Ẩn tình phía sau 'Linh hồn tượng đá'
Trong một chuyến đi chung đến Vũng Tàu vào năm 1970, nhóm Lê Minh Bằng đã gặp và trò chuyện với một nhóm sinh viên gồm ba cô gái trẻ. Lấy cảm hứng từ chuyến đi này, nhóm đã cho ra đời một trong những nhạc phẩm bất hủ của dòng nhạc đại chúng thời đó - 'Linh hồn tượng đá'.
Mai Bích Dung là ai?
Nhạc phẩm “Linh hồn tượng đá” với tiếng hát Thái Châu trong những băng nhạc nổi tiếng ở Sài Gòn đầu thập niên 70 của thế kỷ trước đã để lại nhiều kỷ niệm trong lòng người nghe với những lời ca nhớ nhung man mác: “Trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng/ Ngồi bên nhau gọi tên nhau để rồi xa nhau/ Em đã đến và đã đến như áng mây/ Như cánh chim bay qua bầu trời/ Ôi hình hài một vài giờ vui”.
Và đoạn kết bài hát là những ca từ đầy day dứt: “Tôi đứng đó như hình một pho tượng/ Chờ ai đây đợi ai đây và tìm ai đây/ Nghe nuối tiếc gào thét giữa muôn sóng khơi/ Nghe trái tim rung lên bồi hồi/ Mong gì còn gặp lần thứ hai”. Nhiều người yêu thích nhạc phẩm này có những lúc thắc mắc không rõ nhạc sĩ Mai Bích Dung là ai? Nam hay nữ? Duyên cớ nào mà tác giả sáng tác một nhạc phẩm thật bùi ngùi như vậy?
Nói ngay rằng, Mai Bích Dung là tên của ba người con gái ghép lại. Nhưng tác giả Mai Bích Dung viết nên “Linh hồn tượng đá” không phải nữ, mà là nam, tên Lê Minh Bằng. Vậy Lê Minh Bằng là ai?
Lê Minh Bằng không phải tên của một người, mà là tên của ba nam nhạc sĩ ghép lại. Đó là Lê Dinh (SN 1934 tại Tiền Giang) Minh Kỳ (SN 1930 tại Khánh Hòa, mất năm 1976), Anh Bằng (SN 1925 tại Thanh Hóa, mất năm 2015). Kể về hoàn cảnh sáng tác cũng như ký tên Mai Bích Dung trong nhạc phẩm “Linh hồn tượng đá”, nhạc sĩ Lê Dinh từng kể, một ngày cuối tuần của năm 1970, nhóm Lê Minh Bằng rủ nhau đi ô tô đến Vũng Tàu chơi cho khuây khỏa và cũng để tìm cảm hứng sáng tác.
“Khi xe chúng tôi đến Bãi Trước, chỗ Ty Bưu Điện, chúng tôi thấy ba cô gái mặc áo dài đang đi dưới nắng trưa của Vũng Tàu. Anh Anh Bằng lái xe. Anh Minh Kỳ ngồi phía trước. Bất ngờ anh Minh Kỳ nói với anh Anh Bằng: “Bằng, Bằng dừng xe lại cho ba cô đó lên xe đi chung với mình. Tội quá, nắng như vầy mà ba cô đi bộ tội nghiệp quá”. Vì tính hơi nhác, anh Anh Bằng bảo: “Thôi, ông đi đi, tôi không đi đâu”. Anh Minh Kỳ nói: “Thôi, dừng xe lại để “moi” đi cho”. Nói rồi, anh Minh Kỳ xuống xe và không biết anh nói gì với ba cô đó mà ba cô vui vẻ, đồng ý lên xe”, nhạc sĩ Lê Dinh từng kể.
Vì phía băng trước có nhạc sĩ Minh Kỳ ngồi, cho nên ba cô gái phải ngồi ở băng sau với nhạc sĩ Lê Dinh. Lúc này, nhạc sĩ Lê Dinh hỏi tên ba cô gái và tại sao đi bộ dưới nắng trưa như vậy? Cô ngồi kế bên nhạc sĩ cho biết mình tên là Mai, cô kế là Bích và cô bên kia là Dung. Tất cả ba cô đều là sinh viên, đi Vũng Tàu tìm con sứa để về trường thí nghiệm.
“Chúng tôi chở ba cô gái ra Bãi Sau, rồi vào quán dùng cơm trưa. Ăn xong, ba cô xuống mé biển tìm sứa. Sau đó, chúng tôi đưa ba cô ra bến xe Vũng Tàu trở về Sài Gòn. Đêm đó, chúng tôi về khách sạn, anh Anh Bằng là người đề xướng việc viết bài hát “Linh hồn tượng đá”, lấy tên tác giả là tên của ba cô ghép lại - Mai Bích Dung. Chúng tôi cùng hoàn tất bài hát ngay đêm đó”, nhạc sĩ Lê Dinh từng kể.
Sau khi nhạc phẩm “Linh hồn tượng đá” được in ra, nhạc sĩ Anh Bằng đích thân mang đến ngôi trường ba cô gái đang học, tặng mỗi người một bản. Tất nhiên, các bản đều có chữ ký của cả ba chàng nhạc sĩ hào hoa. Chứng thực điều này, bà Dung - một trong ba người con gái của cái tên Mai Bích Dung từng cho biết, thời điểm năm 1970, bà cùng hai người bạn tên Mai và Bích đến Vũng Tàu, rồi vô tình gặp được ba chàng nhạc sĩ tài hoa.
Cuộc gặp gỡ trong thoáng chốc chợt thành kỷ niệm để đời với nhạc phẩm “Linh hồn tượng đá” và giống y hệt như lời kết của nó: “Nghe trái tim rung lên bồi hồi/ Mong gì gặp lại lần thứ hai”.
Nhóm nhạc nhiều bút danh nhất
Lại nói về Lê Minh Bằng, đây là nhóm nhạc của ba nhạc sĩ nói trên, thành lập năm 1966 và hoạt động đến năm 1975. Ngoài nghệ danh Lê Minh Bằng, nhóm còn dùng các bút danh như: Vũ Chương, Mạc Phong Linh, Mai Thiết Lĩnh, Mai Bích Dung, Dạ Ly Vũ, Dạ Cầm, Giang Minh Sơn, Hoàng Minh, Trần An Thanh, Tây Phố, Trúc Ly, Tôn Nữ Thụy Khương, Phương Trà, Huy Cường, Mặc Vũ…
Những ca khúc được viết dưới tên Lê Minh Bằng có thể kể đến như: “Đêm ngoại ô”, “Chuyện ba mùa mưa”...; với bút danh Mai Bích Dung như: “Cho người tình nhỏ”, “Linh hồn tượng đá”… Ngoài ra, còn có rất nhiều sáng tác thành công của ba nhạc sĩ như: “Cô hàng xóm” (ký tên Giang Minh Sơn), “Đà Lạt hoàng hôn” (Dạ Cầm), “Mưa trên phố Huế” (Tôn Nữ Thụy Khương), “Chuyện tình Lan và Điệp” - 1, 2, 3 (Mạc Phong Linh - Mai Thiết Lĩnh)…
Tuy ký tên chung Lê Minh Bằng nhưng không hẳn là ba người cùng ngồi vào bàn, cùng nhau sáng tác; cũng không phải mỗi người sáng tác riêng, rồi mang vào tổ hợp ký tên chung nhau. Phần lớn sáng tác đều là của nhạc sĩ Anh Bằng; đôi khi có sự góp ý của nhạc sĩ Lê Dinh và nhạc sĩ Minh Kỳ trong việc sửa sang một vài lời ca, thêm bớt chi tiết, nhưng phần chính yếu trong việc sáng tác đều do nhạc sĩ Anh Bằng. Trong bút ký của mình, nhạc sĩ Lê Dinh kể rằng, có người hỏi tại sao người khác muốn tạo một tên tuổi rất khó, nhưng nhóm Lê Anh Bằng lại dùng rất nhiều bút danh. Theo nhạc sĩ Lê Dinh, trong thời gian đầu thành lập, nhóm muốn thử nghiệm một loại nhạc hợp với đa số người thưởng thức: giản dị, nhạc dễ nhớ, lời dễ hiểu, dễ thuộc…
Nếu được khán thính giả chấp nhận thì là một điều hay, còn nếu không thì cũng chẳng sao, không ảnh hưởng gì đến tên tuổi của 3 người. Tuy nhiên, nhóm không thể ngờ được những bài như: “Cô hàng xóm”, “Chuyện tình Lan và Điệp” - 1, 2, 3 và nhiều bài khác cũng thuộc loại bài có lời ca hợp với đa số người bình dân, được phần đông mến chuộng. Bằng chứng là các đại lý yêu cầu tái bản tới tấp, nhóm phải có mặt suốt đêm trong nhà in để lo in cho kịp. Có nhiều bài có mức phát hành lên đến cả trăm ngàn bản.
Ngoài sáng tác ca khúc, tại số nhà 102/8 Hai Bà Trưng (Tân Định, Sài Gòn), nhóm này còn mở lớp dạy nhạc có tên “Lớp nhạc Lê Minh Bằng”. Họ thay phiên nhau giảng dạy về lý thuyết và thực hành. Có khoảng 100 học viên nam nữ theo học, sau này đã có những ca sĩ nổi tiếng như: Kim Loan, Giáng Thu, Trang Mỹ Dung…
“Thầy Bằng chỉ bảo những điểm cần thiết, còn phần căn bản để cho thầy Kỳ và thầy Dinh lo. Thế nào là xuống tone, lên tone, thăng, giáng, một cung, nửa cung, âm giai trưởng, âm giai thứ, nhất là phần xướng âm… rắc rối quá. Thế là thầy Bằng làm cho các em vui vẻ lên, lớp học rộn rịp lên bằng cách cầm cây guitar, mở ampli, đưa micro cho các em, rồi thì tiếng vỗ tay hoan nghinh thầy Bằng vang dội từ trên lầu xuống dưới nhà. Riêng thầy Dinh, áp dụng thuyết trung dung của Khổng Tử làm kim chỉ nam. Mà chính các em cũng bảo thầy Dinh là thầy Kỳ và thầy Bằng cộng lại rồi chia làm 2”, nhạc sĩ Lê Dinh kể.