Anh Huỳnh Hữu Thuận - Người cán bộ tâm huyết với mô hình IMO

ĐTO - Phong trào sử dụng men vi sinh vật bản địa (IMO) đang lan tỏa mạnh mẽ trên khắp địa bàn xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự chuyển biến tích cực của nông dân trong việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, thân thiện với môi trường. Phía sau thành công bước đầu của mô hình này có sự đóng góp không nhỏ của anh Huỳnh Hữu Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn, người tận tâm, sát cánh cùng bà con trong quá trình triển khai và phát triển mô hình du lịch IMO độc đáo...

Anh Huỳnh Hữu Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn (thứ 2 từ trái sang) thăm mô hình ủ phân của ông Nguyễn Văn Đức ở ấp Tân Phú, xã An Nhơn

Anh Huỳnh Hữu Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn (thứ 2 từ trái sang) thăm mô hình ủ phân của ông Nguyễn Văn Đức ở ấp Tân Phú, xã An Nhơn

Từ mô hình thí điểm đến phong trào rộng khắp

Tháng 8/2023, An Nhơn được chọn làm xã điểm triển khai mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất”. Nhận thấy tiềm năng và lợi ích to lớn của men IMO trong việc cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng và bảo vệ môi trường, anh Huỳnh Hữu Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn đã chủ động tham mưu Đảng ủy, UBND xã và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai mô hình.

Thời gian đầu, anh Thuận chọn những nông dân tâm huyết với mô hình sản xuất hữu cơ, vận động bà con làm điểm sử dụng IMO để ủ lục bình làm phân bón cho từng loại cây cụ thể như: nhãn, sầu riêng, mít... Với sự hướng dẫn tận tình của anh Thuận và các cán bộ nông nghiệp xã, huyện, sau một thời gian, mô hình mang lại kết quả vượt ngoài mong đợi. Những hộ thực hiện thí điểm mô hình giảm được khoảng 25% chi phí sản xuất nhờ việc sử dụng phân hữu cơ tự chế. Đáng chú ý là đất đai trở nên tơi xốp, màu mỡ hơn, cây trồng phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, năng suất tăng rõ rệt.

Từ những thành công bước đầu đã tạo động lực mạnh mẽ, lan tỏa phong trào sử dụng men IMO đến nhiều hộ nông dân khác trong xã. Theo đó, anh Thuận cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con cách ủ men IMO, cách sử dụng hiệu quả trên các loại cây trồng khác nhau. “Hội Nông dân xã mạnh dạn đề xuất huyện, xã hỗ trợ, trang bị cho Hội máy chiếu để chia sẻ kết quả của các hộ thực hiện mô hình đạt hiệu quả, đồng thời hướng dẫn cách làm phân hữu cơ cho các hội viên mới. Với hình thức trực quan này, ngày càng có nhiều nông dân nắm vững kỹ thuật, tự tin áp dụng men IMO vào sản xuất nông nghiệp”, anh Thuận cho biết.

Theo anh Thuận, đến nay, địa phương đã nhân rộng mô hình ra 7 ấp trên địa bàn, với khoảng 550 hộ tham gia, tương đương 100ha diện tích cây ăn trái của xã.

Các bạn trẻ từ TP Hồ Chí Minh tham quan mô hình ủ phân IMO bón trên cây nhãn của ông Lê Thành Lập (bìa trái), xã An Nhơn, huyện Châu Thành

Các bạn trẻ từ TP Hồ Chí Minh tham quan mô hình ủ phân IMO bón trên cây nhãn của ông Lê Thành Lập (bìa trái), xã An Nhơn, huyện Châu Thành

Hình thành mô hình du lịch IMO độc đáo

Với tiềm năng lớn từ mô hình, anh Huỳnh Hữu Thuận nhận thấy, quy trình ủ men IMO không chỉ mang lại lợi ích cho sản xuất nông nghiệp mà còn là sự trải nghiệm thú vị, độc đáo. Vì vậy, anh lên ý tưởng phát triển mô hình du lịch IMO và nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và bà con nông dân.

Ông Lê Thành Lập - nông dân xã An Nhơn, chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết áp dụng mô hình IMO để giúp cây trồng phát triển tốt. Sau khi được anh Thuận chia sẻ về mô hình du lịch IMO, tôi thực sự ngạc nhiên và thích thú. Việc du khách đến tham quan quy trình ủ men IMO, tự tay làm phân bón và trải nghiệm cuộc sống nông thôn vừa giúp tôi có thêm thu nhập, vừa quảng bá hình ảnh quê hương đến với nhiều người hơn”.

Đồng hành cùng mô hình du lịch IMO, anh Nguyễn Phạm Thụy Hoàng Dung - Đơn vị phát triển du lịch cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, qua tham quan thực tế mô hình cũng như dẫn nhiều đoàn khách đến đây tham quan, tôi thấy du khách đánh giá rất cao về loại hình du lịch này. Nếu địa phương kết hợp thêm lợi thế vườn cây ăn trái cùng các làng nghề xung quanh như làm heo đất, đan lục bình, lò gạch, tôi nghĩ sẽ tạo được một tour du lịch hấp dẫn du khách hơn nữa...

Theo anh Thuận, hiện trên địa bàn xã có 3 Tổ IMO và 1 Điểm sinh hoạt IMO kết hợp vườn dược liệu tại ấp Tân Phú. Trong năm 2024, các điểm này đón 432 lượt khách tham quan từ 9 đoàn, bao gồm cả đoàn cán bộ, hội viên Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh đến tham quan mô hình làm bột và chăn nuôi heo xử lý mùi hôi bằng IMO. Chia sẻ định hướng trong thời gian tới, anh Huỳnh Hữu Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhơn cho biết, địa phương sẽ củng cố, phát triển mô hình hiện có với mục tiêu nâng cao ý thức người dân về mô hình nông nghiệp sạch, cũng như tăng thu nhập từ các dịch vụ du lịch nông thôn...

MỸ NHÂN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/nong-nghiep/anh-huynh-huu-thuan-nguoi-can-bo-tam-huyet-voi-mo-hinh-imo-130447.aspx