An toàn giao thông đường thủy: Quan tâm tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm

Mặc dù nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương được phép lơ là, chủ quan. Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn nguy cơ tai nạn, phòng ngừa hiệu quả.

Còn nhiều vi phạm

Trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến sông chính (sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam); ngoài ra có 2 hồ lớn nhiều phương tiện thủy hoạt động là hồ Khuôn Thần và hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn). Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là các cầu qua sông được chú trọng đã giảm tải cho các bến đò, phà. Tuy vậy, hiện nay vẫn còn 35 bến khách ngang sông; 11 cầu phao (10 cầu phao trên tuyến sông Lục Nam, 1 cầu phao trên hồ Cấm Sơn).

 Lực lượng CSGT đường thủy phối hợp với cán bộ Bến phà Đồng Việt (Yên Dũng) thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT.

Lực lượng CSGT đường thủy phối hợp với cán bộ Bến phà Đồng Việt (Yên Dũng) thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT.

Hoạt động vận chuyển hành khách chủ yếu tập trung trên tuyến sông Cầu (24 bến); bến phà Đồng Việt (Yên Dũng) và một số ít bến trên sông Thương, sông Lục Nam. Toàn tỉnh có hơn 400 phương tiện thủy thường xuyên hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên các sông, hồ, đập. Trong đó, tuyến sông Thương có 68 phương tiện, sông Cầu có 93 phương tiện, sông Lục Nam có 52 phương tiện, hồ Cấm Sơn có hơn 180 phương tiện, hồ Khuôn Thần có 7 phương tiện; đập Cầu Quỳnh và Ngạc 2 (Yên Thế) có 14 phương tiện…

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông (ATGT) đường thủy, phức tạp nhất là tàu thuyền ở các hồ do chủ phương tiện tự đóng, không có đăng ký, đăng kiểm. Trong tổng số 35 bến khách ngang sông chỉ 5 bến có giấy phép hoạt động còn hiệu lực, 22 bến có giấy phép nhưng đã hết hiệu lực, 8 bến không có giấy phép. Về phía hành khách còn có tâm lý chủ quan, dù trên hầu hết các tàu, thuyền có trang bị áo phao nhưng nhiều người không mặc. Tìm hiểu tại bến đò ngang Thù Lâm, thôn Giang Tân, xã Thái Sơn (Hiệp Hòa) qua sông Cầu cho thấy đò được phép chở 12 hành khách hoặc 4,5 tấn hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Hoan là chủ bến cho biết, trên đò được trang bị áo phao, phao tròn, dụng cụ nổi… Hằng ngày, lượng khách không nhiều nhưng cho dù chủ đò có nhắc nhở, một số khách vẫn không sử dụng áo phao. Anh N.X.D ở xã Thái Sơn, thường xuyên sang bên phía tỉnh Bắc Ninh làm việc, vì muốn rút ngắn quãng đường nên anh đi đò ở bến Thù Lâm.

Anh lý giải: “Đi chỉ mấy phút, mặc áo phao mất thời gian, vướng víu, mùa hè rất nóng nên tôi không sử dụng. Tôi cũng biết nguy hiểm nếu xảy ra tai nạn nhưng nhiều năm qua, tôi đi đò mà chưa gặp sự việc đáng tiếc nào”. Sự chủ quan của anh D cũng như nhiều người khác cho thấy không ít hành khách còn coi thường các biện pháp an toàn. Giữa sông nước, tàu thuyền không may gặp nạn thì hậu quả khôn lường, thậm chí không có cơ hội sửa sai.

Nâng cao ý thức chấp hành

Vào mùa mưa lũ, hoạt động giao thông trên các tuyến đường thủy luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn bất ngờ bởi lưu lượng dòng chảy tăng cao, nhiều luồng lạch nguy hiểm. Ðể bảo đảm ATGT, lực lượng cảnh sát đường thủy phối hợp với chủ bến, chủ phương tiện, người điều khiển đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hành khách chấp hành đầy đủ quy định.

Từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT đã kiểm tra, lập biên bản 54 trường hợp vi phạm, xử phạt 412,5 triệu đồng. Lực lượng cảnh sát đường thủy chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản 9 bến thủy nội địa, 9 phương tiện thủy và người điều khiển phương tiện thủy có liên quan, xử phạt 329,5 triệu đồng.

Anh Đỗ Văn Đại, Thuyền trưởng Bến phà Đồng Việt nói: “Bến duy trì 2 phà hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ, tần suất khoảng 3 chuyến/tiếng đưa khách từ Bắc Giang sang tỉnh Hải Dương và ngược lại. Trên phà trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ an toàn, phao các loại. Đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng CSGT hướng dẫn hành khách, nhân viên trên phà, diễn tập các tình huống tai nạn giả định; qua đó, nâng cao ý thức chấp hành, không để xảy ra các sự cố ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của khách đi phà”.

Được biết, trước mùa mưa bão năm nay, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông tại các bến khách và phương tiện chở khách ngang sông. Yêu cầu 35/35 bến khách ngang sông; 11/11 chủ cầu phao ký cam kết.

Trung tá Nguyễn Đức Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT cho biết: “Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến quy định pháp luật được thực hiện theo nhiều hình thức như trực tiếp đến từng người dân. Đơn cử như tuyên truyền cho học sinh, nhân dân làng Nguyệt Đức, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên). Đồng thời phát 3 nghìn tờ rơi cho lái tàu, chủ phương tiện, hành khách, nhân dân ven các sông biết và thực hiện; đăng tải trên trang thông tin điện tử Công an tỉnh và các trang mạng xã hội để tiếp cận nhanh nhất đến người dân. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm”.

Từ đầu năm đến nay đã kiểm tra, lập biên bản 54 trường hợp, xử phạt 412,5 triệu đồng. Lực lượng cảnh sát đường thủy chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản 9 bến thủy nội địa, 9 phương tiện thủy và người điều khiển phương tiện thủy có liên quan, xử phạt 329,5 triệu đồng.

Đội Cảnh sát đường thủy tiếp tục tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn; không chở khách qua sông trong thời tiết mưa to, gió lớn dễ gây lật thuyền, lật đò. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các hành vi tập kết vật liệu xây dựng, khai thác cát trái phép, sử dụng đăng, đó làm cản dòng chảy. Vận động người lái, chủ phương tiện nắm bắt thông tin dự báo thời tiết, tìm chỗ neo đậu bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, không di chuyển khi mực nước dâng cao.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/an-toan-giao-thong-duong-thuy-quan-tam-tuyen-truyen-xu-ly-nghiem-vi-pham-082959.bbg