Ăn tiết canh, coi chừng mất Tết vì 5 nguy cơ này
Tiết canh là món ăn 'khoái khẩu' của nhiều người, đặc biệt trong dịp lễ Tết, nhà nhà mổ lợn, ngan, vịt… Tuy 'ngon, bổ, rẻ' nhưng ăn tiết canh coi chừng mất Tết vì những nguy cơ bệnh tật do món ăn này gây ra.
Nội dung
1. Tiết canh chứa rất nhiều mầm bệnh
2. Ăn tiết canh có nguy cơ nhiễm bệnh gì?
1. Tiết canh chứa rất nhiều mầm bệnh
Tiết canh là món tiết gia súc (lợn, ngựa, dê…) hoặc gia cầm (vịt, ngan, ngỗng…). Sau khi cắt tiết con vật cho chảy vào bát nước đã pha mắm, muối cho khỏi đông và sau đó pha loãng, trộn đều với các phần sụn, thịt nạc băm nhỏ để đông lại và ăn sống.
Theo PGS.TS. Vũ Đức Định, nguyên Giảng viên chuyên khoa Tiêu hóa, Học viện Quân y, có rất nhiều yếu tố khiến tiết canh dễ trở thành nguồn lây nhiễm bệnh. Thứ nhất là từ khâu giết mổ. Khi gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung với số lượng lớn thì rất khó để có thể lấy tiết ra đảm bảo vệ sinh bởi vị trí cắt tiết, chọc tiết gia súc, gia cầm khó được làm vệ sinh sạch.
Mầm bệnh cũng có thể nhiễm vào từ dao, chậu, thớt và những đồ đựng tiết khác. Khu vực giết mổ nếu không được vệ sinh cẩn thận cũng là những ổ chứa hàng triệu vi khuẩn.
Tác nhân gây bệnh có thể nhiễm từ tay chân người giết mổ, lây từ những con vật bị bệnh sang tiết của con vật khỏe mạnh. Bên cạnh đó, trong máu rất giàu chất dinh dưỡng nên chỉ cần để hơi lâu một chút là dễ dàng bị nhiễm khuẩn và vi khuẩn sẽ nhân lên rất nhanh.
Đó là những tác nhân gây bệnh nhiễm từ ngoài vào còn bản thân gia súc gia cầm cũng chứa rất nhiều mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng mà những mầm bệnh này thường hay lưu hành trong máu.
2. Ăn tiết canh có nguy cơ nhiễm bệnh gì?
2.1. Rối loạn tiêu hóa
Theo PGS.TS.Vũ Đức Định, nguy cơ mà người ăn tiết canh thường bị đó là rối loạn tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa có nguyên nhân do nhiễm khuẩn như tả, lỵ, E.Coli và nặng hơn có thể do ngoại độc tố của tụ cầu vàng, một tác nhân rất hay nhiễm vào các thức ăn để lâu và gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa cũng có thể do nhiễm các chất độc, chất phụ gia hoặc dị ứng với các thành phần có trong bát tiết canh.
Triệu chứng của rối loạn tiêu hóa thường là: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy cấp và có thể sốt nếu nguyên nhân do nhiễm trùng.
Phần lớn các trường hợp rối loạn tiêu hóa là nhẹ và trung bình nhưng cũng có khi gây nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân do tiêu chảy quá nhiều gây mất nước, mất điện giải, sốc giảm thể tích, sốc nhiễm khuẩn… hay xảy ra ở những đối tượng có sức đề kháng kém như người già, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch…
2.2. Nhiễm virus
Nguy cơ thứ hai khi ăn tiết canh là nhiễm các loại virus hay sống ký sinh ở dịch đường hô hấp các loại gia cầm như ngan, vịt, gia súc như lợn, động vật linh trưởng…
Đối với những loại virus cúm thường thì không đáng ngại nhưng nếu không may bị nhiễm cúm A chủng H1N1, H7N9 sẽ rất nguy hiểm. Những chủng virus này có độc tính rất cao, sau khi vào cơ thể thường gây tổn thương đường hô hấp trên và phổi với các biểu hiện như: sốt cao liên tục, đau đầu, đau khắp người, hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi, đau họng, khó thở ở nhiều mức độ khác nhau, có thể dẫn đến tử vong.
2.3. Nhiễm ấu trùng sán lợn
Sán lợn sống ký sinh trong ruột lợn, trứng theo phân ra ngoài sau đó tái nhiễm vào những con lợn và ấu trùng sống trong các cơ của lợn. Người bị nhiễm ấu trùng sán khi ăn thức ăn có trứng sán hoặc ăn tiết canh, lòng, nem chua… làm từ những con lợn bị mắc sán.
Sau khi bị nhiễm, ấu trùng sán sẽ ký sinh ở nhiều cơ quan trong cơ thể như dưới da, cơ, mắt, đặc biệt là não. Não của người bị nhiễm ấu trùng sán lợn có rất nhiều ấu trùng nằm xen kẽ trong nhu mô. Các triệu chứng của sán não thường rất kín đáo cho tới khi người bệnh bị những cơn co giật, chụp cắt lớp sọ não mới phát hiện ra. Sán não ít khi gây tử vong nhưng thường để lại di chứng nặng về thần kinh.
2.4. Gây khởi phát cơn gout cấp
Đây cũng là một nguy cơ mọi người cần chú ý, khi ăn tiết canh có khả năng làm tăng đột biến lượng axit uric trong máu. Đó là nguyên nhân làm tăng nguy cơ khởi phát cơn gout cấp với những triệu chứng: sưng, nóng, đỏ, đau ở khớp bàn ngón chân cái và một số khớp khác. Đối với nhiều người bị gout, ăn tiết canh gần như gắn liền với cơn gout cấp biểu hiện ngay sau đó.
2.5. Nhiễm liên cầu khuẩn
Đây là nguy cơ đặc biệt nguy hiểm ở các trường hợp có thói quen ăn tiết canh khi bị nhiễm một loại vi khuẩn cư trú tại đường hô hấp trên của lợn, đó là liên cầu khuẩn lợn.
Loại vi khuẩn này có thể gây bệnh cho người và hầu hết các động vật khác như lợn, bò, trâu, khỉ… Đây là một bệnh nhiễm khuẩn toàn thân nặng do có sự xâm nhập liên tục vào máu của vi khuẩn gây bệnh và độc tố của vi khuẩn.
Triệu chứng của bệnh liên cầu lợn bao gồm: sốt cao, nổi ban xuất huyết ở bụng, ngực, chi, tổn thương thính lực, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết… Bệnh thường tiến triển nặng nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong.
Để phòng tránh nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo mọi người chỉ ăn các món ăn từ gia súc, gia cầm đã được nấu chín. Tuyệt đối không thịt gia súc, gia cầm chết. Không ăn các món ăn tái sống như gỏi, nem chua, nem chạo, đặc biệt là tiết canh.
Sử dụng các phương tiện phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt. Khi có vết thương hở không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt tươi sống. Vệ sinh các đồ dùng giết mổ, chế biến hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng...