An toàn chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm trong các lễ hội xuân

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các lễ hội xuân có sự thay đổi nhằm bảo tồn và thích ứng với điều kiện mới, nhưng không làm mất đi giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người dân Việt Nam.

Giữ lễ, giảm hội

Với mỗi người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, du xuân, lễ hội năm Nhâm Dần diễn ra trong tâm thế đặc biệt khi các nghi thức dâng hương, tế lễ được thực hiện theo quy mô nhỏ với tâm linh thành kính, trang nghiêm, đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Sự thay đổi này không đồng nghĩa với việc làm mất đi giá trị văn hóa đã thành tập tục, thói quen mà để bảo tồn và thích ứng để an toàn trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Theo thông tin từ Bộ VHTTDL, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo các địa phương chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội tại các lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Mùa lễ hội Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 diễn ra trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn đang phức tạp. Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, trong hoạt động văn hóa đã có những điều chỉnh phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân và cũng bảo đảm "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch.

Lễ hội xuân đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. (Ảnh: Báo Ninh Bình)

Theo đó, TP.Hà Nội dừng tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi- Đống đa, Lễ hội chùa Hương; Lễ hội Cổ Loa, Lễ hội đền Hai bà Trưng- Mê Linh.

Tỉnh Quảng Ninh, ngày 8 tháng Giêng năm Nhâm Dần chùa Ba Vàng (phường Quang Trung, TP Uông Bí, Quảng Ninh) tổ chức lễ khai Xuân để người dân, phật tử thập phương về chùa du xuân, lễ Phật, không tổ chức phần Hội.

Tỉnh Ninh Bình dừng tổ chức Lễ hội chùa Bái Đính năm 2022. Tỉnh Bắc Ninh đóng cửa và tạm dừng tiếp đón khách tại đền Trình và đền Bà Chúa Kho từ ngày 5/2/2022 đến mùng 9/2. Tiếp tục dừng tổ chức hội Lim, Lễ hội tán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích…

Tại tỉnh Nam Định, Đền Trần không mở cửa đón khách, nghi lễ khai ấn vẫn được tổ chức dưới sự thực hiện của các cụ cao niên họ nhà Trần, nhưng sẽ không có bất kỳ một đại biểu nào, để đảm bảo tín ngưỡng, nhà đền sẽ tổ chức phát ấn sau ngày 15 tháng Giêng. Khu vực phát ấn sẽ không được thực hiện rộng rãi ở các khu vực nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày và đền Trùng Hoa như trước mà được bố trí một khu riêng biệt trong di tích, để đảm bảo phòng dịch. Ấn đền Trần chủ yếu được gửi theo đường bưu điện cho các tổ chức, cá nhân đã đăng ký từ trước.

Tại tỉnh Hà Nam, Lễ hội Tịch điền chỉ tổ chức phần lễ với quy mô gọn song vẫn đảm bảo trang trọng, đúng nghi thức truyền thống…

"Thay đổi nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc dân tộc"

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, công tác tổ chức, thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội vẫn cần được tăng cường. Cần kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Các đơn vị có trách nhiệm triển khai công tác bảo vệ, giữ gìn di tích, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống đảm bảo phù hợp với tình hình dịch.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật của người dân nhằm thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế; thường xuyên cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm không phô trương, hình thức, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam được coi là quốc gia có nhiều lễ hội truyền thống nhất. Các lễ hội truyền thống tại Việt Nam diễn ra quanh năm, mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của địa phương và quốc gia. Nước ta hiện nay có gần 8.000 lễ hội (theo số liệu thống kê năm 2009) và các lễ hội truyền thống thường được diễn ra vào mùa Xuân. Nhưng hội xuân truyền thống thường rất khiêm tốn và kéo dài trong một thời gian nhất định. Cũng bởi “Tháng Giêng là tháng ăn chơi...”, dẫu mỗi vùng, miền có cách tổ chức hội khác nhau, nhưng hội xuân dân tộc chỉ diễn ra trong tháng Giêng và không mang tính cầu kỳ, phô trương.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt số ca nhiễm Covid-19 lên tới hàng chục nghìn người mỗi ngày, tác động nặng nề đến đời sống kinh tế, xã hội, đe dọa sức khỏe và tính mạng của con người thì mỗi cá nhân cần phải cân nhắc, điều chỉnh hành vi phù hợp vì lợi ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội.

Để thực hiện mục tiêu kép, đưa đất nước vận hành ổn định trong trạng thái “bình thường mới”, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vaccine, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Như vậy, hiện nay chủ trương phòng, chống dịch của nước ta là tăng cường kiểm soát rủi ro. Điều này đòi hỏi sự chủ động, tự giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm khi thực hiện hành vi của mỗi tổ chức, cá nhân.

Theo các chuyên gia, để việc thực hành tín ngưỡng đầu năm của người dân diễn ra thuận lợi, văn minh, an toàn, nhất thiết cần có sự thay đổi, sắp xếp lại cách tổ chức hoạt động của lễ hội, điểm di tích, cơ sở tự viện. Căn cứ vào tính chất, quy mô lễ hội và tình hình phòng, chống dịch thực tế của địa phương, chính quyền và ban quản lý lễ hội có thể xem xét, đưa ra các quyết định như: dừng, hủy, thu hẹp quy mô tổ chức,… nhằm hạn chế tốt nhất tình trạng tập trung đông người.

Để tránh bị động do quá tải số người đến thực hành tín ngưỡng cùng một thời điểm, chính quyền địa phương và ban quản lý các di tích cần tính toán được sức chứa của điểm đến sao cho bảo đảm về giãn cách mùa dịch; có sự phối hợp phân luồng giao thông, phân luồng người đến di tích; khi cần có thể chủ động hạn chế lượng người vào di tích để tránh ùn tắc; yêu cầu và giám sát người dân thực hiện nghiêm quy tắc 5K; kiên quyết dừng đón khách nếu không bảo đảm yêu cầu phòng dịch…

Lan Anh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/an-toan-chong-dich-la-nhiem-vu-trong-tam-trong-cac-le-hoi-xuan-64275.html