Anh hùng Nguyễn Văn Lập: 'Nếu có chết thì cũng nằm lại quê hương thứ hai'
Đó cũng chính là di nguyện mà ông Kostas Saratidis, người Hy Lạp, tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Lập, để lại cho những người con của mình.
Sinh ra ở vùng biển Địa Trung Hải xa xôi, nhưng thanh xuân, đam mê và nhiệt huyết của chàng trai Kostas Saratidis lại gắn bó với cách mạng Việt Nam, với đất nước Việt Nam.
Ngay cả sau này, khi đã trở về Hy Lạp sinh sống, trái tim ông vẫn đau đáu hướng về mảnh đất hình chữ S. Bởi lẽ, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của ông, nơi gọi ông bằng cái tên thuần Việt: Nguyễn Văn Lập.
Ông Nguyễn Văn Lập được xem là một chứng nhân lịch sử, một người lính da trắng của Bộ đội Cụ Hồ, người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam.
Cơ duyên trời định
Ông Nguyễn Văn Lập sinh năm 1927 trong một gia đình công nhân ở miền Bắc Hy Lạp. Trải qua nhiều biến cố, ông đến với Việt Nam như một cơ duyên trời định.
Năm 16 tuổi, ông bị bắt đi lính để đưa sang Đức phục vụ cho chế độ phát-xít Hitler. Đến Nam Tư, ông trốn thoát và sống tạm trên những chuyến tàu ngược xuôi biên giới Nam Tư - Hy Lạp.
Năm 1945, sau khi Thế chiến II kết thúc, không thể trở về quê nhà Hy Lạp vì không có giấy tờ tùy thân, ông Kostas Sarantidis bị đưa vào trại tập trung tại Italy.
Đầu năm 1946, ông xin gia nhập đội quân lê dương Pháp và được điều tới Đông Dương theo "sứ mệnh" giải phóng các dân tộc tại đây khỏi phát-xít Nhật.
Tuy nhiên, ngay khi tới Sài Gòn năm 1946, ông Kostas Sarantidis đã bước vào ngã rẽ lớn nhất của cuộc đời mình.
Tận mắt chứng kiến những hành động tàn phá, giết chóc của quân đội xâm lược đối với những người dân Việt Nam vô tội, chàng thanh niên Hy Lạp trải qua những suy nghĩ dằn vặt đã mau chóng giác ngộ, quyết định lựa chọn con đường chính nghĩa.
Khi đóng quân tại Mũi Né, Bình Thuận, ông Kostas Sarantidis đã tìm cách bắt liên lạc với Mặt trận Việt Minh và xin gia nhập hàng ngũ kháng chiến chống Pháp.
Đầu tháng 6/1946, ông cùng một người lính lê dương khác tên là Merinos giải thoát cho 25 tù nhân chính trị và gia nhập hàng ngũ Việt Minh. "Món quà" ông mang theo là một khẩu súng trường và một khẩu súng máy.
Tại khu kháng chiến, ông được đặt tên Việt là Nguyễn Văn Lập và chính thức gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một trong những chiến sĩ quốc tế trong hàng ngũ Việt Minh.
Chiến đấu hết mình vì chính nghĩa
Trong 9 năm tham gia kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Văn Lập được giao nhiều nhiệm vụ trong các đơn vị quân chính quy Liên khu 5, có mặt trong nhiều trận chiến đấu ác liệt ở “khúc ruột miền Trung”.
Kề vai sát cánh bên những đồng đội tuy khác màu da nhưng cùng khát vọng chính nghĩa, ông Nguyễn Văn Lập đã lập nhiều chiến công hiển hách.
Ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, ông được giao công tác địch vận, phát thanh vào đồn địch, thu phục được 40 lính lê dương bỏ hàng ngũ của Pháp gia nhập Mặt trận Việt Minh, cứu sống 120 người bị địch bắt.
Ông cũng từng cùng đồng đội bắn rơi máy bay Morane, bắt sống 3 phi công Pháp ở gần ga Phú Cang (Quảng Nam). Trong trận chống địch càn quét ở Hương An-Bà Rén ngày 13/4/1948, chiến sĩ Nguyễn Văn Lập và đồng đội đã diệt gọn 200 lính địch, bẻ gãy cuộc càn quét.
Khi được điều về làm Tổng giám thị Trại tù binh Âu-Phi số 3 ở Quảng Ngãi, ông cũng hoàn thành tốt công tác cảm hóa tù binh để họ hiểu rõ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp và chính sách nhân đạo của Việt Nam.
Với hàng loạt chiến công xuất sắc, năm 1949, chiến sĩ Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Cấp bậc cao nhất của ông Nguyễn Văn Lập trong Quân đội Nhân dân Việt Nam là Đại tá.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tập kết ra Bắc và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Ông từng lái xe tải ở các mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng, làm phiên dịch cho chuyên gia Cộng hòa Dân chủ Đức ở nhà máy in Tiến Bộ và nhiều lần đóng các vai người Pháp, Mỹ trong một số bộ phim truyện Việt Nam.
Năm 1958, ông lập gia đình cùng cô gái Hà thành, bốn người con của ông lần lượt ra đời với những cái tên tiếng Việt đầy ý nghĩa: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga và Nguyễn Thị Tự Do.
Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác, tấm lòng trọn vẹn, thủy chung trước sau như một, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả của một chiến sỹ quốc tế, Anh hùng Nguyễn Văn Lập đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Hữu nghị.
Năm 2010, ông được Nhà nước chính thức công nhận quốc tịch Việt Nam, mang tên Nguyễn Văn Lập. Năm 2013, ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
“Hy Lạp là đất nước tôi, Việt Nam là Tổ quốc tôi”
Dù vô cùng gắn bó với Việt Nam nhưng để đáp lại ước nguyện của người mẹ già đã chờ đợi mình suốt 20 năm, năm 1965, ông Nguyễn Văn Lập rời Việt Nam về Hy Lạp.
Tuy không còn ở Việt Nam nhưng bằng cách này hay cách khác, ông luôn nỗ lực không ngừng để hỗ trợ Việt Nam và góp sức thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hy Lạp.
Tham gia Đảng Cộng sản Hy Lạp, ông Lập trở thành đầu mối giữa hai Đảng, hai Chính phủ và các cơ quan, đoàn thể, góp phần xây dựng, vun đắp mối quan hệ giữa hai nước, tình hữu nghị bạn bè giữa hai dân tộc.
Trải qua nhiều năm tận tụy làm công tác ngoại giao nhân dân và tâm huyết xây dựng cộng đồng người Việt tại Hy Lạp như một "Đại sứ tự nguyện", ông Nguyễn Văn Lập được bà con người Việt tại đây coi trọng, đánh giá cao như một vị “lãnh tụ” tinh thần của người Việt Nam tại Hy Lạp.
Lúc sinh thời, ông từng nói: “Cả đời tôi, thức dậy từ sáng đến tối, ngủ cũng vẫn mơ Việt Nam”.
Thật vậy! Ngôi nhà của ông ở thủ đô Athens chưa khi nào thiếu hình ảnh lá cờ Việt Nam phấp phới bay trong nắng, hòm thư báo trước cổng cũng được ghi cả tên tiếng Việt và tiếng Hy Lạp: Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập.
Trong nhà ông trưng bày đầy ắp kỷ vật, tranh ảnh về Việt Nam, nơi ông đã có một quãng đời trẻ trung, sôi nổi, cống hiến hết mình cho cách mạng, cho chính nghĩa.
Cũng trong ngôi nhà này, phong tục, tập quán của Việt Nam luôn được ông cùng vợ mình duy trì. Các con cháu ông đều có tên tiếng Việt và giữ gìn nền nếp sum họp, quây quần bên gia đình trong những ngày cuối tuần hay những dịp lễ, tết.
Ông Nguyễn Văn Lập luôn coi mình là người Việt. Đến suy nghĩ ông cũng nghĩ bằng tiếng Việt trước, tiếng Hy Lạp sau.
Khi đã gần đất xa trời, nằm trên giường bệnh, mong muốn lớn nhất của ông là con cháu giữ gìn, tiếp nối truyền thống yêu đất nước Việt Nam. Ông cũng từng nhấn mạnh trong cuốn hồi ký của mình rằng: “Hy Lạp là đất nước tôi, Việt Nam là Tổ quốc tôi”.
Trong những thước phim tài liệu, bà Bạch Tuyết (con gái ông) kể: “Năm 2013, sức khỏe bố tôi yếu rồi, bác sĩ khuyên đừng về Việt Nam. Nhưng bố tôi không đồng ý và nói, nếu bị ốm hãy để ông ở Việt Nam. Trước khi sang Việt Nam, bố tôi viết sẵn di chúc: Nếu có chết thì cũng nằm lại quê hương thứ hai”.
Trong lần cuối cùng trở về Việt Nam đó, hình ảnh người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Lập cúi đầu hôn lá cờ đỏ sao vàng một cách trân trọng, nâng niu khiến bất cứ ai xem cũng đều không khỏi xúc động.
Theo Đại sứ Việt Nam được bổ nhiệm tại Hy Lạp Lê Hồng Trường, tình yêu chân thành và sâu sắc với quê hương thứ hai của Anh hùng Nguyễn Văn Lập thật sự là tấm gương sáng cho mọi thế hệ hôm nay về lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
“Bác Lập đã ra đi, nhưng tôi tin rằng hình ảnh của một người Việt Nam da trắng yêu nước chân chính đã in dấu trong trái tim của hàng triệu người Việt. Quan hệ hữu nghị Việt Nam-Hy Lạp sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ dựa trên nền móng vững chắc mà bác Lập là người đi đầu kiến tạo”, Đại sứ Lê Hồng Trường nhấn mạnh.
Tối 25/6 (theo giờ Việt Nam), Anh hùng Kostas Saratidis Nguyễn Văn Lập đã từ trần, hưởng thọ 94 tuổi.
Ngày 29/6, tại thành phố Ritsona, Hy Lạp, lễ tang Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính.