'Anh Em' cầu nối đầu ra lâm sản

Mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 3 năm nhưng thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Anh Em, thôn Bản Vàng, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc đã phát huy vai trò là 'cầu nối' trong việc tiêu thụ các sản phẩm như hồi, sở và nhựa thông cho bà con trên địa bàn xã.

Giám đốc Hợp tác xã Anh Em kiểm tra chất lượng hoa hồi khô trước khi xuất bán

Giám đốc Hợp tác xã Anh Em kiểm tra chất lượng hoa hồi khô trước khi xuất bán

Xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc có trên 4.000 ha rừng, chủ yếu là thông, hồi, sở… từ rừng, người dân trên địa bàn xã có thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ông Hà Văn Sự, Giám đốc HTX cho biết: Xã có thế mạnh về phát triển kinh tế đồi rừng, hằng năm, sản lượng khai thác các sản phẩm như hồi, nhựa thông, sở của xã đạt cao. Tuy nhiên, đầu ra của các sản phẩm chưa thực sự ổn định. Xuất phát từ thực tế đó, đầu năm 2022, HTX Anh Em được thành lập với 7 thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực thu mua lâm sản cho bà con.

Theo đó, để bao tiêu sản phẩm hoa hồi, nhựa thông, quả sở cho bà con, HTX đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhựa thông với Công ty TNHH Songlees Lạng Sơn (huyện Lộc Bình) và kết nối với các đầu mối thu mua hồi, sở tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng… Hiện nay, HTX chủ yếu thu mua sản phẩm lâm sản cho người dân trên địa bàn xã Cao Lâu (HTX thu mua khoảng 40 - 50% sản lượng của xã) và thu mua quả sở cho một số người dân trên địa bàn xã Yên Trạch với giá ổn định.

Anh Nông Văn Thành, thôn Còn Nàn, xã Cao Lâu cho biết: Gia đình tôi hiện có trên 2 ha thông. Trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch được từ 2 đến 3 tấn nhựa. Thay vì phải đợi thương lái đến thu mua như trước, hiện nay sản phẩm nhựa thông của gia đình thu hoạch đến đâu đều được HTX Anh Em thu mua đến đó với giá ổn định. Nhờ đó, bình quân mỗi năm gia đình có thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng từ nhựa thông.

Không chỉ gia đình anh Thành, trước đây người dân phải đợi thương lái đến thu mua nên giá cả bấp bênh, thậm chí có lúc bị ép giá, từ khi HTX Anh Em đi vào hoạt động, các sản phẩm như hồi, nhựa thông, sở được HTX thu mua với giá ổn định. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua được trên 300 tấn hồi, nhựa thông, quả sở của bà con. Ngoài ra, HTX còn đầu tư máy móc hiện đại để ép dầu sở, bình quân hằng năm, HTX bán ra thị trường trên 1.000 lít dầu sở. Trong năm 2025, HTX phấn đấu đưa sản phẩm dầu sở đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đã góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm lâm sản của người dân trên địa bàn xã, tăng thu nhập cho các thành viên HTX. Trung bình mỗi năm, doanh thu của HTX đạt trên 2 tỷ đồng, đem lại thu nhập cho các thành viên từ 80 đến hơn 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động và tạo việc làm thời vụ cho 6 lao động tại địa phương.

Ông Đồng Minh Quy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cao Lộc cho biết: Thời gian qua, HTX Anh Em hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực thu mua các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ cho bà con trên địa bàn xã Cao Lâu đã góp phần tạo đầu ra cho người dân, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho các thành viên. Đây là HTX duy nhất trên địa bàn huyện đầu tư máy móc hiện đại để sơ chế dầu sở. Hiện nay, phòng đang triển khai hỗ trợ, hướng dẫn HTX hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để phấn đấu xây dựng dầu sở thành sản phẩm OCOP trong năm 2025, qua đó đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm sở trên địa bàn.

Có thể thấy, HTX Anh Em thực sự đã trở thành “cầu nối” tiêu thụ các sản phẩm lâm sản thế mạnh của xã. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

HIỂU LAM - KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/cau-noi-tieu-thu-lam-san-cho-nguoi-dan-5046776.html