Án Nước ngoài-Luật Việt Nam: Con gái trộm trang sức giá 3,5 tỷ của mẹ ra chợ bán lấy 200 nghìn đồng

Muốn mua khuyên tai, cô gái tuổi teen trộm nữ trang của mẹ đem ra chợ bán lấy 60 Nhân dân tệ (207 nghìn đồng), thực tế món đồ trị giá 1 triệu tệ (gần 3,5 tỷ đồng).

Án Nước ngoài: Trộm trang sức bạc tỷ rồi mang bán với giá bèo

Vụ việc xảy ra ở Thượng Hải, Trung Quốc. Chị Vương phát hiện con gái mình đã đem bán bộ trang sức trị giá 1 triệu Nhân dân tệ của mẹ với giá chỉ 60 tệ; giá bán chỉ bằng một phần rất nhỏ giá trị thực của bộ trang sức.

Chị Vương đã trình báo vụ việc với đồn cảnh sát Vạn Lý thuộc Cục Công an Phổ Đà. Kết quả điều tra cho thấy, nữ sinh họ Lý, con gái chị, đang trải qua "cuộc nổi loạn của tuổi mới lớn" nên đã lấy những món đồ trang sức của mẹ đem bán để kiếm chút tiền tiêu vặt.

Một video đang thịnh hành trên mạng xã hội cho thấy, số đồ trang sức bị đánh cắp bao gồm vòng tay ngọc bích, vòng cổ và các loại đá quý khác. Do không biết giá trị thực sự của chúng, Lý tưởng đó là đồ giả và đem bán cho một cửa hàng tái chế ngọc bích tại khu chợ địa phương.

"Tôi không hiểu tại sao con tôi lại muốn bán nó. Hôm đó Lý nói với tôi là do cần tiền. Tôi hỏi nó bán giá bao nhiêu, con tôi nói là 60 Nhân dân tệ. Tôi hỏi tại sao làm thế thì Lý bảo: 'Con thấy một người đeo khuyên môi và nghĩ chúng trông tuyệt lắm nên cũng muốn một cái'", chị Vương nói với cảnh sát.

Những món trang sức đắt tiền bị đánh cắp rồi bị bán với giá cực rẻ.

Những món trang sức đắt tiền bị đánh cắp rồi bị bán với giá cực rẻ.

"Lý mua khuyên tai và khuyên môi có giá khoảng 30 Nhân dân tệ (103 nghìn đồng), và họ tặng một đôi khuyên tai khác với giá 30 Nhân dân tệ, tổng cộng là 60 Nhân dân tệ", Vương kể thêm.

Sau khi nhận được báo cáo, cảnh sát phản ứng nhanh chóng. Họ xem lại đoạn phim giám sát, phối hợp với ban quản lý thị trường và thu hồi thành công số đồ trang sức đã bán.

"Chủ cửa hàng không có mặt vào ngày hôm đó nên chúng tôi liên lạc với họ qua điện thoại và sắp xếp để họ đến đồn cảnh sát phối hợp thêm", cảnh sát Fan Gaojie cho biết. Những món đồ trang sức của chị Vương hiện đã được trả lại đầy đủ.

Câu chuyện được Shanghai Media Group đưa tin, gây nên làn sóng tranh luận trong cộng đồng mạng về tiền tiêu vặt cho trẻ và cách dạy con.

Một số cư dân mạng bày tỏ sự thông cảm với cô con gái: "Nếu gia đình sở hữu số trang sức trị giá hàng triệu nhân dân tệ, tại sao không cho đứa trẻ một ít tiền tiêu vặt?"; "Một cô gái tuổi teen bán đồ trang sức với giá 60 nNhân dân tệ để mua khuyên tai là điều mà các bậc phụ huynh cần phải suy nghĩ. Với số tiền lớn như vậy, họ không thể dành dụm một ít tiền tiêu vặt sao?"...

Nhiều người cho rằng qua sự việc này, các phụ huynh cần dạy con nghiêm khắc hơn: "Cho trẻ vị thành niên tiền tiêu vặt để đi xỏ khuyên môi ư? Là một sinh viên đại học, tôi không thể ủng hộ điều đó"; "Thanh thiếu niên cần giao tiếp với cha mẹ. Ăn cắp đồ của gia đình vẫn là ăn cắp. Đây là sự thất bại trong việc nuôi dạy con cái, không phải là cái cớ để đổ lỗi cho sự nổi loạn của tuổi mới lớn"; "Tình huống này thật hỗn loạn, gây phiền hà cho chủ cửa hàng, cảnh sát và tất cả những người liên quan"...

Cô Vương báo cảnh sát về vụ trộm sau khi phát hiện bị mất tài sản.

Cô Vương báo cảnh sát về vụ trộm sau khi phát hiện bị mất tài sản.

Luật Việt Nam: Trộm cắp tài sản không căn cứ vào quan hệ ruột thịt

Đối với hành vi trộm cắp tài sản, pháp luật không căn cứ vào mối quan hệ ruột thịt giữa người phạm tội và người bị hại mà căn cứ vào hành vi, hậu quả … để xem xét có phạm tội hay không, xác định khung hình phạt cho người phạm tội.

Việc cô con gái tuổi teen của gia đình kia có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không phụ thuộc vào hành vi và độ tuổi của cô bé.

Trước hết, trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người khác quản lí. Trộm cắp tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu của người khác. Ở đây, cô bé đã có hành vi lấy trộm bộ trang sức của mẹ rồi mang ra chợ bán. Như vậy hành vi trên đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội Trộm cắp tài sản, quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Về mức phạt tù đối với hành vi trộm cắp tài sản, khung hình phạt cho người phạm tội căn cứ vào giá trị tài sản.

Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp (khoản 4 Điều 173).

Ở đây, số trang sức cô bé lấy trộm có giá trị rất lớn, gần 3,5 tỷ đồng, do vậy nếu bị xử lý hình sự về tội Trộm cắp tài sản, cô bé sẽ phải đối diện với mức phạt tù rất cao, từ 12 đến 20 năm.

Tuy nhiên, không rõ cô bé trộm trang sức trên bao nhiêu tuổi, đã đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự hay chưa.

Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như sau:

+ Người dưới 14 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi trộm cắp có tính chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm theo quy định của pháp luật.

Nếu cô bé chưa đủ 14 tuổi thì vấn đề pháp lý sẽ không đặt ra nhưng nếu cô bé đã đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự vì số tài sản trộm cắp có giá trị rất lớn.

Hành vi trộm cắp tài sản không thuộc các trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, đồng thời pháp luật hình sự cũng không có quy định nào về việc loại trừ trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản của người thân ruột thịt. Cho nên, cô bé tuổi teen nói trên vẫn có thể truy cứu trách nhiệm theo quy định nếu đủ yếu tố cấu thành tội Trộm cắp tài sản.

Ngoài ra, nếu chứng minh được người mua bộ trang sức khia biết rõ tài sản mà cô bé bán là đồ do trộm cắp mà có (giá trị tài sản quá lớn), thì người này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vật phạm pháp càng lớn, mức án sẽ càng cao.

Ánh Dương (Thực hiện)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/an-nuoc-ngoai-luat-viet-nam-con-gai-trom-trang-suc-gia-35-ty-cua-me-ra-cho-ban-lay-200-nghin-dong-204250209092116146.htm