ông Quang thông tin thêm.
Tăng cường các giải pháp để kéo giảm tai nạn giao thông
Cũng theo ông Quang, ngày 21/9/2023, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Theo đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng; tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Trong các giải pháp trên, chính phủ đặc biệt quan tâm việc đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy pháp luật về giao thông trong trường học, nội dung tuyên truyền phải có chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến tâm lý, ý thức của người tham gia giao thông, quyết tâm hình thành thói quen, văn hóa chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cấp biển số phương tiện giao thông; nghiên cứu, hoàn thiện quy định quản lý nhà nước đối với biển số phương tiện giao thông.
Tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn.
Riêng trên địa bàn tỉnh An Giang, 9 tháng qua, cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3.474 trường hợp, số tiền thu qua kho bạc Nhà nước trên 8,3 tỷ đồng, tạm đình chỉ 2.303 phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn 779 trường hợp.
"Việc tăng cường các biện pháp cùng những hoạt động "mạnh tay" thời gian qua, tỉnh mong muốn tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông", ông Quang nói.