Anh đánh giá Việt Nam đóng góp lớn vào thành công của COP26
Đây là lời khẳng định của Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward trong thông cáo báo chí về kết quả Hội nghị COP 26 được Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đưa ra chiều 18/11.
Đại sứ Gareth Ward nói: “Đoàn Việt Nam tham dự COP26 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính dẫn đầu đã đóng góp lớn vào thành công của COP26, với cam kết quan trọng về phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Hiện chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện các cam kết về bảo vệ rừng, giảm sử dụng than và giảm phát thải khí mêtan. Chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam thu hút các nguồn tài chính cho phát triển và các nguồn tài chính tư nhân cần thiết”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Sự kiện về Rừng và Sử dụng đất trong khuôn khổ Hội nghị COP26.
Được biết, Hội nghị lần thứ 26 của các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu, gọi tắt là COP26, đã kết thúc tại Glasgow hôm 13/11 với gần 200 quốc gia đồng thuận với Hiệp ước Khí hậu Glasgow để giữ cho mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt ở 1,5 độ C tồn tại và hoàn thiện các phần chưa được thống nhất của Thỏa thuận Paris.
Tất cả các quốc gia đã đồng ý vào năm 2022 sẽ xem xét lại và củng cố các mục tiêu phát thải đến năm 2030, còn được gọi là Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contribution - NDC). Song song với đó, một Hội nghị bàn tròn chính trị sẽ được tổ chức hàng năm để đánh giá tiến độ toàn cầu, cùng với đó là Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo tổ chức vào năm 2023.
Bộ Quy tắc hướng dẫn cách thức thực hiện Thỏa thuận Paris cũng đã được hoàn thành vào ngày bế mạc COP26 sau 6 năm thảo luận. Việc Bộ Quy tắc được hoàn thiện sẽ cho phép thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Paris, nối tiếp sau thỏa thuận về một quy trình minh bạch mà dựa trên đó các quốc gia sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Điều khoản số 6 của Thỏa thuận Paris cũng đã được hoàn thành, qua đó thiết lập một khuôn khổ vững chắc để các quốc gia trao đổi tín chỉ các-bon dựa trên Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC).
Và lần đầu tiên, dựa trên lời kêu gọi từ các tổ chức xã hội dân sự và các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu, các bên đã đồng thuận về việc giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các cam kết tăng đáng kể hỗ trợ tài chính thông qua Quỹ Thích ứng cũng đã được đưa ra, trong bối cảnh các nước đang phát triển đang thúc giục các nước phát triển tăng gấp đôi hỗ trợ vào năm 2025.
Chia sẻ về chặng đường phía trước, Chủ tịch của COP26, Ông Alok Sharma cho biết: "Từ thời điểm hiện tại, chúng ta phải cùng hành động để thực hiện những kỳ vọng đặt ra trong Hiệp ước Khí hậu Glasgow, đồng thời thu hẹp những khoảng cách vẫn còn tồn tại. Bởi vì như Thủ tướng Barbados Mia Mottley đã chia sẻ khi bắt đầu hội nghị này, đối với Barbados và các quốc đảo nhỏ khác, ‘mức tăng 2 độ C là một bản án tử hình’.
Tất cả chúng ta đều phải duy trì kim chỉ nam của mình là giữ được mục tiêu 1,5 độ và tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy dòng chảy tài chính và tăng cường thích ứng. Những nỗ lực chung dẫn đến Hiệp ước Khí hậu Glasgow không thể bị lãng phí”.