Anh dũng thời chiến, tỏa sáng thời bình
Chiến tranh kết thúc, trở về cuộc sống đời thường, dù mang trong mình thương tật hay sức khỏe suy giảm, các cựu chiến binh (CCB) vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vươn lên trên mặt trận mới, trở thành những tấm gương tiêu biểu, tỏa sáng giữa đời thường.
Tỏa sáng thời bình
Trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, như bao người con của quê hương Cần Đước, tỉnh Long An, năm 1960, chàng trai trẻ Trịnh Văn Ba (SN 1933, ngụ ấp Đồng Tâm, xã Long Trạch) xung phong lên đường tòng quân đánh giặc. Nối gót cha, 2 người con trai của ông lần lượt lên đường với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, người con trai thứ 2 của ông đã vĩnh viễn nằm xuống khi vừa tròn 18 tuổi, đó là liệt sĩ Trịnh Hùng Nghiệp. Người con trai thứ 3 là Trịnh Minh Thới cùng ông và đồng đội anh dũng chiến đấu, lập nên nhiều chiến công. Những cống hiến của ông được Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì.
Sau giải phóng, ông Ba công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và luôn tận tâm, tận lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến năm 1984, ông về hưu. Vừa tham gia công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ông vừa sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tích góp xây dựng nhà cửa kiên cố và lo cho các con ăn học thành tài. “Là người lính Cụ Hồ thì dù ở mặt trận nào cũng phải nỗ lực làm tốt để xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo” - ông Ba chia sẻ.
Qua trao đổi, chúng tôi được biết ông Trịnh Minh Thới trước khi về hưu là Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cần Đước. Hiện ông Ba sống cùng người con thứ 6 là ông Trịnh Minh Sơn - cán bộ Công an huyện Cần Đước đã về hưu. Ngoài ra, các con của ông, người thì đang công tác tại Phòng Nội vụ huyện, người thì làm giáo viên Trường THPT Rạch Kiến. Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, các con, cháu của ông đều gương mẫu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và ngoan hiền, hiếu thảo.
Gương mẫu giữa đời thường
Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang trong giai đoạn quyết liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nguyễn Tam Giác (SN 1953, ngụ khu phố Quyết Thắng 1, phường Khánh Hậu, TP.Tân An) xung phong lên đường nhập ngũ và trực tiếp cầm súng chiến đấu. Sau những năm tháng vào sinh ra tử tại chiến trường, ông trở về địa phương với những vết thương trên cơ thể. Hiện ông là thương binh hạng 4/4. Ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương sáng ở thời bình.
Sau giải phóng, ông được đưa đi học bổ túc văn hóa. Đến năm 1979, ông trở về địa phương và công tác ở nhiều vị trí khác nhau như chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, xã đội trưởng, chủ tịch UBND xã,... Đến năm 1986, do sức khỏe suy giảm nên ông nghỉ việc. Sau đó, ông buôn bán nước giải khát để phát triển kinh tế gia đình.
Từ sự gương mẫu trong công tác và tích cực lao động để mưu sinh, cuộc sống gia đình ông ngày càng ổn định. Căn nhà lá ọp ẹp trước đây giờ được thay bằng căn nhà tường khang trang. Gia đình ông nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu ở địa phương. Người con gái của ông hiện là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Tân Khánh.
Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố Quyết Thắng 1, ông Giác luôn quan tâm đời sống hội viên (HV), cùng chi hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Hội cấp trên giao. Thời gian qua, ông vận động HV thành lập mô hình góp vốn xoay vòng (không lãi suất) có 15 HV tham gia. Từ đó, giúp HV có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng. Ông còn thường xuyên phát động HV tham gia vệ sinh, trồng, chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường; tuyên truyền, vận động HV, người dân bỏ rác đúng nơi quy định, đúng ngày thu gom, thực hiện tốt nếp sống văn minh, góp phần giữ vững phường văn minh đô thị.
Chủ tịch Hội CCB phường Khánh Hậu, TP.Tân An - Bùi Tiến Dũng nhận xét: “Ông Nguyễn Tam Giác không chỉ kiên trung trong thời chiến mà còn là tấm gương sáng giữa thời bình. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông gương mẫu, tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động do địa phương phát động”.
Khó khăn nào cũng vượt qua
Năm 1964, khi đang ở độ tuổi đôi mươi, ông Nguyễn Văn Nhì (SN 1942, ngụ ấp Cầu Kinh, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) đi bộ đội tại Phòng Tác chiến, Cục Tham mưu Bộ Chỉ huy miền và làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ cao cấp. Đến năm 1975, ông công tác tại Quân khu 7. Năm 1997, ông phục viên trở về địa phương. Những cống hiến của ông được Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
Về với đời thường, ông vừa lao động phát triển kinh tế gia đình, vừa tham gia công tác xã hội, góp sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Từ năm 1980-2020, ông đảm nhận nhiều chức vụ tại xã An Lục Long như Trưởng Công an, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Tư pháp, Chủ tịch Hội CCB, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông còn được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ ấp từ năm 1998-2015.
Những năm tháng sau giải phóng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, công việc vất vả nhưng với ý chí, quyết tâm “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, ông luôn nhiệt tình, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức đưa nghị quyết của địa phương vào thực tiễn. Đi đôi đó, ông luôn suy nghĩ, trăn trở làm sao có thể vươn lên ổn định cuộc sống. Bằng ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, ông tìm tòi và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa, rồi đến trồng thanh long với diện tích 0,6ha. Sau nhiều năm tích góp, ông mua thêm 5.600m2 đất canh tác và xây dựng được cơ ngơi khang trang.
Ông Nguyễn Văn Nhì chia sẻ: “Năm tháng trong quân ngũ đã tôi luyện cho tôi cùng đồng đội vững vàng về ý chí và nghị lực trong cuộc sống. Đặc biệt là vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy các con. 4 người con của tôi đã trưởng thành, đều lập gia đình riêng, có cuộc sống ổn định và hiếu thảo”.
Hiện tại, dù không còn tham gia công tác địa phương cũng như khả năng lao động như trước nhưng ông luôn động viên, hướng dẫn các con chăn nuôi để vươn lên làm giàu chính đáng; đồng thời, tích cực vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp nhiều ý kiến cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Không chỉ kiên cường trong thời chiến, những CCB còn tiên phong, gương mẫu giữa thời bình, được nhân dân tin yêu, được Đảng, chính quyền ghi nhận. Điều đó càng tạo động lực để những CCB phấn đấu nhiều hơn, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần phát triển KT-XH địa phương./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/anh-dung-thoi-chien-toa-sang-thoi-binh-a153603.html