Ấn tượng Cổ Loa

Đến Cổ Loa (Đông Anh) những ngày cuối năm 2024, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh nên thơ, sạch sẽ cùng màu xanh tươi mát. Chuẩn bị cho hoạt động đón năm mới 2025 và Tết nguyên đán Ất Tỵ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Ban Quản lý di tích đặc biệt Cổ Loa có nhiều hoạt động để thu hút người dân và du khách.

Du khách trải nghiệm tour tham quan Cổ Loa. Ảnh: Hoàng Lân

Du khách trải nghiệm tour tham quan Cổ Loa. Ảnh: Hoàng Lân

Điểm đến xanh

Con đường dẫn đến khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh) dễ dàng khiến du khách tìm được cảm giác thư thái bởi cảnh quan và không khí trong lành. Đường đổ bê tông thẳng tắp, hàng cây xanh phủ bóng mát dễ chịu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, từ lâu, huyện đã yêu cầu các xã thực hiện việc dọn dẹp hàng quán, giữ gìn vệ sinh, trồng thêm cây, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đây cũng là tiền đề để huyện triển khai du lịch xanh, thu hút du khách đến với địa phương, đặc biệt với Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa.

Khu khách tham quan khu trưng bày các hiện vật tại Cổ Loa. Ảnh: Hoàng Lân

Khu khách tham quan khu trưng bày các hiện vật tại Cổ Loa. Ảnh: Hoàng Lân

Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa nằm phần lớn trên địa bàn xã Cổ Loa, với các làng: Cổ Loa, Mạch Tràng, Sàn Giã, Thư Cưu, Cầu Cả. Đón chào đón năm mới 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động đón Tết và Lễ hội Cổ Loa năm 2024 bảo đảm an toàn, tiết kiệm, đúng phong tục tập quán. Tại Khu di tích được lắp đặt hệ thống chữa cháy, duy trì bảo dưỡng, tổ chức tôn tạo, trang trí cảnh quan đẹp mắt bằng các chậu hoa, cây cảnh.

Theo Giám Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, đơn vị luôn phối hợp với địa phương kêu gọi và huy động bà con nhân dân ở Chi hội phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… dọn sạch đường phố, nhặt rác ở các hồ, Giếng Ngọc, các con đường quanh khu di tích và trong làng. Nhiều cây xanh, tiểu cảnh hoa được trồng mới để tạo cảnh quan đẹp hơn.

Người dân cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan Cổ Loa. Ảnh: Hoàng Lân

Người dân cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan Cổ Loa. Ảnh: Hoàng Lân

“Hiện nay, cảnh quan, vệ sinh của khu vực di tích Cổ Loa được người dân luân phiên dọn dẹp hằng tuần. Cổ Loa đang cố gắng thu hút du khách bằng các sản phẩm du lịch văn hóa, xanh - sạch - đẹp, thân thiện môi trường. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút du khách, từ đó tiến tới xây dựng sản phẩm văn hóa, du lịch xanh bền vững tại Cổ Loa”, ông Nguyễn Thanh Quang chia sẻ

Phát huy giá trị di tích

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa nhiều năm nay là điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Tuy nhiên, so với tiềm năng và giá trị lịch sử quý báu, việc phát huy di tích trở thành nguồn thu lớn trong hoạt động phát triển du lịch vẫn còn gặp nhiều hạn chế.

Theo Ban Quản lý di tích Cổ Loa, trước dịch Covid-19, Cổ Loa thu hút khoảng 120 nghìn người/năm, chủ yếu tập trung vào 3 tháng đầu năm và mùa lễ hội Cổ Loa. Điểm đến du lịch của địa phương hiện mới chỉ tập trung cho chương trình giáo dục di sản cho học sinh trên địa bàn huyện.

Hoạt động trải nghiệm làm mũi tên bằng đất sét tại Cổ Loa. Ảnh: Hoàng Lân

Hoạt động trải nghiệm làm mũi tên bằng đất sét tại Cổ Loa. Ảnh: Hoàng Lân

Bài toán phát huy di tích, đưa Cổ Loa thành điểm du lịch hấp dẫn đã được đặt ra nhiều năm nay. Phó Trưởng ban quản lý Khu di tích Cổ Loa Hoàng Công Huy cho biết, hiện nay, Ban quản lý đã phối hợp với nhiều đơn vị hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm. Bên cạnh hoạt động tham quan tại Nhà trưng bày Di tích Cổ Loa, Ngự triều di quy (đình Cổ Loa); am bà Chúa (nơi thờ công chúa Mỵ Châu); đền Thượng thờ An Dương Vương, khám phá các vòng thành..., nhiều hoạt động trải nghiệm mới đã được đưa vào giới thiệu cho người dân và du khách.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, để phát huy giá trị di tích, Trung tâm phối hợp với Ban Quản lý di tích thực hiện lắp đặt hàng rào bảo vệ đôi rồng đá - Bảo vật quốc gia trước cổng nghi môn ngoại đền Thượng; bảo quản di tích gốc, di vật, hiện vật. Bên cạnh đó, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phục vụ khách tham quan, trải nghiệm như trưng bày online; lắp đặt màn hình tivi tại nhà trưng bày giới thiệu clip ngắn về các giá trị phật thể và phi vật thể phục vụ du khách.

Học sinh trên địa bàn huyện Đông Anh tham gia chương trình giáo dục di sản, trải nghiệm bắn cung tại Ngự xạ đài. Ảnh: Nguyễn Thủy

Học sinh trên địa bàn huyện Đông Anh tham gia chương trình giáo dục di sản, trải nghiệm bắn cung tại Ngự xạ đài. Ảnh: Nguyễn Thủy

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết thêm, tới đây đơn vị sẽ nâng cấp tour du lịch “Tìm về Kinh đô của người Việt cổ” (từng ra mắt tại Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023) với nhiều hoạt động trải nghiệm mới nhằm thu hút du khách hơn; tổ chức xây dựng sản phẩm du lịch “Vòm cây ước nguyện” tại Am Bà Chúa nhằm thực hiện bảo tồn, bảo quản phát huy bảo vật quốc gia. “Trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành và địa phương khác xây dựng thêm tuyến du lịch mới kết nối Cổ Loa với các điểm du lịch trên địa bàn huyện và các địa phương khác như Sóc Sơn”, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết.

Được biết, trong năm 2024 Di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa đón hơn 300.000 lượt khách, trong đó đa số học sinh đến trải nghiệm du lịch học đường. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Ban Quản lý di tích Cổ Loa đang có hướng phát triển chương trình tham quan dành cho học sinh các cấp và chương trình giáo dục di sản. “Thời gian tới, Trung tâm sẽ thực hiện nghiên cứu bổ sung 2 chương trình giáo dục mới “Giải mã bảo vật Quốc gia” và “Thành Cổ Loa mở nền độc lập”, ông Nguyễn Thanh Quang thông tin.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/an-tuong-co-loa-688087.html