An toàn và sinh kế bền vững trước thiên tai cực đoan

Chính phủ Việt Nam luôn đặt con người làm trọng tâm trong mọi chính sách ứng phó với thiên tai. Những việc làm trên không chỉ là hỗ trợ nhà ở mà còn giúp người dân phát triển sinh kế bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trực tuyến đến các địa phương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trực tuyến đến các địa phương. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai diễn biến ngày càng bất thường và cực đoan, gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Do vậy, tìm giải pháp đồng bộ, có tính hiệu quả, giúp người dân có sinh kế bền vững, an toàn trước thiên tai, hướng tới 'Xây dựng cộng đồng bền vững - thích ứng thiên tai" vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa lâu dài. Đây cũng là chủ đề của Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai (15/5-22/5/2025).

*Xây dựng cộng đồng bền vững trước thiên tai

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) từ đầu năm 2025 đến hết tháng 4, thiên tai đã làm 13 người chết, mất tích, 15 người bị thương, 1.683 nhà bị hư hỏng, 10.554 ha lúa, hoa màu... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 24,4 tỷ đồng. Riêng trong tháng 4, do ảnh hưởng của thiên tai, 8 người chết, mất tích, 9 người bị thương; 1.221 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 3.686ha lúa, rau màu bị ngập, thiệt hại... Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 9,97 tỷ đồng.

Trước các thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do thiên tai gây ra, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để ổn định sản xuất và đời sống người dân.

Mới đây, ngày 8/5/2025, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển Châu Á, UBND tỉnh Yên Bái bàn giao nhà ở cho người dân và cấp phát viện trợ cho người dân vùng lũ Yên Bái.

Tại thành phố Yên Bái, các đơn vị bàn giao ngôi nhà mới cho bà Bùi Thị Tập ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái do nhà bị sập đổ hoàn toàn bởi bão Yagi hồi tháng 9/2024.

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Dự án Phục hồi sớm và tái thiết sau bão Yagi do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc thực hiện, gia đình bà Bùi Thị Tập đã có được mái ấm mới an toàn, kiên cố trước mùa mưa lũ năm nay.

Bà Tập chia sẻ, được các đoàn thể hỗ trợ làm nhà mới bà rất vui và cảm động. Từ nay trở đi, bà có giấc ngủ ngon, không còn lo lắng mỗi khi trời đổ mưa.

Các đại biểu bàn giao nhà mới cho gia đình bà Bùi Thị Tập ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát

Các đại biểu bàn giao nhà mới cho gia đình bà Bùi Thị Tập ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát

Cùng với đó, gói viện trợ khẩn cấp trị giá 1 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc đang được triển khai tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng... nhằm mục tiêu xây dựng nhà ở, giám sát xây mới nhà ở; hỗ trợ xây dựng 9 công trình gồm đường làng, cầu...và trường học tại các địa phương, tập trung tăng cường năng lực sinh kế thông qua việc hỗ trợ 15 hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cộng đồng bền vững.

Gói viện trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á trị giá 2 triệu USD cũng đã được phát bằng tiền mặt cho 67 hộ dân ở Yên Bái với số tiền từ 2,1 đến 3,5 triệu nhằm hỗ trợ sinh kế, đảm bảo cuộc sống của người dân nơi đây.

Tại tỉnh Lào Cai, chương trình viện trợ khẩn của Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ 205 hộ tại Bảo Yên, Bát Xát và Bắc Hà với tổng kinh phí khoảng hơn 500.000 USD.

Ông Lý Văn Sơn (dân tộc Nùng), ở thôn thôn Nậm Khánh, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà tâm sự: "Được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các tổ chức quốc tế, chúng tôi có cơ hội được sinh sống trong những ngôi nhà kiên cố, đảm bảo an toàn trước bão lũ".

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, cả nước đã xóa được gần 209.000 căn, trong đó: khánh thành và bàn giao 111.000 căn nhà; khởi công 98.000 căn. Như vậy, trên cả nước cũng đã có 111.000 căn nhà kiên cố để người dân được đảm bảo sinh kế và sinh sống an toàn trước thiên tai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xóa nhà dột nát, nhà tạm còn gặp nhiều khó khăn như một số địa phương có số nhà tạm, nhà dột nát chưa khởi công còn lớn; việc báo cáo, thống kê, cập nhật số liệu còn chậm… Các thủ tục liên quan đến xóa nhà dột nát, nhà tạm còn vướng mắc nên chưa phân bổ được kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Việc triển khai tại một số địa bàn gặp khó khăn do người dân sống phân tán, giao thông khó khăn, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa; hộ dân tại một số nơi còn phụ thuộc vào các yếu tố phong tục, tập quán như chọn tuổi, xem ngày khởi công…

*Hướng tới duy trì bền vững sinh kế

Khẳng định về việc đảm tiếp tục hỗ trợ sinh kế và nhà ở đối với người dân khó khăn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn đặt con người làm trọng tâm trong mọi chính sách ứng phó với thiên tai. Những việc làm trên không chỉ là hỗ trợ nhà ở mà còn giúp người dân có điều kiện ổn định lâu dài, phát triển sinh kế bền vững. Bộ cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để mang lại sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp trao viện trợ cho người dân xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái). Ảnh: TTXVN phát

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp trao viện trợ cho người dân xã Tân Hương, huyện Yên Bình (Yên Bái). Ảnh: TTXVN phát

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc là một trong các cơ quan Liên hợp quốc tích cực phối hợp cùng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai để triển khai 9 dự án viện trợ khẩn cấp tổng trị giá hơn 4,49 triệu USD. Các dự án tập trung vào ba lĩnh vực: hỗ trợ khẩn cấp, tái thiết nhà ở và phục hồi sinh kế cho người dân vùng thiên tai.

Đối với Chương trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", quyết tâm đến ngày 31/10/2025 hoàn thành xóa 61.800 căn nhà tạm, nhà dột nát nhà tạm, nhà dột nát.

Để thực hiện tốt vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ, phải đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu địa phương và các ban chỉ đạo; phát huy chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Phân công thực hiện bảo đảm 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả". Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của địa phương kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát; tập trung tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn; kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà. Nêu cao tinh thần trách nhiệm với người có công, người nghèo, lo toan cho người dân; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, không trông chờ, ỷ lại của các địa phương trong thực hiện Chương trình.

"Lãnh đạo các địa phương thực hiện việc này với nghĩa vụ, tinh thần trách nhiệm cao và cái tâm trong sáng, tự giác với tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được hưởng thụ thật”, Thủ tướng mong muốn.

Để chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho rằng, các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng... hướng tới đảm bảo an toàn, sinh kế của người dân.

Các bộ, ngành chức năng nâng cao độ tin cậy dự báo, cảnh báo thiên tai... đồng thời rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững, an toàn hơn trước thiên tai...

Công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cần được tăng cường hơn nữa cùng việc hướng dẫn kỹ năng ứng phó phù hợp với các loại hình thiên tai theo từng địa phương, khu vực; tiếp tục thúc đẩy sâu rộng hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, nhất là chuyển đổi số, theo dõi, giám sát thiên tai theo thời gian thực; tăng cường nguồn lực cho khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng xây dựng lại bền vững hơn....

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Người đứng đầu Chính phủ và các giải pháp nêu trên sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới để hướng đến mục tiêu “Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu” để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Thắng Trung/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/an-toan-va-sinh-ke-ben-vung-truoc-thien-tai-cuc-doan/373711.html