Ấn tượng xe buýt trên sông

Thả hồn trên waterbus (xe buýt trên sông), thưởng thức không khí thoáng đãng, trong lành, ngắm TPHCM lung linh huyền ảo từ mặt sông, hẳn ai cũng có cảm giác ấn tượng mạnh khi cảm nhận được sự thay đổi của thành phố phương Nam này.

Từ waterbus ngắm một góc TPHCM lộng lẫy, hiện đại

Từ waterbus ngắm một góc TPHCM lộng lẫy, hiện đại

Vào TPHCM công tác lần này, người đón tôi là con bạn thân cùng lớp, và bây giờ còn là chị dâu của tôi. Khi gặp nhau, hai đứa cứ khúc khích cười, không biết phải xưng hô như thế nào cho phải phép. Vậy nên giữa hai chúng tôi tồn tại một luật ngầm rằng: khi có anh Hai thì ai về vị trí nấy, còn lại thì tùy thích.

Cơm chiều vừa xong, bạn liền rủ tôi đi khám phá thành phố về đêm. Bạn ra trường xong là trốn biệt vào trong này, và hiện đang làm cho một tờ báo mạng. Còn công việc của tôi suốt ngày phải dán mặt vào máy tính với những con số nhảy múa đến chóng cả đầu. Giờ bạn rủ tôi đi chơi xả strees thì còn gì hơn nữa. Anh Hai mua hai vé online và đưa hai đứa tôi đến Bến Bạch Đằng. Không hiểu ảnh có bận gì không, hay chỉ là một khước từ khéo để chừa không gian riêng cho chúng tôi tám chuyện.

Trời chiều sáng nhẹ, trên bến Bạch Đằng chưa nhộn nhịp như tôi nghĩ. Phía bên kia sông, TP Thủ Đức đang trở mình phát triển, cả một không gian rộng lớn bên kia, mai đây chắc sẽ được quy hoạch, xây dựng bài bản đẹp đẽ hơn phía quận 1, chỗ tôi đang đứng. Tôi đang mơ mộng ngắm nhìn bến Bạch Đằng đẹp đẽ và hiện đại, thì con bạn gọi giật giọng kêu tôi mau chóng lên tàu kẻo trễ. Vừa lên tàu thì tiếng máy nổ đã gầm nhẹ dưới chân, tàu bắt đầu rời bến.

Khi mọi người đã yên chỗ, tôi cũng chọn được một nơi sát cửa sổ trong khoang. Con tàu khoan khoái ngược dòng rẽ nước, những tòa nhà cao tầng bên quận 1 lừng lững xoay lui, có lẽ đây là góc nhìn thấp nhất để tôi cảm nhận thành phố này: giờ đây nó bình yên, không còn thấy sự ồn ào, khói bụi của xe cộ và sự vội vã của mọi người trở về nhà khi chiều đang xuống.

Waterbus là “xe buýt đường sông”, như một chiếc tàu khách nhỏ được làm đẹp với trang thiết bị hiện đại để chở người, có lẽ hợp làm du lịch hơn là phương tiện giao thông hàng ngày, nhất là hiện chỉ mới đưa vào vận hành 5 bến với quãng đường 11km, từ bến Bạch Đằng đến bến Linh Đông (Thủ Đức). Ngược sông Sài Gòn, tàu đưa tôi lướt qua những cây cầu nổi tiếng như cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm… và được ngắm từ xa cây cầu Bình Lợi được tô đỏ dưới ánh chiều.

Tôi thả hồn vào không gian trong lành trên dòng sông, tiếng máy nổ đều đưa chúng tôi đến bến cuối khi thành phố đã lên đèn. Bến Linh Đông chưa được đầu tư nhiều, còn mang dáng dấp của một bến sông quê dưới những tán cây mát rượi. Hơn ba chục khách trở lại tàu sau hơn chục phút thư giãn trên bờ. Không ngờ vòng trở về mới gây ấn tượng mạnh trong tôi. Những quán hàng ven sông đã lên đèn phả ánh sáng xuống dòng nước lung linh huyền bí. Có lẽ đây cũng là khoảng thời gian cho những tấm hình đẹp nhất, nổi lên trên khung cảnh lộng lẫy ánh đèn là khu đô thị hiện đại và hoành tráng bừng sáng bên sông như đánh đấu sự phát triển của thành phố này.

Sau hơn một giờ lênh đênh trên sông, chúng tôi trở về với thực tại. Ngồi nghỉ ngơi trong quán cà phê ngay tại bến Bạch Đằng, chúng tôi ngắm nhìn khung cảnh sôi động xung quanh. Du khách trên bến đã bắt đầu đông dần; dưới sông, những chiếc du thuyền tròng trành trên mặt nước càng tô thêm vẻ lộng lẫy của bến sông…

Nhâm nhi ly cà phê sữa đá, bất giác tôi thầm ước, giá như người ta thiết kế động cơ điện để làm biến mất tiếng ồn đang gầm rú dưới dòng sông vọng lên thì hẳn chuyến du lịch nho nhỏ của hai đứa chúng tôi đã thật sự trong lành và mỹ mãn.

HỒ QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/an-tuong-xe-buyt-tren-song-post745879.html