Ăn món này sau 5 phút, người đàn ông phải nhập viện cấp cứu trong cảnh thập tử, nhất sinh
Sau khi ăn khoảng 5 phút, ông T. thấy tê bì đầu môi, ngón tay, mệt rũ toàn thân và lập tức được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên trong tình trạng lơ mơ, thở yếu do liệt cơ hô hấp.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn con so biển. Dù biết so biển có chất độc, nếu không cẩn trọng trong chế biến sẽ bị ngộ độc và nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên vì chủ quan trong chế biến, sử dụng dẫn đến nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu.
Gần đây nhất là trường hợp ông N.V.T (55 tuổi, trú tại Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện cấp cứu sau khi ăn so biển. Trước khi nhập viện, ông T. đã bị ngộ độc nhẹ với biểu hiện nôn mửa, tiêu chảy sau khi ăn con so biển, nhưng vẫn chủ quan nghĩ không sao.
Lần này hàng xóm đi biển bắt được con so biển, khi chế biến xong có mời ông T. sang ăn cùng. Sau khi ăn khoảng 5 phút, ông T. thấy tê bì đầu môi, ngón tay, mệt rũ toàn thân và lập tức được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên trong tình trạng lơ mơ, thở yếu do liệt cơ hô hấp. Lúc này, bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản để hỗ trợ hô hấp và chuyển người bệnh đến Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí.
Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí tiến hành thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng và xác định người bệnh bị ngộ độc so biển.
Các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp xử trí thải độc theo phác đồ, kháng sinh, thở máy, chống độc đặc hiệu. Sau 3 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã tỉnh táo, tự thở được, còn cảm giác tê tay, yếu chân và đau đầu. Cách đây 4 ngày, sau khi sức khỏe ổn định, ông T. được xuất viện về nhà.
Trước sự việc trên, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí khuyến cáo: Trong con so biển có chứa độc tố tetrodotoxin, với độc tính rất mạnh, bền với nhiệt, các biện pháp chế biến hiện nay không đảm bảo loại trừ hết nguy cơ gây ngộ độc. Đáng chú ý, độc tố gây ảnh hưởng đến thần kinh (đặc biệt là liệt) và ảnh hưởng đến tim mạch, tiêu hóa.
Với liều độc thấp có thể gây rối loạn cảm giác như: tê môi, lưỡi, tay, chân, liệt các cơ vận động. Trường hợp nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp khiến người bệnh nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, thiếu oxy não, tổn thương thần kinh và có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.