Ấn tượng Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Tới Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam trong chuyến công tác cùng các đồng nghiệp, tôi rất ấn tượng với nơi này.

Tòa nhà Quyển Sách là nơi trưng bày, lưu trữ, bảo quản hàng trăm tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học nổi tiếng Việt Nam qua các thời kỳ.

Tòa nhà Quyển Sách là nơi trưng bày, lưu trữ, bảo quản hàng trăm tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học nổi tiếng Việt Nam qua các thời kỳ.

Không gian rộng lớn, bố trí khoa học

Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Công viên Di sản) đã trở thành điểm du lịch ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, nằm cách thành phố Hòa Bình khoảng 20 km và cách Hà Nội khoảng 90 km. Trên đường vào công viên, chúng tôi được ngắm thỏa thích những vườn cam Cao Phong trĩu quả - thương hiệu nông sản nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình.

Công viên Di sản hiện là tổ hợp công viên hiện đại hàng đầu trong nước, có diện tích lên đến 30 ha. Được khởi công xây dựng từ năm 2008 và đến năm 2016 thì các hạng mục được hoàn thành và đưa vào hoạt động chính thức. Hiện nhiều hạng mục của công viên vẫn tiếp tục được xây dựng và đang trong giai đoạn hoàn thiện. Công viên xây dựng theo trường phái tự nhiên và quy hoạch mang tính khoa học để du khách có thể tham quan, trải nghiệm đầy đủ các dịch vụ.

Ngay khi bước vào cổng, Công viên Di sản khiến tôi và các đồng nghiệp bất ngờ bởi không gian rộng lớn, thiên nhiên tươi xanh, rực rỡ màu hoa. Đó là khu suối Hoa với hơn 500 loài hoa, nhiều loại cây cảnh và tiểu cảnh có những hình dáng khác nhau, hoặc khu rừng với khoảng 200 loài gỗ quý và cả những khu nghỉ dưỡng sang trọng, gần gũi thiên nhiên. Mỗi công trình giống một tác phẩm nghệ thuật với kiến trúc độc đáo, như tòa nhà hình quyển sách, hình con bướm, hình bọ rùa; cây cầu lát đá gắn với bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Tại đây còn có khu nhà biểu diễn múa rối nước đang được hoàn thiện, hứa hẹn trở thành nơi thu hút du khách trong và ngoài nước.

Hơn 150 thành viên tới từ báo Đảng các tỉnh vùng Tây Bắc đã được tận hưởng bầu không khí trong lành, những âm thanh của núi rừng khiến buổi tham quan, trải nghiệm càng trở nên thú vị.

Cán bộ, phóng viên được thuyết minh viên giới thiệu về các tài liệu, hiện vật tại khu trưng bày Triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”.

Cán bộ, phóng viên được thuyết minh viên giới thiệu về các tài liệu, hiện vật tại khu trưng bày Triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”.

Phóng viên Thu Thủy tới từ Báo Lai Châu hào hứng: Đây là lần đầu tiên được tham quan Công viên Di sản, tôi rất ấn tượng với quy mô nơi đây. Không chỉ có không gian rộng lớn mà mọi khu vực, biểu tượng, tiểu cảnh, cách bố trí, sắp xếp các hạng mục ở công viên đều cho thấy sự đầu tư, nghiên cứu kỹ và rất hợp lý. Đặc biệt là sự kết hợp khéo léo giữa khoa học và tự nhiên trong từng hạng mục khiến du khách cảm thấy rất gần gũi, thân thiện với môi trường.

Kho tàng di sản khoa học Việt Nam

Trong công viên còn có nhiều khu trưng bày và lưu giữ các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam. Tòa nhà Quyển Sách là nơi lý tưởng cho những người yêu thích khám phá khoa học và tìm hiểu, nghiên cứu về các nhà khoa học Việt Nam. Nơi đây hiện lưu trữ nhiều tài liệu khoa học. Tòa nhà có 5 tầng và mỗi tầng là những không gian thú vị khác nhau. Trong đó, tôi ấn tượng với 3 phòng triển lãm, trưng bày các hiện vật, di sản của các nhà khoa học Việt Nam tại tầng 2 gồm: Phòng trưng bày theo yêu cầu với 66 tài liệu, hiện vật của nhà khoa học, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Lê Văn Truyền; phòng trưng bày triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” với hơn 100 tài liệu, hiện vật của 100 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực của Việt Nam như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư Trần Đại Nghĩa… Các hiện vật được trưng bày theo 3 chủ đề: Học tập, lập thân, lập nghiệp; đóng góp, cống hiến, hy sinh; tình yêu đôi lứa, gia đình, quê hương. Ngoài ra còn có phòng trưng bày, lưu trữ những tác phẩm được vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng với 14 công trình và cụm công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh từ năm 1996 đến năm 2017.

Có mặt tại đây, chúng tôi được các thuyết minh viên giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa của hàng trăm hiện vật quý đã từng gắn bó với những nhà khoa học lỗi lạc của Việt Nam.

Nhiều tài liệu, hiện vật quý của các nhà khoa học được trưng bày và lưu giữ cẩn thận.

Nhiều tài liệu, hiện vật quý của các nhà khoa học được trưng bày và lưu giữ cẩn thận.

Phóng viên Hoàng Thu (Báo Lào Cai) chia sẻ: Tới Công viên Di sản, tôi được biết thêm nhiều điều về các nhà khoa học nổi tiếng của đất nước mình. Được tận mắt chiêm ngưỡng những tài liệu, hiện vật gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của các nhà khoa học và nghe các thuyết minh viên giới thiệu, tôi càng thêm cảm phục, biết ơn vì những đóng góp to lớn của họ cho nền khoa học, giáo dục và nhiều chuyên ngành khác của nước ta.

Chị Bùi Thị Huyền, thuyết minh viên làm việc tại tòa nhà Quyển Sách cho biết, tòa nhà đón khách tham quan lần đầu vào năm 2016. Mỗi năm, nơi đây đón khoảng 20.000 đến 30.000 lượt khách, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 5% - 7%. Dù công việc lặp lại hằng ngày nhưng mỗi lần đón khách tới tham quan và thuyết minh cho họ nghe về những tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học tại đây, chị đều xúc động và tự hào.

Các tầng còn lại của tòa nhà là những kho lưu trữ, bảo quản tài liệu của các nhà khoa học gồm tài liệu về y khoa, văn học, khoa học và rất nhiều khối chuyên ngành khác. Đây cũng là những tài liệu hữu ích đối với các bạn trẻ muốn tìm hiểu chuyên sâu và nghiên cứu về những đề tài khoa học. Các tài liệu ở đây được bảo quản nghiêm ngặt với quy trình nhiệt độ đạt tiêu chuẩn.

Chuyến thăm Công viên Di sản kết thúc bằng một tiệc liên hoan đầm ấm, vui vẻ tại tòa nhà hình cánh bướm - nơi chuyên tổ chức các sự kiện cho du khách. Đây không chỉ là dịp để các đồng nghiệp của tôi gắn bó, đoàn kết hơn, mà còn là cơ hội để cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí 8 tỉnh Tây Bắc, trong đó có Báo Lào Cai được tìm hiểu, trải nghiệm và có thêm kiến thức về các nhà khoa học lỗi lạc của Việt Nam.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362196-an-tuong-cong-vien-di-san-cac-nha-khoa-hoc-viet-nam