'Lối thoát' cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên AI (Bài 3)

Trong bối cảnh AI bùng nổ toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam không thiếu thông tin, nhưng lại thiếu định hướng hành động. Họ đứng giữa biển cả dữ liệu, công cụ, nền tảng nhưng không biết bơi theo hướng nào để thoát khỏi bài toán muôn thuở: Tuyển sai người, đào tạo sai năng lực, bổ nhiệm sai vị trí và khó giữ chân nhân tài.

Hầu hết các doanh nghiệp Việt vẫn dựa vào cảm tính hoặc kinh nghiệm cá nhân trong các quyết định nhân sự quan trọng. Phòng nhân sự làm việc như một “phòng hành chính cao cấp”, chứ chưa thực sự trở thành đối tác chiến lược cho CEO. Trong khi đó, thị trường lao động đang thay đổi chóng mặt với sự gia nhập của Gen Z, thế hệ đề cao trải nghiệm cá nhân hóa, tốc độ và sự minh bạch. Và AI, nếu biết ứng dụng đúngcách chính là chìa khóa mở cánh cửa mới.

Lối thoát nào cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên AI. Ảnh minh họa: AI

Lối thoát nào cho doanh nghiệp Việt trong kỷ nguyên AI. Ảnh minh họa: AI

AI - “lối thoát” cho bài toán quản trị nhân sự cũ

Tuyển đúng người - cần dữ liệu, không cảm tính

Một hồ sơ đẹp không còn là thước đo của một nhân sự giỏi. Công nghệ phỏng vấn thông minh bằng AI giờ đây có thể phân tích khoảng cách giữa hồ sơ tuyển dụng (CV) và yêu cầu thực tế của vị trí (gap analysis), đánh giá xu hướng hành vi qua từng câu trả lời, từ đó đề xuất mức độ phù hợp. Điều này giúp loại bỏ sai lệch chủ quan của người tuyển, tăng tỷ lệ tuyển đúng người lên gấp nhiều lần.

Từ trước đến nay, đa phần các quản lý cấp trung khi tuyển người đều dựa trên “cảm tính”, dẫn đến đánh giá ứng viên chưa thực sự khách quan, và hệ quả là nhiều ứng viên thể hiện tốt khi phỏng vấn nhưng không mang lại hiệu quả công việc. Đã đến lúc chúng ta nên thay tuyển chọn cảm tính bằng dữ liệu được phân tích từ nhiều nguồn, với tốc độ nhanh và độ chính xác cao - điều mà AI làm rất tốt.

Đào tạo đúng năng lực, không chạy theo phong trào

Doanh nghiệp thường đầu tư đào tạo theo xu hướng như chuyển đổi số, hay OKRs. Điều này chỉ gây lãng phí nếu không dựa trên nhu cầu thực tế.

Đa phần các doanh nghiệp tôi đã làm việc qua, hoặc từng tư vấn, đào tạo đều xây dựng kế hoạch đào tạo năm dựa trên khảo sát nhu cầu học tập của nhân viên và quản lý cấp trung. Tuy nhiên, kết quả thường thiếu chính xác. Điều này cũng giống như việc hỏi một người ngày kia muốn ăn gì, nhưng đến khi phục vụ món đó thì họ lại muốn ăn món khác. Và thế là, dù món ăn chuẩn bị sẵn có ngon thế nào, họ cũng miễn cưỡng ăn hoặc có ý chê bai.

Thay vào đó, AI có thể phân tích năng lực hiện tại của từng nhân viên, so sánh với khung năng lực chuẩn theo chiến lược công ty, rồi đề xuất lộ trình học cá nhân hóa. Việc học trở nên đúng lúc, đúng nhu cầu và gắn liền với kết quả kinh doanh thực tế. Từ đó sẽ giúp cho nhân viên cảm thấy được phát triển thực sự, tạo ra giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp.

Dù AI có thể giải quyết những vấn đề trên, tuy nhiên, ứng dụng AI không thể thành công nếu chỉ dừng ở việc mua công cụ. mà Đầu tiên, nó phải bắt nguồn từ tư duy chuyển đổi số của chủ doanh nghiệp.

Bổ nhiệm đúng người, không dựa vào “cảm giác lãnh đạo”

Một trong những sai lầm phổ biến nhất trong bổ nhiệm là chọn người giỏi chuyên môn nhưng yếu năng lực quản lý, dẫn đến rối loạn đội ngũ. AI có thể giúp đánh giá toàn diện năng lực lãnh đạo tiềm năng, khả năng quản lý cảm xúc, ảnh hưởng, tư duy hệ thống… từ đó giúp ban lãnh đạo chọn đúng người, vào đúng vị trí, đúng thời điểm.

Giữ người - không chỉ bằng tiền, mà bằng sự công nhận và phát triển

Một trong những lý do lớn nhất khiến người tài rời bỏ tổ chức không phải là lương mà là thiếu cơ hội phát triển và sự ghi nhận. Để giữ được người, doanh nghiệp cần:

Một là, đo lường hành vi lãnh đạo của cấp trung: Họ có đang giao quyền? Có biết coaching và truyền cảm hứng? Có công bằng trong đánh giá và hỗ trợ nhân viên không?

Hai là, tích hợp hệ thống đánh giá công bằng, phản hồi thường xuyên, gắn thành tích với lộ trình thăng tiến rõ ràng.

Ba là, ứng dụng AI trong nhận diện rủi ro nghỉ việc: AI có thể phân tích mức độ gắn bó qua tương tác, thái độ, khối lượng công việc, từ đó cảnh báo sớm để kịp thời giữ chân nhân sự. Khi nhân viên thấy mình được ghi nhận đúng cách, được phát triển đúng năng lực, và được lãnh đạo dẫn dắt công bằng, họ sẽ không dễ dàng rời bỏ.

Hãy bắt đầu bằng tư duy chuyển đổi

Dù AI có thể giải quyết những vấn đề trên, tuy nhiên, ứng dụng AI không thể thành công nếu chỉ dừng ở việc mua công cụ. Khi bắt tay vào thực hiện, nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay làm sao để triển khai hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Họ lại lao vào học khóa AI này, tìm công cụ AI kia mà không biết sẽ làm gì. Đơn cử như câu chuyện của chính doanh nghiệp tôi đang dẫn dắt. Từ năm 2024, nhận thấy sự bùng nổ của AI quá nhanh, chúng tôi quyết định phải chuyển hướng để bắt kịp xu thế này, và hành trình chuyển đổi cũng không hề đơn giản.

Ứng dụng AI không thể thành công nếu chỉ dừng lại ở việc mua công cụ

Ứng dụng AI không thể thành công nếu chỉ dừng lại ở việc mua công cụ

Đầu tiên, nó phải bắt nguồn từ tư duy chuyển đổi số của chủ doanh nghiệp. Tư duy này buộc chính tôi phải hành động. Mỗi ngày, tôi - với vai trò chủ doanh nghiệp, luôn nhắc nhở toàn bộ nhân viên về hành trình mới, tầm nhìn mới để mọi người biết phải đi về đâu, tổ chức các cuộc thi sáng tạo bằng AI để các đơn vị bộ phận nhiệt tình hơn trong việc tìm hiểu, nhằm thay đổi cái nhìn của họ về AI. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, bản thân tôi phải đi đầu trong việc nghiên cứu tính ứng dụng của AI trong doanh nghiệp như thế nào, những công cụ nào có thể áp dụng được cho từng bộ phận, và thay đổi cả mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Tôi miệt mài nghiên cứu, thậm chí chi tiền túi để tham gia các chương trình đào tạo trong và ngoài nước, và mua hẳn các công cụ AI để thử nghiệm, phát triển sản phẩm. Khi có được những kết quả ban đầu, tôi chứng minh cho mọi người về giá trị của những công cụ này bằng cách truyền thông nội bộ thật mạnh và liên tục. Tiếp theo, tôi giao mục tiêu cụ thể cho các bộ phận và yêu cầu họ ứng dụng AI vào công việc hằng ngày. Dần dần, từng bộ phận đều đã ứng dụng được AI trong vận hành.

Tháng 5/2025, nền tảng AI-POWERED TMS được ra mắt là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển đổi và ứng dụng AI trong vận hành doanh nghiệp. Và chúng tôi sẽ đưa công cụ này đến nhiều doanh nghiệp nhất có thể để giúp họ giải bài toán quản trị nhân sự, từ đào tạo, đánh giá năng lực, đến xây dựng lộ trình phát triển cá nhân hóa cho từng nhân viên.

Câu chuyện của chính doanh nghiệp chúng tôi cho thấy: “Lối thoát” không nằm ở công nghệ đơn thuần, mà ở tư duy muốn sử dụng nó trước, tiếp theo là bộ năng lực mới cần đáp ứng, và cuối cùng mới đi xây hệ thống. Một vài công cụ AI đơn lẻ không thể cứu doanh nghiệp. Điều cần thiết là một hệ thống tích hợp từ tuyển dụng, đánh giá năng lực, đào tạo, đến bổ nhiệm - tất cả liên kết trên nền tảng dữ liệu chung, minh bạch và đồng bộ. Khi ấy, phòng nhân sự không còn là người làm việc hành chính, mà trở thành trung tâm dự báo và phát triển nhân tài.

Thực tế, một số doanh nghiệp Việt tiên phong đã bắt đầu hành trình này. Họ không cần phải đầu tư hàng tỷ đồng, mà chỉ cần chọn đúng nền tảng phù hợp với chi phí hợp lý để áp dụng và cam kết thay đổi. Bởi, AI không thay con người, nó chỉ thay thế những người không chịu thay đổi.

“Lối thoát” đã có. Vấn đề là doanh nghiệp có đủ dũng khí để bước qua hay không?

(*) CEO Công ty CP đào tạo kỹ năng lãnh đạo Topskills

Lê Thanh Lâm

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/loi-thoat-cho-doanh-nghiep-viet-trong-ky-nguyen-ai-bai-3-317789.html