An toàn bức xạ trong công nghiệp, y tế: Phải tuân thủ nghiêm ngặt

Các đơn vị công nghiệp, y tế trong tỉnh ứng dụng bức xạ trong khai thác khoáng sản, công tác chuyên môn đã đem lại lợi ích thiết thực về hoạt động này. Tuy nhiên, việc ứng dụng bức xạ cần được các cơ quan sử dụng kiểm soát chặt chẽ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ để đảm bảo an toàn cho mọi người, môi trường xung quanh.

Chuyện “thật như đùa”

Câu chuyện “thật như đùa” mà thạc sĩ Nguyễn Hoàng Long, Trung tâm Hạt nhân TP. Hồ Chí Minh (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) chia sẻ trong hội nghị tập huấn đảm bảo an toàn bức xạ trong công nghiệp, y tế và diễn tập ứng phó sự cố hạt nhân do Sở Khoa học & Công nghệ tổ chức tại TP. Phan Thiết cho đông đảo cán bộ, nhân viên phụ trách an toàn bức xạ các sở ban ngành, huyện, cơ sở y tế, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đây, khiến nhiều đại biểu hôm ấy quan tâm. Cách đây chưa lâu, kỹ thuật viên phụ trách an toàn bức xạ một đơn vị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong lần làm nhiệm vụ bảo quản nguồn xạ trong chiếc máy; đến chiều muộn anh ta vô tình xách máy chứa nguồn xạ về nhà riêng, khóa nguồn, để nguyên chìa khóa ở máy (cái máy ấy tựa giống máy phát điện diesel). Nguyên tắc phải để máy chứa nguồn phóng xạ tại nơi làm việc. Anh ta nghĩ rằng sáng mai đưa máy lên đơn vị sử dụng tiếp. Không ngờ đến khuya kẻ trộm vào nhà lầm tưởng “máy phát điện” đã cuỗm đi. Chỉ cần kẻ trộm hớ hênh mở khóa nguồn, nguồn phóng xạ sẽ nhanh chóng lan ra môi trường bên ngoài, rất nguy hiểm với những người dân xung quanh khu vực. Cũng may lực lượng chức năng thành phố tập trung tìm kiếm, 2 ngày sau tìm ra được chiếc “máy nổ diesel” khi kẻ trộm chưa kịp tiêu thụ, và may mắn còn nguyên khóa nguồn. Kể câu chuyện này, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Long cho rằng, với những chuyên viên phụ trách bức xạ ở các doanh nghiệp, đơn vị y tế chuyên ngành, phải tuân thủ nguyên tắc an toàn bức xạ, hết sức cẩn thận trong công việc này, đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh.

Sở KH & CN tập huấn ứng phó sự cố bức xạ trong đời sống.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh

Cùng với đó, bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho rằng: “Nhiều năm qua, các đơn vị chức năng trong tỉnh ứng dụng bức xạ hạt nhân trong công nghiệp, y tế đã đem lại lợi ích thiết thực trong hoạt động 2 lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc ứng dụng bức xạ và hạt nhân cần được các cơ quan sử dụng kiểm soát chặt chẽ nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ để đảm bảo an toàn cho con người, môi trường xung quanh. Các cơ quan, doanh nghiệp tiến hành công việc này phải đảm bảo liều bức xạ cá nhân đối với nhân viên bức xạ, công chúng, không vượt quá giới hạn liều quy định; thực hiện các biện pháp kỹ thuật hạn chế mức liều bức xạ cá nhân thấp nhất. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở, doanh nghiệp sử dụng nguồn bức xạ, 4 đơn vị vận chuyển nguồn xạ để chụp ảnh phóng xạ từ các địa phương khác hoạt động ở tỉnh. Cùng đó, doanh nghiệp hoạt động khai thác chế biến khoáng sản cũng sinh ra các đồng vị phóng xạ tập trung trong các bãi chứa, kho lưu trữ các sản phẩm Monazite, Zircon, là nguy cơ có thể gây ra sự cố về an toàn bức xạ, chất phóng xạ, nếu bị rơi vãi, rây bẩn ra môi trường”. Trong một lần cùng Sở Tài nguyên & Môi trường giám sát hoạt động 1 doanh nghiệp khai thác titan ở huyện Hàm Thuận Nam, chúng tôi chứng kiến 2 bãi nhỏ cát đen không được che chắn cẩn thận. Cán bộ sở chức năng cho rằng, doanh nghiệp chưa đảm bảo về an toàn bức xạ ở lĩnh vực hoạt động khai thác khoáng sản.

Trong buổi tập huấn liên quan vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Long, Trung tâm Hạt nhân TP. Hồ Chí Minh đã truyền đạt các chuyên đề: Khái niệm cơ bản về bức xạ Ion hóa; các biện pháp bảo vệ và kiểm soát chống chiếu xạ ngoài như mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài, kiểm soát thời gian, khoảng cách, kiểm soát suất liều, che chắn… Qua đó, báo cáo viên lưu ý các nhà quản lý, nhân viên hoạt động lĩnh vực này phải đảm bảo 3 yếu tố an toàn bức xạ: che chắn - khoảng cách - thời gian; càng ít tiếp xúc tia bức xạ càng tốt, đảm bảo độ an toàn cao; vận chuyển an toàn vật liệu phóng xạ, chế độ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi với người lao động làm công việc bức xạ, hạt nhân; ứng phó sự cố bức xạ ở cơ sở, cấp tỉnh theo các thông tư hướng dẫn của Bộ Khoa học & Công nghệ. Các cán bộ chuyên môn cũng được hướng dẫn diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, với tình huống nguồn phóng xạ bị phát tán (rơi vãi, rây bẩn ra môi trường) do tai nạn khi vận chuyển qua địa bàn Bình Thuận.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/an-toan-buc-xa-trong-cong-nghiep-y-te-phai-tuan-thu-nghiem-ngat-101517.html