An toàn là điều kiện tiên quyết khi vận hành Metro trong đô thị

Các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã có cuộc hội thảo sâu về chủ đề 'An toàn trong vận hành đường sắt đô thị', trong bối cảnh Việt Nam đang quy hoạch mạng lưới Metro đô thị.

Chiều 17/4, hội thảo về “An toàn trong vận hành đường sắt đô thị” do Trường Cao đẳng Đường sắt phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với các điểm cầu Đà Nẵng, phía Nam, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước về quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị (Metro) tại Việt Nam.

Đây là sự kiện thuộc Dự án Hợp tác Kỹ thuật “Tăng cường năng lực đào tạo đường sắt đô thị cho trường Cao đẳng Đường sắt”, với mục tiêu nâng cao kiến thức, tạo sự chuyển biến nhận thức về công tác đảm bảo an toàn trong vận hành đường sắt đô thị, triển khai các cơ chế phòng ngừa tai nạn và sự cố.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tuyến Metro đang được triển khai tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việt Nam vẫn đang thiếu hụt chương trình đào tạo bài bản và đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu về kỹ thuật vận hành và bảo trì đường sắt đô thị.

Từ tham luận của các chuyên gia cho thấy, Metro có những đặc thù riêng và khác biệt với hệ thống đường sắt quốc gia hiện hữu. Đường sắt đô thị luôn hoạt động với tần suất cao, khối lượng vận chuyển lớn; được điện khí hóa và có hạ tầng tách biệt (như cầu cạn, hầm ngầm). Vì vậy, kinh nghiệm xử lý sự cố và phòng ngừa tai nạn, rủi ro trong lĩnh vực đường sắt đô thị tại Việt Nam còn hạn chế.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trương Trọng Vương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đường sắt cho biết: Công tác đảm bảo an toàn trong vận hành đường sắt đô thị cần đường quan tâm thường xuyên, liên tục. Thông qua dự án, nhà trường đã mời các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản, Việt Nam trong lĩnh vực đường sắt đô thị, để cùng đưa ra những giải pháp an toàn nhất.

PGS.TS Nguyễn Hữu Thiện nhìn nhận, đường sắt đô thị là một loại vận tải đòi hỏi yêu cầu cao về độ tin cậy, tính an toàn và êm thuận khi vận hành, trong đó kết cấu tầng trên của đường đóng vai trò then chốt. Trước hết, đường ray phải được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện làm việc thực tế.

“Để nâng cao an toàn trong khai thác, cần thực hiện các kiểm tra chỉ tiêu động như gia tốc dao động của ray khi đoàn tàu chạy qua. Đây là cơ sở để đánh giá chất lượng kết cấu tầng trên trong điều kiện làm việc thực tế. Bất kỳ biểu hiện bất thường nào như dao động vượt mức giới hạn, âm thanh lạ tại mối nối ray, độ võng bất thường của ray đều cần được xử lý kịp thời, nhằm ngăn ngừa sự cố đáng tiếc”, PGS.TS Nguyễn Hữu Thiện cho biết.

Theo ông Yokotobi, Điều tra viên Ủy ban An toàn giao thông Nhật Bản, có 7 loại tai nạn đường sắt: Đâm va tàu, trật bánh, hỏa hoạn, gây thiệt hại đường ngang, gây thiệt hại đường bộ; gây thiệt hại về người, gây thiệt hại về tài sản. Thống kê từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, ở Nhật Bản xảy ra 680 sự cố liên quan đến đường sắt. Trong đó, sự cố gây thiệt hại về người chiếm 381 vụ, tai nạn tại đường ngang 256 vụ, tai nạn gây thiệt hại đến đường bộ 29 vụ, tai nạn gây thiệt hại đến tài sản 5 vụ và tai nạn tài 9 vụ.

Ông Trương Trọng Vương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đường sắt phát biểu tại hội thảo.

Ông Trương Trọng Vương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đường sắt phát biểu tại hội thảo.

Ông Yokotobi, Điều tra viên Ủy ban ATGT Nhật Bản đưa ra các tiêu chí về đảm bảo an toàn khi vận hành đường sắt đô thị.

Ông Yokotobi, Điều tra viên Ủy ban ATGT Nhật Bản đưa ra các tiêu chí về đảm bảo an toàn khi vận hành đường sắt đô thị.

"Ủy ban ATGT Nhật Bản đặt ra 8 bước điều tra tai nạn đường sắt, trong đó, đặc biệt lưu tâm đến việc đưa ra khuyến nghị, ý kiến và theo dõi, nhằm khắc phục tai nạn và phòng tránh tái diễn”, ông Yokotobi cho biết thêm.

Theo các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản, việc nâng cao an toàn vận hành Metro tại Việt Nam cần được bắt đầu từ việc đảm bảo chất lượng kết cấu tầng trên của đường ray. Chỉ khi hệ thống được thiết kế đúng tiêu chuẩn, thi công chính xác, nghiệm thu đạt yêu cầu và được đánh giá thông qua các chỉ tiêu động trong suốt quá trình khai thác mới có thể đảm bảo hành trình an toàn, tiện nghi cho hành khách, đảm bảo sự phát triển bền vững của giao thông đô thị tại các thành phố lớn của Việt Nam trong tương lai.

Trung Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/an-toan-la-dieu-kien-tien-quyet-khi-van-hanh-metro-trong-do-thi-20250417185111663.htm