Ánh đuốc dẫn mẹ

Thiền sư Hy Vận sau khi đắc pháp nơi Tổ Bá Trượng, Sư trở về Hồng Châu thăm lại mẹ già.

Đến bến đò Đại Nghĩa, mọi thứ đều đổi thay, chỉ có con nước vẫn vỗ về vịn níu bờ sông. Núi Hoàng Bá càng trông càng hun hút vòi vọi. Nếp tranh cũ. Mái nhà xưa. Điệu ru của mẹ. Sư tần ngần thật lâu, tất cả vụt bay đâu mất, chỉ còn lại những mảnh vụn trong ký ức một thời ấu thơ. Ngày ấy, Sư đi rồi mẹ vẫn còn đứng tựa cửa trông theo…

Nhưng, còn một điều nữa mà đến bây giờ Sư vẫn đâu có biết. Mỗi chiều, mẹ Sư thường hay ra bến đò ngóng trông. Đến khi bến vắng đò tan, bà mới lầm lũi trở về. Nước mắt mẹ hòa với nước sông, xuôi ngược chảy tìm con. Một năm, hai năm và đã bao nhiêu năm, thương khóc khóc thương làm cho đôi mắt của mẹ Sư quầng thâm, trũng sâu, khô kiệt. Cho đến một hôm, tia hoàng hôn bỗng tắt ngúm trên đôi mắt bà vĩnh viễn. Mẹ Sư quờ quạng trong bóng tối, thảng thốt gọi tên Sư: - Con ơi!…

Trời sẫm xuống, cỏ cây nhuộm màu đêm. Tiếng côn trùng rỉ rả càng làm quặn thắt lòng du tăng. Từ ngày rời núi Hoàng Bá, dạo Thiên Thai rồi về kinh đô, qua Thạch Môn lễ Mã Tổ cho đến khi gặp được Bá Trượng, Sư chỉ hằng mong có được hôm nay. Ngày mà việc lớn đã vừa xong, Sư vội gói trọn niềm vui về dâng mẹ thì mẹ biệt mất tăm. Sương trắng vai mà Sư vẫn sờ thấy trên trán mình lấm tấm mồ hôi. Buồn bã, mệt nhoài, Sư trở lại bến đò. Bất ngờ, nghe trước mặt có tiếng gậy lộc cộc lộc cộc gõ trên đường, Sư né sang bên. Một bà lão mù, còm cõi già nua. Sư nhanh nhẹn nhường đường cho bà đi qua. Chiếc bóng bà chìm vào màn đêm chập choạng. Có một chút gì nửa lạ nửa quen khiến cho Sư ngậm ngùi nhớ mẹ khôn nguôi.

Con đò cuối vừa đưa Sư rời khỏi bến sông. Như linh cảm điều gì, Sư quay đầu lại. Ô kìa! Sư cố mở toang đôi mắt xé toạc màn đêm. Có phải bóng bà lão đang hối hả chếnh choáng, cây gậy chao nghiêng. Bà như lao ra bến đò. Nước sông dâng cao, cây cầu trơn trợt, Sư lo lắng quá! Và chính ngay lúc ấy, tiếng bà lão vang lên giữa thinh không rồi lịm dần lịm dần: “Con ơi… đợi mẹ”. Sư hốt hoảng kêu to: “Mẹ!” Một dòng sông, hai tiếng gọi giữa đôi bờ tử sinh, giao hưởng, cộng sinh, nghe buốt cả hư không.

Lập tức, chiếc thuyền con quày quả xoay đầu, phóng tới. Đến bến đò, Sư nhảy xuống. Nhưng đã không kịp nữa rồi, bóng mẹ đã chìm khuất giữa dòng sâu. Và trên bờ, lão tiều phu mách cho bà lần theo dấu chân Sư, đứng chết lặng ăn năn. Nước lạnh, sông sâu, trời tối đen. Sư chắp tay hướng về mẹ thiết tha: “Một người con xuất gia, chín họ được sanh thiên. - Nếu là lời dối thì chẳng lẽ chư Phật lại nói dối ư?”. Sư liền đốt một bó đuốc vì mẹ dẫn đường. Ánh lửa bập bùng vươn cao, tỏa thành một vầng quang sáng. Nói kệ dẫn đạo và pháp ngữ cho mẹ nghe xong, Sư ném bó đuốc xuống dòng sông, dìu mẹ về cõi thiên cung. Con nước lặng bỗng trào dâng sóng cuộn, rồi từ từ dịu lại và yên lành róc rách chảy về xuôi…

Sư đứng đó,

Nhớ thương hoài,

Bến đò năm cũ.

Mái tóc mẹ,

Trắng bạc cả dòng thu.

Để cho Sư,

Nghiêng ngửa lật một trời tím sắc.

Cho ngọn đuốc nào,

Nghìn năm cũ,

Ánh lửa vẫn còn rung.

***

Câu chuyện trên được phóng tác theo cố sự của Thiền sư Hoàng Bá - Hy Vận vì mẹ dẫn đạo, trích trong Phật Quang Đại tự điển. Bến đò Đại Nghĩa trước đó có tên là Phước Thanh. Nhân vì câu chuyện của Sư mà người sau đổi thành Đại Nghĩa.

Điển tích này chính là khởi thủy của tục Hạ cừ (Hạ hỏa) ở Trung Hoa. Tức là nghi lễ hỏa táng cho người chết. Lệ này, về sau trở thành một Phật sự trong thiền môn. Khi hạ cừ, vị đạo sư cầm đuốc xướng kệ dẫn đạo và nói pháp ngữ, cần phải đủ năm việc trọng yếu:

1. Đức: Thuật lại đức của người chết.

2. Tử: Thuật lại nhân duyên người đó chết.

3. Ai: Lời nói tỏ lòng thương tiếc.

4. Điện: Lời nói truy điệu, tiến cúng.

5. Hoạt: Thuật lại hoạt động lúc sinh tiền của người chết.

Hạnh Chiếu/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/anh-duoc-dan-me-post72733.html