An toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển các công nghệ mới

Để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến, tương thích với sự phát triển của công nghệ mới nhưng đảm bảo sự an toàn, bền vững.

Phát biểu tại sự kiện Hội nghị VNNIC Internet Conference 2024, với chủ đề “An toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển các công nghệ mới” diễn ra sáng 7/6, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết để đáp ứng giai đoạn chuyển đổi số, hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội nghị

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến, tương thích với sự phát triển của các công nghệ mới nhưng đảm bảo sự an toàn, bền vững. Sự phát triển, đảm bảo an toàn bền vững hạ tầng là nền tảng từ gốc của sự phát triển.

“Internet là một trong những hạ tầng quan trọng nhất của nhân loại thúc đẩy phát triển dữ liệu số, công nghệ số và chuyển đổi số. Mạng Internet muốn phát triển thông minh, an toàn cần phải giải quyết từ nền tảng lõi. Do vậy, đảm bảo sự an toàn, tin cậy, bền vững cho Internet thông qua các giải pháp, công nghệ phát triển và đảm bảo an toàn cho hạ tầng Internet, an toàn kết nối, an toàn cho các hạ tầng trọng yếu. Thúc đẩy người sử dụng lên môi trường số, song song với đem lại các giá trị cho người sử dụng và bảo vệ người sử dụng trên môi trường số”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Theo dự báo của Statista, thế giới sẽ có hơn 7,5 tỷ người dùng Internet và hơn 29 tỷ thiết bị Internet kết nối vạn vật (IoT) vào năm 2030. Sự bùng nổ về kết nối Internet đang đặt ra những thách thức lớn cho hạ tầng Internet - hạ tầng lõi cho các kết nối trong kỷ nguyên số.

Việt Nam kết nối Internet toàn cầu vào năm 1997, từ một mạng độc lập duy nhất đến nay đã phát triển lên tới gần 1000 mạng có địa chỉ IP và số hiệu mạng độc lập kết nối với nhau. Tuy nhiên, để đáp ứng giai đoạn chuyển đổi số, hạ tầng số của nước ta đang cần có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập rộng rãi, an toàn và bền vững.

Cùng với sự phát triển, cải tiến của công nghệ Internet đang diễn ra mạnh mẽ, với các công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, công nghệ 5G/6G,… hạ tầng Internet đang cần chuyển đổi sang thế hệ mới, hoạt động dựa trên giao thức liên mạngIPv6. Đây là giao thức liên mạng thế hệ mới, được thiết kế để khắc phục những hạn chế của phiên bản IPv4, có 2128 địa chỉ IP (gấp khoảng 10 lần so với địa chỉ của IPv4). Mặc dù Việt Nam đứng thứ 8 trong Top 10 quốc gia chuyển đổi IPv6 cao nhất trên thế giới, nhưng đến nay tỷ lệ chuyển đổi sử dụng địa chỉ Internet mới IPv6 đạt gần 60%.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Với chủ đề “An toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển các công nghệ mới", hội nghị Internet Conference 2024 là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia quốc tế, trong nước cùng thảo luận, kết nối, hợp tác, qua đó xác định được các giải pháp hướng tới phát triển hạ tầng Internet Việt Nam hiện đại, thông minh, an toàn, là nền tảng cốt lõi cho Internet Việt Nam phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn; bảo vệ, đem lại các giá trị cho người sử dụng, cho toàn thể xã hội.

Hội nghị VNNIC Internet Conference 2024 cũng là dịp để cộng đồng Internet Việt Nam học hỏi, kết nối, hợp tác với các chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp lĩnh vực Internet, ICT hàng đầu thế giới.

Sự kiện còn có hoạt động dành riêng, mở rộng cho sinh viên nhằm tạo điều kiện giới trẻ ứng dụng, khai thác giá trị Internet và tài nguyên Internet, tên miền quốc gia “.vn” trong học tập và khởi nghiệp.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/an-toan-ben-vung-ha-tang-internet-truoc-su-phat-trien-cac-cong-nghe-moi-post1100070.vov