Anh: 'Cơn đau đầu' Brexit quay trở lại
Những người ủng hộ Brexit trong đảng Bảo thủ Anh dọa tiến hành một cuộc 'đảo chính' khác khi tờ Sunday Times mới đây đưa tin Thủ tướng Rish Sunak đang xem xét cái gọi là thỏa thuận thương mại 'kiểu Thụy Sĩ' thân thiện hơn với Liên minh châu Âu (EU).
Ông Sunak phủ nhận thông tin này, nhưng các quan chức cấp cao của chính phủ cho biết Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đã gặp riêng thủ tướng và bày tỏ hy vọng về mối quan hệ chặt chẽ hơn với Brussels.
Nước Anh từng được coi là “kẻ ốm yếu của châu Âu” cho đến khi gia nhập EU và giờ đây có vẻ như họ đang lại rơi vào tình trạng đó sau khi rời EU (gọi tắt là Brexit). Gia nhập EU đã mang lại những điều kỳ diệu cho nền kinh tế Anh và Brexit đang được cho là một quyết định sai lầm. Mới đây, trong chương trình Today, Michael Gove, bộ trưởng trong nhiều đời thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ, khi được hỏi về “cơ hội của Brexit”, đã bỏ lỡ một vấn đề cốt lõi. Điều mà lẽ ra ông ấy phải nói nhưng với tư cách là một người ủng hộ Brexit và đã bỏ phiếu cho việc ly khai khỏi EU, ông đã không thể nói, đó là “cơ hội” duy nhất xuất phát từ Brexit là nước Anh đã tiến hành một thí nghiệm để chứng minh rằng ý tưởng rời EU là sai lầm.
Các doanh nghiệp và ngành công nghiệp Anh đang vật lộn với hậu quả từ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khả năng giao dịch với thị trường lớn nhất là EU và người tiêu dùng Anh phải chi nhiều hơn cho hàng hóa nhập khẩu do nước này không còn là thành viên EU. Các cuộc thăm dò dư luận mới đây giống như một bản án “trả thù” của công chúng đối với Brexit. Theo kết quả khảo sát của hãng thăm dò và phân tích dữ liệu mạng YouGov (Anh), 56% số người được hỏi ý kiến cho rằng Anh đã sai lầm khi rời EU, trong khi chỉ có 32% trả lời rằng đó là quyết định đúng đắn. Thậm chí, 19% số người thừa nhận đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit nay cho rằng họ đã sai khi đưa ra quyết định đó. Có đến 88% những người từng bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của chính phủ Công đảng vào năm 2019 cho rằng đây là một quyết định sai lầm.
Rõ ràng là các thành viên thông minh hơn trong nội các Sunak/Hunt đã nhận được thông điệp từ Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) và các doanh nghiệp rằng vì lợi ích của nền kinh tế và phúc lợi chung, nước này cần tái gia nhập thị trường chung. Nhưng, đây là mong ước không dám nói, cho dù có vẻ như thái độ đối với vấn đề nhập cư đã thay đổi kể từ năm 2016, khi ông Boris Johnson (bản thân là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ) đã kích động tình cảm chống người nhập cư bằng những những lời cảnh báo vô nghĩa về khả năng sắp xảy ra làn sóng người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Sunak đã nhận được thông điệp rằng sự kết hợp giữa Brexit và sự hỗn loạn trong đảng Bảo thủ và đảng Brexit đã khiến các nhà quan sát nước ngoài đưa ra kết luận rằng nước Anh đang “chìm dần”. Theo OECD, trong Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chỉ có Nga là nước có nền kinh tế hoạt động kém hơn Anh.
Tư cách thành viên EU đã mang lại những điều tuyệt vời cho Anh. Văn phòng Trách nhiệm ngân sách (OBR) ước tính thiệt hại tích lũy do Brexit gây ra sẽ làm giảm 4% GDP tiềm năng của Anh mỗi năm. Đối với Chính phủ Anh hiện nay, Brexit không phải là nguyên nhân của mọi vấn đề nhưng nó làm trầm trọng thêm những khó khăn. Có thể nói Brexit là một lời giải thích lớn nhất cho việc tại sao kinh tế Anh lại đang tệ hơn nhiều so với phần còn lại của G20. Là người ủng hộ Brexit, Thủ tướng Sunak sẽ phải điều hướng vấn đề này.
Tony Travers, giáo sư chính trị tại Trường Kinh tế London, nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của ông Sunak với tư cách nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ và chính phủ là khôi phục nước Anh như một quốc gia phát triển”. Nhưng Brexit, vấn đề gây chia rẽ đảng Bảo thủ trong nhiều thập kỷ, có thể là một vấn đề gây tranh cãi nhất mà ông phải đối mặt. Mặc dù là một trong những người đầu tiên ủng hộ Brexit, ông không tán thành cách tiếp cận cứng rắn của đảng mình. Vài tháng trước cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, ông đã bất đồng quan điểm với thủ tướng khi đó là David Cameron, ca ngợi Brexit là “cơ hội nghìn năm có một để nước Anh lấy lại quyền kiểm soát vận mệnh”. Giáo sư Travers cho rằng, việc Sunak sớm ủng hộ Brexit “đã đặt ông ấy đứng về phía đúng của lịch sử” và ông ấy “ủng hộ Brexit nhưng là một Brexit ôn hòa, theo lẽ thường hơn là theo ý thức hệ”.
Tại Hội nghị của CBI ở Birmingham mới đây, Sunak nêu rõ chính phủ của ông không có ý định nới lỏng Brexit để xích lại gần hơn với EU. Thủ tướng tái khẳng định niềm tin vào Brexit khi tuyên bố bằng cách rời EU, Anh có cơ hội giao thương với các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Ông cũng loại trừ quan hệ kiểu Thụy Sĩ với khối này và bác bỏ “bất kỳ sự liên kết nào với luật pháp EU”. Ông nói: “Tôi đã bỏ phiếu cho Brexit, tôi tin vào Brexit và biết rằng Brexit có thể và đang mang lại những lợi ích và cơ hội lớn cho đất nước”, viện dẫn việc Anh nối lại kiểm soát nhập cư kể từ khi rời EU, hay các hiệp định thương mại mà Anh đã ký với các nước khác.
Tuyên bố bảo vệ Brexit được đưa ra một ngày sau khi báo chí Anh đưa tin London đang tìm cách tăng cường quan hệ với Brussels, 3 năm sau khi rời EU. Theo Sunday Times, “các thành viên nội các đang có kế hoạch đưa Anh vào con đường tiến tới mối quan hệ tương tự như mối quan hệ của Thụy Sĩ với EU”. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của chính phủ đã phủ nhận một dự án như vậy, gọi bài báo là “hoàn toàn sai sự thật”. Bộ trưởng phụ trách nhập cư Robert Jenrick cũng cho biết Anh có “quan điểm rõ ràng” trong quan hệ với Brussels, được chi phối bởi những nguyên tắc cốt lõi nêu trong thỏa thuận Brexit năm 2019 (theo đó Anh rời khỏi thị trường chung, thương mại vẫn tiếp tục được miễn thuế, nhưng chấm dứt tự do đi lại và Anh không còn đóng góp tài chính cho EU).
Những khó khăn kinh tế-tài chính hiện nay của Anh đang làm dấy lên những chỉ trích về tác động của Brexit. Triển vọng kinh tế ảm đạm, thể hiện qua hoạt động đầu tư kinh doanh và thương mại trì trệ thời hậu Brexit, đã dẫn đến cuộc thảo luận trong giới doanh nghiệp và các nhà kinh tế về việc tạo dựng quan hệ chặt chẽ hơn với EU để thúc đẩy tăng trưởng. Bộ trưởng Tài chính Hunt bày tỏ tin tưởng rằng Anh sẽ có thể loại bỏ “phần lớn” các rào cản thương mại với EU mà không cần tái gia nhập thị trường chung.