An ninh nguồn nước từ cảnh báo của 'tư lệnh' ngành Nông nghiệp đến câu chuyện sân golf

Nghị trường Quốc hội sáng nay (4/6) nóng về chủ đề an ninh nguồn nước khi các đại biểu tiến hành chất vấn nhóm vấn đề Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, đáng chú ý với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khi ông nói: 'Chúng ta phải sử dụng nước với tư duy là tài nguyên hữu hạn và phải tiếp cận nền nông nghiệp khan hiếm nước'.

TỪ CẢNH BÁO CỦA BỘ TRƯỞNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP…

Nói về vấn đề khan hiếm nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, thế giới đánh giá, hiện đang ở mức kỷ nguyên khô hạn toàn cầu, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Thế nên, việc tiết kiệm nước phải tiếp cận ở 3 vấn đề cụ, gồm: Số lượng nước, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước. Trong đó, cách thức sử dụng sẽ tác động đến số lượng và chất lượng nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Khi hết nước tự nhiên, chúng ta khai thác nước ngầm thì sẽ có nhiều hệ lụy và rơi vào vòng luẩn quẩn không có đường ra".

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Khi hết nước tự nhiên, chúng ta khai thác nước ngầm thì sẽ có nhiều hệ lụy và rơi vào vòng luẩn quẩn không có đường ra".

Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh: Lâu nay, chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, mặc dù chúng ta nói tài nguyên nước. Nhưng bây giờ đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, chúng ta phải sử dụng nước với tư duy là tài nguyên hữu hạn và phải tiếp cận nền nông nghiệp khan hiếm nước.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, vừa rồi chúng tôi có tiếp cận với các chuyên gia đến từ Israel, một quốc gia sa mạc, nhưng vẫn có một nền nông nghiệp vượt trội. Khởi đầu, họ đưa ra câu chuyện giáo dục trẻ nhỏ là văn hóa tiết kiệm nước, tiết kiệm trong tiêu dùng, sinh hoạt và trong nông nghiệp. Vì vậy, có lẽ đến giờ này chúng ta phải có một tuyên ngôn với bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long và cả nước rằng, chúng ta không phải là quốc gia dư thừa nước, và ngày càng khan hiếm hơn. Từ đó chúng ta chuyển đổi trạng thái nền nông nghiêp sử dụng nước hữu hạn".

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu thực trạng: "Chúng ta hiện sử dụng nước tưới tràn, tưới xả, trong khi người ta tưới nhỏ giọt. Trạng thái nền nông nghiệp tiết kiệm nước sẽ giúp hiệu chỉnh từng đơn vị nước một cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Nếu không, khi hết nước tự nhiên, chúng ta khai thác nước ngầm thì sẽ có nhiều hệ lụy và rơi vào vòng luẩn quẩn không có đường ra".

…ĐẾN NGHĨ VỀ CHUYỆN SÂN GOLF VÀ QUY HOẠCH SÂN GOLF

Khai thác tài nguyên bừa bãi làm cho biến đổi khí hậu, dẫn đến cạn kiệt nguồn nước. Vì vậy, theo các nhà phân tích chiến lược, quốc gia nào đảm bảo an ninh nguồn nước sẽ là một trong những chìa khóa cho phát triển ổn định.

Là vùng châu thổ trù phú, vựa lúa chính của cả nước, nhưng thời gian qua, một số địa phương tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với hạn mặn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt nghiêm trọng, càng nhận thấy tầm quan trọng của đảm bảo an ninh nguồn nước ra sao.

Theo các chuyên gia, trung bình một sân golf sử dụng 5.000 m3 nước tưới/ngày tương đương nhu cầu dùng của khoảng 10.000 gia đình/ngày (Ảnh minh họa sân golf ngày càng mọc lên nhiều).

Theo các chuyên gia, trung bình một sân golf sử dụng 5.000 m3 nước tưới/ngày tương đương nhu cầu dùng của khoảng 10.000 gia đình/ngày (Ảnh minh họa sân golf ngày càng mọc lên nhiều).

Nhận thấy tầm quan trọng của an ninh nguồn nước, ngày 23/6/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36 về đảm bảo an ninh nguồn nước. Trong đó, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn đến năm 2025, 2030 và 2045. Tinh thần là bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Cụ thể hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Tài Nguyên nước. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo an ninh nguồn nước cho hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, có một thực tế, trong khi chúng ta đang tính đến an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu và việc ngăn chặn dòng chảy ở thượng nguồn để làm thủy điện, thì có một lĩnh vực đang tiêu tốn rất nhiều nước ngầm, ảnh hưởng đến môi trường thì lại đang nở rộ phát triển, đó là sân golf. Vẫn biết, hội nhập kinh tế quốc tế, đất nước phát triển, phát triển du lịch không thể thiếu sân golf. Nhưng phát triển quá nhiều sân golf trên hệ phù sa đất nông nghiệp, đất bán sơn địa thì lại là điều đáng bàn. Và theo quy hoạch sân golf giai đoạn 2021 - 2030, ngoài số lượng sân golf hiện có, tới đây tỉnh, thành nào cũng có sân golf, thậm chí có địa phương quy hoạch từ 8 - 25 sân golf. Lâm Đồng, Bắc Giang cũng muốn địa phương mình trở thành thủ phủ golf. Ngay tại đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất đang thiếu nước ngọt, thì một số địa phương đã có sân golf và tới đây theo quy hoạch, hầu như tỉnh, thành nào cũng có.

Một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước ngọt, nước sinh hoạt nghiêm trọng (Ảnh: TNMT).

Một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước ngọt, nước sinh hoạt nghiêm trọng (Ảnh: TNMT).

Thống kê cho hay, đến tháng 1/2024, trong tổng số 30 tỉnh được phê duyệt và 33 tỉnh đã trình thẩm định quy hoạch, đã xác định được khoảng 98 sân golf và 11 cụm sân golf nằm trong các quy hoạch được phê duyệt, và 160 sân golf nằm trong các quy hoạch tỉnh đang trình thẩm định! Hiện cả nước có 80 sân golf đang trong quá trình khai thác.

Điều đáng nói, để làm một sân golf từ 18 hố trở lên, cần sử dụng diện tích đất lên tới 100 - 250 ha (sân chơi, dịch vụ, nhà hàng, với nước ta còn có thêm cả hệ thống biệt thự). Về nguồn nước, theo thống kê của các chuyên gia, trung bình mỗi sân golf tiêu thụ 5.000 m3 nước/ngày, tương đương với nhu cầu dùng nước của 7.500 - 10.000 hộ gia đình. Còn dưới thảm cỏ xanh ngát, bất chấp đó là mùa hè hay mùa đông, để đảm bảo chất lượng mặt sân cần phải sử dụng nhiều hóa chất chuyên dụng như: Chlorpyrifos, Diazinon và Isazofos… thuộc danh mục hóa chất nhạy cảm với môi trường và sức khỏe con người. Bên cạnh đó là các thuốc bảo vệ thực vật như Delta-Coated (Controlled Release Fertilizer), Delta-Top. Một sân golf 150 ha có thể sử dụng gần chục tấn Delta-Coated và gần 200 tấn Delta-Top/năm, chưa kể các loại thuốc trừ sâu khác…

Nhân Quốc hội đang tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ trong đó có lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, nên chăng, các cấp có thẩm quyền cũng cần rà soát lại quy hoạch sân golf, nhằm tránh phát triển nóng, dễ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Và xem xét, có nhất thiết tỉnh, thành nào cũng phải có sân golf? Bởi hiện nay, có những địa phương đã quy hoạch từ 8 - 10 sân golf, thậm chí lên đến 25 sân golf. “Chúng ta không phải quốc gia dư thừa nước”- như trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đáng để chúng ta suy ngẫm.

H.Lê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/an-ninh-nguon-nuoc-tu-canh-bao-cua-tu-lenh-nganh-nong-nghiep-den-cau-chuyen-san-golf-171697.html