Ấn tượng màn diễu binh của Quân đội, Công an
Trong lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phần diễu binh của 36 khối thuộc Quân đội, Dân quân tự vệ và Công an, Khối Quân đội của Lào, Campuchia và Trung Quốc tạo nhiều ấn tượng trong sáng 30/4.
Chương trình lễ kỷ niệm, diễu binh diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) bắt đầu lúc 6h30 sáng 30/4 tại TPHCM.
Sau phần nghi lễ, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trưởng Tiểu ban diễu binh diễu hành lên điều hành chương trình diễu binh, diễu hành.

Đi đầu đội hình là Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc huy được đặt trên biểu tượng chim Lạc, thể hiện cội nguồn văn hóa, ý chí, khát vọng hòa bình, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam. 54 trai tài, gái giỏi, tượng trưng cho khối đại đoàn kết vững bền của 54 dân tộc anh em - sức mạnh vô địch được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc

Tiếp theo là Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc tượng trưng cho lý tưởng, niềm tin chiến thắng; bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được khơi nguồn, bồi đắp từ lịch sử, bừng cháy cho hôm nay và tỏa sáng đến mai sau. Đó là cội nguồn, là sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Xe chở chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến vào lễ đài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đường, chỉ lối và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, trong đó có Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xe mô hình biểu tượng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là một trang sử hào hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc; hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới.

Khối Quân kỳ do Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ huy dẫn đầu các khối đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam và Dân quân tự vệ tiến vào lễ đài.

Trên Quân kỳ quyết chiến, quyết thắng tung bay, lấp lánh những tấm Huân chương cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng, xứng đáng với truyền thống: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Khối nữ Quân nhạc Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, những âm thanh rộn rã, hào hùng của các chiến sĩ quân nhạc như tiếng kèn xung trận, tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc quân và dân ta anh dũng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Khối sĩ quan Năm cánh quân tiến vào lễ đài. Cách đây 50 năm, 5 cánh quân cùng với các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị quần chúng đồng loạt tiến vào Sài Gòn: Hướng Bắc là Quân đoàn 1, hướng Đông Nam là Quân đoàn 2; hướng Tây Bắc là Quân đoàn 3, hướng Đông là Quân đoàn 4; hướng Tây Nam là Đoàn 232 làm sụp đổ hoàn toàn chính quyền Sài Gòn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Khối Chiến sĩ Giải phóng quân. Giải phóng quân là tên gọi trìu mến, thân thương của Nhân dân dành cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các chiến sĩ Giải phóng quân đã chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Khối sĩ quan Phòng không - Không quân.

Khối sĩ quan Cảnh sát biển.

Khối Nữ Sĩ quan thông tin.

Khối Nữ Sĩ quan quân y.

Khối Chiến sĩ tác chiến điện tử.

Khối Chiến sĩ tác chiến không gian mạng.

Khối Nữ Gìn giữ hòa bình của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khối Chiến sĩ đặc công.

Khối Nữ Chiến sĩ biệt động.

Khối Chiến sĩ đặc nhiệm dù Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khối Chiến sĩ Đặc nhiệm dù là những chiến sĩ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, thể chất và lòng dũng cảm; được tuyển chọn và huấn luyện trong môi trường đặc biệt để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt. Trong chiến đấu, Chiến sĩ Đặc nhiệm dù đã lập nhiều chiến công xuất sắc.

Khối Đoàn Nghi lễ Danh dự Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Đoàn Nghi lễ Danh dự Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc được thành lập vào năm 1952, có nhiệm vụ chính là phục vụ nghi lễ cho Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Khối Quân đội nhân dân Lào. Quân đội nhân dân Lào được thành lập ngày 20/01/1949. Là lực lượng vũ trang chủ lực, mũi nhọn của cách mạng dân tộc Lào. Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước, Quân đội nhân dân Lào luôn kề vai sát cánh, gắn bó mật thiết với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khối Quân đội Hoàng gia Campuchia. Quân đội Hoàng gia Campuchia được thành lập ngày 9/11/1953 gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Không quân, Hiến binh và nhiều lực lượng chuyên ngành.

Khối Nữ Du kích miền Nam tiến vào lễ đài. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hình ảnh nữ Du kích miền Nam tay không đánh giặc, những “Cô Ba dũng sĩ” với chiếc khăn rằn và nón tai bèo bám xóm, bám ấp, đánh giặc mọi lúc, mọi nơi, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Khối Nam Sĩ quan thuộc lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Khối Nữ Cảnh sát đặc công.

Khối Cảnh sát cơ động.

Khối Cảnh sát cơ động kỵ binh.

Khối các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động và nhân chứng lịch sử đại diện cho 63 tỉnh, thành. Đây là những tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Khối Cựu chiến binh đang tiến vào lễ đài. Cựu chiến binh Việt Nam là những nhân chứng lịch sử, những người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, chiến đấu anh dũng, kiên cường, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/an-tuong-man-dieu-binh-cua-quan-doi-cong-an-post1738564.tpo