Ấn tượng từ những mô hình 'đuổi nghèo' của đồng bào dân tộc thiểu số ở Sìn Hồ

Sìn Hồ (Lai Châu) được biết đến là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Thái, Hà Nhì, Khơ Mú... Với địa hình đồi núi, khí hậu đặc thù và hệ sinh thái phong phú, huyện có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững.

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của các HTX cùng các chính sách đồng hành của địa phương, hoạt động sản xuất của người dân Sìn Hồ đã có nhiều bước chuyển biến tích cực, đặc biệt trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại điện tử để nâng cao giá trị gia tăng.

Chuyển mình mạnh mẽ

Trước đây, phần lớn bà con dân tộc thiểu số ở Sìn Hồ phát triển sản xuất theo phương thức truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao, đời sống vật chất và tinh thần chưa được đảm bảo.

Tuy nhiên, từ khi các chương trình Mục tiêu Quốc gia như nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dân tộc miền núi… được triển khai, người dân trên địa bàn huyện đã có điều kiện tiếp cận với các mô hình sản xuất hiện đại, phù hợp với điều kiện địa phương.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Sìn Hồ đang dần thay đổi tư duy sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Sìn Hồ đang dần thay đổi tư duy sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Một trong những thay đổi dễ thấy nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn thay thế các giống cây trồng kém năng suất bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây sa nhân tím, thảo quả, chè cổ thụ, cây dược liệu (đương quy, tam thất, hà thủ ô...).

Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi trâu, bò sinh sản, nuôi dê theo đàn với sự đồng hành của ban ngành địa phương cũng được triển khai mạnh mẽ, mang lại giá trị cao cho người dân.

Một trong những điểm sáng của Sìn Hồ là mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng tại các xã Tả Phìn, Nậm Tăm, Làng Mô. Với đặc tính sinh trưởng tự nhiên trong môi trường ẩm ướt, sa nhân tím không những mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần bảo vệ rừng.

Nhờ kỹ thuật canh tác mới được tập huấn từ các chương trình hỗ trợ của tỉnh và huyện, nhiều hộ đã nâng cao năng suất từ 2-3 tạ/ha lên đến 6-8 tạ/ha, với giá bán dao động từ 500.000 – 700.000 đồng/kg khô.

Bên cạnh đó, mô hình trồng chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Hồng Thu cũng được đánh giá cao. Với đặc điểm chè mọc tự nhiên, không sử dụng hóa chất, người dân đã biết cách thu hái, sơ chế và bảo quản theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý, một số HTX trên địa bàn huyện đã đầu tư máy sao chè, máy hút chân không và máy sấy hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp chè Shan tuyết Sìn Hồ dần có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhiều hướng đi mới

Không chỉ với cây chè, các HTX ngày càng cho thấy dấu ấn đậm nét trong quá trình phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sìn Hồ, mở đường cho những mô hình mới vừa cho giá trị kinh tế cao, vừa mang lại giá trị bền vững về môi trường, sức khỏe...

Tiêu biểu có thể kể đến HTX Sâm - Tam thất Sìn Hồ ra đời lấy mục tiêu trồng rừng, trồng dược liệu dưới tán rừng gắn với du lịch sinh thái tại xã Sà Dề Phìn làm nền tảng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên và nông dân liên kết.

Để phát triển bền vững, sản xuất sạch, thân thiện môi trường là một trong những vấn đề được HTX đặc biệt quan tâm. Nhờ sản xuất khoa học, HTX đang có bước phát triển ổn định. Hiện, các thành viên của HTX, phần lớn là người dân tộc thiểu số, đều có nguồn thu nhập 40-80 triệu đồng/năm. HTX cũng tạo việc làm cho nhiều lao động làm công nhật với các công việc khác nhau như vận chuyển, thu hái, chăm sóc… với tiền công khá cao.

Sự ra đời của các HTX giúp người dân Sìn Hồ phát huy hiệu quả của nhiều cây trồng thế mạnh.

Sự ra đời của các HTX giúp người dân Sìn Hồ phát huy hiệu quả của nhiều cây trồng thế mạnh.

Với những điều kiện “thiên thời – địa lợi” trên, ngành nông nghiệp huyện Sìn Hồ đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng các HTX, nông dân tại các địa phương tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Thành Văn, Giám đốc HTX Nông sản, Dược liệu cao nguyên Sìn Hồ, nhận định Sìn Hồ là huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu theo hướng hữu cơ.

Phát huy những thế mạnh sẵn có, HTX đang liên kết trồng dược liệu gắn với du lịch sinh thái tại xã Sà Dề Phìn làm nền tảng phát triển nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân. Các thành viên của HTX hiện có nguồn thu ổn định bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Liên tục nâng tầm

Một điều dễ thấy trong thời gian qua là các đơn vị thuộc hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Lai Châu đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, tạo điều kiện giúp nhiều hộ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa thoát nghèo.

Điển hình, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) đã hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đen trên địa bàn xã Phăng Sô Lin, như tập huấn kiến thức về quy trình chăn nuôi lợn đen thương phẩm, kiến thức về liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư cho biết đối tượng tham gia chương trình là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các hộ tham gia dự án sẽ được tập huấn để nắm vững các kiến thức về chăm sóc và nuôi dưỡng chăn nuôi lợn đen bản địa, kiến thức về chuồng trại, phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn, các biện pháp phòng bệnh và xử lý khi đàn lợn bị bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi...

Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tại huyện Sìn Hồ, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân tộc thiểu số miền núi địa phương. Đơn cử, Liên minh HTX Việt Nam từng phối hợp với HTX Nông sản dược liệu cao nguyên Sìn Hồ để bàn giao vật tư, thiết bị hỗ trợ cho hơn 30 hộ thành viên của HTX.

Bên cạnh những đóng góp của HTX, một bước tiến quan trọng trong hoạt động sản xuất của đồng bào Sìn Hồ là việc tiếp cận và khai thác hiệu quả các nền tảng thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ sự hỗ trợ của ban ngành tỉnh Lai Châu, sự đồng hành của Liên minh HTX tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam và các tổ chức phát triển, nhiều sản phẩm đặc sản của Sìn Hồ như mật ong rừng, thảo quả, sa nhân, chè Shan tuyết... đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee, Lazada, đặc biệt là trên gian hàng OCOP quốc gia.

Như tại HTX sản xuất và chế biến dược liệu Sìn Hồ hiện không chỉ đầu tư bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc mà còn tích cực quảng bá qua mạng xã hội, xây dựng website bán hàng, tạo video giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy, doanh thu của HTX đã tăng gấp đôi trong vòng hai năm, sản phẩm vươn xa ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Ngoài ra, các lớp đào tạo kỹ năng bán hàng online, livestream giới thiệu sản phẩm cũng được tổ chức định kỳ tại trung tâm học tập cộng đồng các xã. Nhờ đó, nhiều bạn trẻ người dân tộc thiểu số đã trở thành “nông dân công nghệ số”, tự tin quảng bá sản phẩm của quê hương mình.

An Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/an-tuong-tu-nhung-mo-hinh-duoi-ngheo-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-sin-ho-1106033.html