Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang
Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.
Tòa soạn đặc biệt trên đồi Ngựa Hí
Bước tới khu vực trưng bày báo chí từ năm 1945 -1954 dễ dàng nhìn thấy những hiện vật mang dáng dấp của một thời “lửa đạn”. Ở đó, những người làm báo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, kịp thời tuyên truyền đường lối kháng chiến, phát huy sức mạnh của toàn dân trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc…
Những tờ báo hiếm hoi được trưng bày, dù không còn đầy đủ và những dòng chữ qua thời gian đã “bụi mờ” nhưng vẫn gợi nhớ về các thời kỳ cách mạng, báo chí Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn có các hoạt động rất sôi động, phản ánh đậm nét cuộc kháng chiến, kiến quốc vĩ đại quân và dân ta mà tiêu biểu trong đó là góp phần thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được rèn luyện qua hàng ngàn năm lịch sử hào hùng.
Theo chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh và Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Chính trị mặt trận Điện Biên Phủ Lê Liêm, 70 năm trước, từ ngày 28/12/1953 đến ngày 16/5/1954, Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội Nhân dân tại mặt trận Điên Biên Phủ đã in ấn và phát hành 33 số báo đặc biệt ngay tại chiến trường Điện Biên Phủ, trở thành kênh thông tin báo chí kịp thời, hiệu quả nhất, một mũi xung kích trong chiến dịch, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ở Điện Biên Phủ và cả nước.
Chia sẻ về việc trưng bày các số báo đặc biệt này tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhà báo Trần Thị Kim Hoa cho biết: “33 số báo đặc biệt của Báo Quân đội Nhân dân đã góp phần làm phong phú thêm lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam. Qua các bác nhà báo lão thành, chúng tôi cũng có thêm tư liệu, hiện vật như sổ ghi chép, viết tay ngoài mặt trận được các bác nâng niu và lưu giữ đến nay. Chúng tôi mong có thêm nhiều tư liệu để giới thiệu kỹ hơn về 33 số báo đặc biệt. Khi điều kiện cho phép, Bảo tàng sẽ làm sách, phim chuyên đề về 33 số báo và câu chuyện làm báo ở Tòa soạn tiền phương của Báo Quân đội Nhân dân”…
Ấn tượng nhất là tờ Báo Quân đội Nhân dân – xuất bản tại Mặt trận có bài viết “Những thắng lợi đầu tiên trong mùa Đông Xuân và nhiệm vụ của chúng ta” - tác giả Lê - Liêm. Bài viết được mở đầu với câu: “Mùa đông năm nay chúng ta đã thắng lớn trên các mặt trận…” và được kết thúc với khí thế: “Chúng ta đã giành được những thắng lợi đầu tiên. Chúng ta quyết không thỏa mãn với những thắng lợi đó. Hiện nay quân thù vẫn tiếp tục với những âm mưu thâm độc sau những thất bại nặng nề. Chúng ta cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng. Chúng ta cần hoàn thành những công tác trước mắt để có lệnh là lập tức xông ra tiêu diệt quân địch, giành lấy những thắng lợi mới to lớn hơn”.
Một gian trưng bày không nhiều tư liệu nhưng các bài báo nói đã nói lên được cuộc sống sinh hoạt, tấm gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức hậu cần, các phóng sự điều tra về tình hình sức khỏe bộ đội, vấn đề hậu phương người lính trong cải cách ruộng đất; những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên…
Mỗi bài viết như thấm mồ hôi, nước mắt, xương máu của những người cầm súng tại chiến trường Điện Biên Phủ. Nhiều phóng viên, cộng tác viên đã bất chấp hiểm nguy trên chiến trường, có mặt tại những điểm nóng, khai thác những chi tiết hay nhất, độc nhất. Không chỉ là những tờ báo, cuốn sổ, cây bút mà tới với gian trưng bày này còn có một màn hình trình chiếu về một phóng sự tư liệu rất quý trong đó nhiều tư liệu sinh động về Chiến thắng Điện Biên Phủ qua lời kể chi tiết của những người làm báo thời kỳ đó.
Câu chuyện được các nhân chứng kể lại thật sự rất nhiều giá trị. Nhà báo Trần Kim Hoa - Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam giới thiệu: “Những hiện vật dù không nhiều nhưng đều thể hiện được khí thế của một thời kỳ, dù khó khăn gian khổ thì báo chí, với tinh thần đoàn kết một lòng, các cơ quan thông tấn đều xung trận. Những câu chuyện không thể nói hết những khó khăn vất vả mà các thế hệ nhà báo trong kháng chiến chống Pháp đã vượt qua, từ đó để đi đến Chiến thắng Điện Biên Phủ…”.
“Tòa soạn được đặt tại đồi Pu Ma Hong (Ngựa Hí) đã truyền đi nhiều tin bài thời sự phong phú, sinh động, in ấn tại chỗ, phát hành đến tận các chiến hào tại mặt trận Điện Biên Phủ, do các nhà báo Hoàng Xuân Tùy, Trần Cư, Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng và Nguyễn Bích... trực tiếp thực hiện” – những dòng chữ ấy được in đậm nét nổi bật trên nền vách ngăn của khu trưng bày như một sự ghi nhận, cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay phải luôn biết ơn công lao to lớn của cha ông ta một thời.
Tư liệu quý từ những tờ báo xuất bản từ nước Pháp về Chiến thắng Điện Biên Phủ
Ở một vách ngăn trang trọng trong khu vực này, một số tờ báo tiếng Pháp cũng ấn tượng không kém. Câu chuyện đằng sau những tờ báo tưởng như rất giản dị là cả một hành trình mà những người làm bảo tàng đã nỗ lực thời gian qua. Qua các đồng nghiệp báo chí tại Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã gặp gỡ ông Jean-Marie Jacquemin, nhà sưu tầm tư nhân ở Pháp, được ông hiến tặng và chuyển nhượng nhiều tài liệu, hiện vật quý trong đó có các tờ báo hàng đầu nước Pháp đưa tin ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 và nhiều hiện vật về đề tài chiến tranh Việt Nam.
Nhà báo Trần Kim Hoa - phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết để có được sự hiện diện của những tờ báo quý xuất bản từ nước Pháp những năm 50 - 70 của thế kỷ trước phục vụ trưng bày Bảo tàng, nhất là trong bối cảnh Pháp và Việt Nam đang có các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, luôn là mong muốn thường trực của người làm Bảo tàng trước các đồng nghiệp báo chí và công chúng tham quan.
“Một may mắn đã đến với chúng tôi vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024: Nhờ có sự kết nối thành công của cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Paris, nhà sưu tầm tư nhân người Pháp Jacquemin không chỉ biết đến Bảo tàng Báo chí Việt Nam mà còn dành cho công chúng Việt Nam cơ hội được thưởng lãm một số di sản báo chí thế giới, một số hiện vật gốc báo chí Pháp ngay tại Việt Nam, đặc biệt là những số báo giúp chúng tôi có thể giới thiệu rộng rãi sự quan tâm của người Pháp, báo chí Pháp 70 năm trước đối với câu chuyện Việt Nam chiến thắng tại Điện Biên Phủ mà họ gọi là “thảm kịch” và “sự sụp đổ” trên trang nhất tờ France-soir số ra ngày 9 - 10/5/1954 và trên trang nhất báo L’Humanite’ số ra ngày 8/5/1954 cùng với tin tức về Hiệp định Geneve khôi phục hòa bình ở Đông Dương; hay các số báo đưa tin trận bom đầu tiên không quân Mỹ ném xuống Vịnh Bắc Bộ năm 1964 và Hiệp định Paris được ký kết năm 1973 cùng những vấn đề liên quan trong cuộc chiến tranh sau 1954 tại Việt Nam…” - nhà báo Trần Kim Hoa cho biết.
Có thể nói, những câu chuyện được kể qua các tài liệu, hiện vật về đề tài Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thực sự mang ý nghĩa lớn, được trưng bày và giới thiệu tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam phục vụ kịp thời nhu cầu tham quan trong dịp cả nước kỷ niệm những ngày tháng lịch sử trọng đại của đất nước. Qua đó cũng mang đến những giá trị tinh thần, bài học vô giá cho những người làm báo hôm nay, nhắc nhớ về một thời oanh liệt của cha ông ta 70 năm về trước.