An toàn thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6.748 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó 44,5% là cơ sở kinh doanh thực phẩm; còn lại là cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (SXKD) có quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ chế biến thủ công. Ý thức, trách nhiệm của một số hộ tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm chưa cao; ở vùng sâu, vùng xa, một bộ phận người dân có thói quen sử dụng ẩm thực tiềm ẩn nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm...
6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm, với 7 người mắc; 155 ca mắc rải rác; không có trường hợp tử vong, giảm 1 vụ và 5 người mắc so với cùng kỳ năm trước. Một trong những biện pháp giảm thiểu số vụ, số người ngộ độc thực phẩm đó là, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Ông Đặng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: Hàng năm, Chi cục đã tham mưu cho Ban chỉ đạo về ATTP tỉnh và Sở Y tế kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra; tham mưu việc giám sát, xử lý mối nguy ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Ban hành các văn bản hướng dẫn Ban chỉ đạo về ATTP các huyện, thành phố, các xã, phường triển khai các hoạt động quản lý ATTP...
Các cuộc thanh tra, kiểm tra ATTP từng bước được thực hiện theo hướng trọng tâm, trọng điểm. Riêng trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, toàn tỉnh đã thành lập 168 đoàn, gồm 3 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh; 12 đoàn kiểm tra tuyến huyện và 153 đoàn kiểm tra tuyến xã. Các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 1.049 cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm trong toàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện và xử lý 46 cơ sở, gồm: 5 cơ sở sản xuất thực phẩm; 17 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 24 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Tổng số tiền phạt vi phạm trên 148 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là chất lượng thực phẩm không bảo đảm; không niêm yết giá theo quy định; vi phạm quy định về điều kiện đảm bảo ATTP; lưu mẫu thực phẩm chưa đúng quy định; vi phạm về điều kiện con người và một số vi phạm khác dẫn đến tiềm ẩn mất ATTP...
Công tác tuyên truyền bảo đảm ATTP luôn được chú trọng. Trong đó, tập trung tuyên truyền Luật ATTP; phổ biến các kiến thức về ATTP cho các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn nhân dân thực hiện 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh ATTP, mỗi người dân là người tiêu dùng thông thái... Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 10 cuộc nói chuyện cấp huyện và 1.058 cuộc nói chuyện cấp xã về lĩnh vực ATTP cho trên 6.000 người; phát gần 1.600 lượt trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã, trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện về nội dung bảo đảm ATTP.
Bác sỹ Khuất Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu, thông tin: Mộc Châu là địa bàn có nhiều điểm du lịch và tổ chức nhiều sự kiện, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Do vậy, huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm. 6 tháng đầu năm nay, huyện đã thành lập 17 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 85 cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhắc nhở các cơ sở chấp hành đảm bảo ATTP.
Đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; khuyến khích nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” trong trồng trọt, không sử dụng thuốc kháng sinh cấm trong chăn nuôi. Nhân rộng mô hình “Bếp ăn an toàn”, “Quán ăn thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh” , tuyến phố an toàn thực phẩm...
Với mục tiêu hạn chế thấp nhất số vụ và số người ngộ độc thực phẩm, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao kiến thức, thực hành ATTP và ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, người quản lý, lãnh đạo, tạo môi trường thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tham mưu hoàn thiện và ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các thủ tục hành chính về ATTP, bảo đảm thống nhất, đồng bộ; quan tâm sức khỏe người SXKD thực phẩm, nhất là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP. Đối với các hộ gia đình, chấp hành nghiêm khuyến cáo của cơ quan chức năng trong sử dụng thực phẩm, hạn chế thấp nhất các vụ ngộ độc xảy ra, bảo đảm sức khỏe và an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/an-toan-thuc-pham-vi-suc-khoe-cong-dong-50731