Ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy trong Nghị viện châu Âu
Trang mạng Euractiv vừa đăng phân tích của nhà nghiên cứu người Đức Julian Rappold đánh giá những ảnh hưởng bên trong nghị trường châu Âu khi một liên minh cực hữu mới đang xuất hiện trong EP.
Nỗi sợ hãi khi nhìn thấy phe cánh hữu tăng lên ngày càng nhiều đã khiến số cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử EP đạt cao chưa từng có trong 20 năm qua.
Tuy nhiên, các đảng cánh hữu cực đoan và dân tộc chủ nghĩa đã giành được một số lượng ghế đáng kể trong Nghị viện châu Âu (EP). Tại Italy, Pháp, Ba Lan và Hungary, họ thậm chí còn chiếm đa số. Câu hỏi giờ đây là những đảng này sẽ có ảnh hưởng gì ở Brussels?
EP sẽ đón nhận một nhóm đảng mới có tên Liên minh các dân tộc và quốc gia châu Âu (EAPN), đảng do Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini thành lập nhằm tập hợp mặt trận dân tộc rộng lớn nhất có thể tại Brussels.
Mục đích là tạo ra một châu Âu của các đảng dân tộc chủ nghĩa. Vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc bầu cử EP, đại diện của liên minh này đã gặp nhau tại thành phố Milan của Italy và bày tỏ sẵn sàng tham gia vào đấu trường. Sự kiện này đã quy tụ hàng vạn người.
Hiện nay, các đảng dân túy cánh hữu trong EP được phân tán theo ba nhóm đảng khác nhau. Một trong số đó là nhóm châu Âu Tự do và Dân chủ trực tiếp (EFDD). Bị chi phối bởi đảng UKIP của Anh, nhóm đảng này có nguy cơ tan rã với sự ra đi của Vương quốc Anh.
Là một phần trong dự án của ông Matteo Salvini, nhóm EAPN mới sẽ được thành lập từ nhóm châu Âu của các Quốc gia và Tự do (ENF). Nó sẽ bao gồm 9 đảng (quy tụ tổng cộng 73 nghị sĩ), trong đó có AfD của Đức, Tập hợp Quốc gia Pháp, Flemish Vlaams Belang của Bỉ và Đảng Tự do Áo (FPÖ).
Nhóm đảng mới sẽ không có đảng cầm quyền PiS của Ba Lan vì bị từ chối và đảng Fidesz của Hungary - hiện đang ở trong đảng Nhân dân châu Âu (EPP). Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán vẫn có một vai trò nhất định. Ông vẫn là thành viên của nhóm chính trị EPP, mặc dù đảng Fidesz của ông đã bị đình chỉ tạm thời 3 tháng.
Có thể thấy ông Matteo Salvini và ông Viktor Orbán rất hợp nhau. Tháng 5/2019, Thủ tướng Hungary đã tiếp Bộ trưởng Italy tại Budapest và gọi ông là "anh hùng và người bạn đồng hành của định mệnh".
Tuy nhiên, ông Orbán đã không cam kết một cách chính thức với EAPN, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Julian Rappold thuộc Viện Chính sách Đối ngoại của Đức. Một lựa chọn khác cho ông Orbán là tham gia cùng người đồng cấp Ba Lan trong nhóm Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR).
Ông Rappold giải thích đối với thiểu số theo chủ nghĩa dân tộc, việc thành lập một nhóm như EAPN là có ý nghĩa. Bất cứ ai ngồi trong một nhóm nghị viện đều nhận được hỗ trợ tài chính bổ sung và quyền có các chức vụ quan trọng trong Nghị viện.
Ông tin rằng trong 5 năm tới, EU sẽ chứng kiến tình trạng rạn nứt trên một số chủ đề nhất định, điều này có thể dẫn đến những căng thẳng. Và sức mạnh bỏ phiếu toàn thể vì thế sẽ khá thấp. Theo nhà nghiên cứu này, các xung đột cũng có thể nảy sinh về vai trò của các nhà lãnh đạo trong nhóm.
EP sẽ có sự đồng thuận trong việc củng cố các quốc gia, cải cách EU và giới hạn các thẩm quyền quốc gia. Nhưng quan điểm về các vấn đề như nợ công, bảo vệ môi trường và các chính sách xã hội hay kinh tế sẽ khó tìm được sự nhất trí.
Italy ủng hộ việc bố trí người xin tị nạn trong tất cả các quốc gia thành viên, trong khi Chính phủ Ba Lan, Hungary và CH Czech phản đối mạnh mẽ. Đảng AfD gần đây đã chỉ trích chính sách tài khóa của Italy và theo đuổi các chính sách tự do - điều đã bị đảng Tập hợp Quốc gia của Chủ tịch Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen phản đối.
Vẫn còn phải xem các đảng này sẵn sàng đi xa đến đâu trong ý tưởng ra khỏi EU. Về điểm này, thậm chí không có sự đồng thuận trong các đảng chính trị ở cấp quốc gia. Khi các thành viên AfD kêu gọi "Dexit" trong chương trình tranh cử, hai nhà lãnh đạo đảng đã tách mình ra khỏi yêu cầu này.
Mặt khác, bất đồng giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc được phản ánh rõ nét trong hành vi của họ khi bỏ phiếu. Trong 5 năm qua, các nghị sĩ nhóm đảng ENF đã bỏ phiếu nhất trí chỉ trong 69% các trường hợp, theo VoteWatch. Những người thuộc tổ chức EFDD thậm chí chỉ bỏ phiếu nhất trí trong chưa đầy một nửa số trường hợp.
Để so sánh, nhóm Xanh Green/EFA trong EP đã bỏ phiếu nhất trí trong 95% trường hợp. Ngay cả khi EAPN và ECR giải quyết sự khác biệt của họ về một số vấn đề nhất định, các đảng này vẫn sẽ phải đối mặt với một liên minh đa số trung tâm thân châu Âu, mặc dù hai đảng lớn nhất trong Nghị viện là EPP và Đảng Xã hội và Dân chủ (S&D) đã mất rất nhiều ghế.
Các đảng trong EP không phải thành lập liên minh “cứng” và có thể hình thành đa số biến động theo các chủ đề. Đây được cho là một đặc trưng của thể chế này.
Ông Rappold nhận định sự hình thành liên minh chắc chắn sẽ ngày càng phức tạp hơn nếu một đa số với các nhóm khác nhau được tạo dựng và thường xuyên thay đổi. Vấn đề quan trọng là phải tạo ra được các cầu nối giữa các nhóm và điều đó sẽ làm chậm lại toàn bộ tiến trình.
Mọi sự chú ý hiện nay đều đổ dồn về các lãnh đạo quốc gia thành viên, những người sẽ chọn Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu. Xa khỏi ánh đèn sân khấu, những vị trí ít nổi tiếng hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng đang được phân bổ.
Dù sao chăng nữa, nhà nghiên cứu Rappold nhận thấy nguy cơ xung đột lớn hơn trong Hội đồng châu Âu, nơi các quốc gia thành viên có thể chặn các quyết định bằng cách sử dụng quyền phủ quyết./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/anh-huong-cua-chu-nghia-dan-tuy-trong-nghi-vien-chau-au/124855.html