Ảnh hưởng khó ngờ của luật cấm phá thai lên thể thao
Sự nghiệp thi đấu thể thao chuyên nghiệp tương đối ngắn. Với lệnh cấm phá thai mới, các nữ VĐV Mỹ lo ngại khả năng tham gia và sự nghiệp của họ càng gặp nhiều rào cản hơn.
Theo Amy Bass, giáo sư nghiên cứu thể thao tại trường Cao đẳng Manhattanville (Mỹ), các VĐV là người đưa ra quyết định về cơ thể của họ mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất, từ chọn cách thức tập luyện, tập với ai, ăn gì và mặc gì giúp đạt hiệu quả tối ưu.
Họ phải lên hoạch, chuẩn bị thời gian cho những quyết định “một cách hoàn hảo”, vì mùa giải và sự nghiệp của nghề VĐV chuyên nghiệp tương đối ngắn, với lịch thi đấu không phải do tự bản thân đưa ra.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà các VĐV là những người ủng hộ nhất cho việc giữ án lệ Roe v Wade. Sau phán quyết năm 1973 về vụ kiện Roe v. Wade, Mỹ trở thành một trong những nước đi đầu về hợp pháp hóa luật phá thai, với nhiều quốc gia khác cũng áp dụng quyền phá thai những thập niên sau đó.
Tuy vậy, với quyết định từ Tòa án Tối cao Mỹ ngày 24/6, nước này đã lật ngược một tiền lệ đã tồn tại 50 năm, qua đó cùng số ít quốc gia trên thế giới thắt chặt luật phá thai trong những năm gần đây.
Hơn 500 nữ giới thi đấu thể thao chuyên nghiệp đã nộp một bản tóm tắt về “niềm tin sâu sắc rằng nếu không có phán quyết Roe v Wade bảo vệ sự toàn vẹn cơ thể của phụ nữ, họ sẽ không thể đạt được mức độ tham gia và thi đấu thể thao thành công như hiện tại”.
Bản tóm tắt đề cập câu chuyện của VĐV bơi lội từng đoạt HCV Olympic Crissy Perham. Khi học Đại học Arizona, cô từng mang thai ngoài ý muốn. Sau khi chấm dứt thai kỳ đó, cô tập trung lại vào việc tập luyện, giành chức vô địch quốc gia đầu tiên và tiếp tục khoác áo đội tuyển Olympic Mỹ, mang về 3 huy chương.
Nữ cầu thủ bóng đá Megan Rapinoe là một trong những người đầu tiên phản ứng khi lệnh cấm phá thai được đưa ra. “Tôi nghĩ phán quyết mới quá tàn nhẫn”, Rapinoe vừa nói vừa khóc.
Các đội bóng thuộc giải đấu bóng đá nữ quốc gia cũng đưa ra những thông điệp phản đối. Gotham FC nhấn mạnh “quyền sinh sản là quyền con người", trong khi Racing Louisville chỉ ra rằng "những nữ giới muốn loại bỏ thai nhi sẽ buộc phải lái xe trung bình cả trăm km mới đến được cơ sở chăm sóc sức khỏe thích hợp".
Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia Mỹ giờ đây sẽ giám sát các đội thể thao tại những bang có ít hoặc không có quyền tiếp cận với các nguồn sức khỏe sinh sản.
Ở những tiểu bang cấm phá thai hoặc sẽ bị cấm, chắc chắn tỷ lệ mang thai trong số sinh viên đại học sẽ tăng lên. Với những người không muốn làm mẹ sớm, chắc chắn sẽ có những người đến những bang khác để tìm cách phá thai.
"Kể từ lệnh cấm phá thai được thông qua, cuộc sống của một sinh viên kiêm VĐV thể thao ở bang California sẽ khác xa với những người tương tự đang sinh sống ở phía đông nam nước Mỹ, nơi tất cả 14 trường học nằm tại các bang cấm phá thai.
Khả năng tiếp cận phá thai hiện là điều mà các phụ nữ trẻ có thể sẽ phải cân nhắc trước khi nhận học bổng, điều có thể là bước tiếp theo trong sự nghiệp thi đấu thể thao của họ", Bass bày tỏ.
Nữ cầu thủ Rapinoe muốn có nhiều người lên tiếng hơn, đặc biệt là từ các đồng nghiệp nam của cô. Một số cầu thủ bóng đá như LeBron James và Nick Sundberg đã đưa ra phản ứng mạnh mẽ với phán quyết mới, song vẫn chưa đủ.
"Hãy đứng lên và cất tiếng nói. Đó là vợ, là bạn gái, là em gái của anh, là mẹ của những đứa trẻ", Rapinoe nhấn mạnh.