Ánh mắt trẻ thơ

Ánh mắt của con trẻ tức giận cho rằng bị đối xử oan ức, bất công làm tôi không yên lòng nhưng không biết làm sao xoa dịu tâm hồn cháu. Mấy ngày sau, tôi nói dối với cháu là đã cho một người anh họ của nó hai chậu cây dừa, sau khi anh nó nộp tiền phạt và nghe một bài giảng về trách nhiệm công dân. Tôi không thể hạ mình xin xỏ vì không hề được thông báo là đã bị 'khiêng' hai chậu cây lúc ông cháu tôi vắng nhà.

Người lớn ơi! Hãy nhìn thật sâu vào những ánh mắt trẻ thơ để điều chỉnh hành vi của mình trong đời sống…

1

Tôi ngồi tất cả các buổi sáng Chủ nhật trong hai tháng liền ở một quán cà phê góc đường cách nhà tôi mấy dãy phố. Sáu mươi ngày này có chín ngày Chủ nhật. Quán cóc bình dân bán cà phê nhưng không biết trong thứ nước đen nhờ nhờ kia có bao nhiêu phần trăm cà phê và bao nhiêu phần trăm bắp, đậu nành rang cháy. Uống cà phê đâu vì cà phê ngon, dở mà còn “uống” cái không khí quán xá với chỗ ngồi quen thuộc thả tầm nhìn thân mật quanh cảnh vật, người qua đường hay “uống” chuyện tầm phào hổ lốn của những người khách quen mặt mà không biết tên, nghe bàn tán chuyện mới xảy ra trên đường tới quán hay chuyện cả trăm năm trước, chuyện trong thị trấn hay tuốt thủ đô các xứ bên kia bán cầu không cần kiểm chứng vì nghe tai này để lọt tai kia. Vậy mà cái không khí quán xá đó có lực hấp dẫn ghê gớm, mỗi sáng không ngồi quán khiến người ta cứ mường tượng nhớ nhung mơ hồ dù không biết là thiếu vắng cái ôn dịch gì.

Tôi thì khác. Tôi ngồi suốt các sáng Chủ nhật, không đi quán khác dù các chiến hữu rủ rê, dù tôi không hề là con nghiện say đắm ngồi quán vì thích thú ngâm ư ử câu thơ: “Sớm mai gió mát hiu hiu. Mua vài tờ vé số để chiều… xé chơi!”. Hình như những người ở phố xá càng thất nghiệp, càng thừa thãi thời gian, càng ngồi quán đông hơn và mua nhiều vé số hơn, với tâm thế: “Chiều nay ngươi sẽ biết tay ta - sau giờ xổ số!”.

Tôi không thế. Tôi ngồi ở đó vì bị ám ảnh bởi một ánh mắt. Buồn bã. Van nài. Cam chịu… Tôi không diễn tả được ánh mắt đã nhìn tôi vào sáng Chủ nhật đó. Ánh mắt của một cô bé. Tôi đang chăm chú vào màn hình điện thoại đọc tin tức thì cô bé đã đứng bên từ lúc nào. Khi tôi nhìn lên, thấy em lặng lẽ nhìn tôi. Ánh nhìn vừa cầu khẩn vừa nhen nhóm hy vọng.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Em mặc đồ học sinh, chỉ không quàng cái khăn đỏ. Tóc ngắn. Mặt xương. Tay cầm tập vé số. Em khẽ đưa tập vé số về phía tôi. Môi mấp máy. Hàng hóa trên tay đã tự giới thiệu, cần gì mời mọc? Tôi khẽ lắc đầu từ chối nhưng ánh mắt của em làm tôi đổi ý. Tôi lấy hai tờ vé số không chọn lựa. Lão thần tài ranh ma muốn đến với tôi cứ tìm đến chớ tôi biết gã trốn ở đâu mà truy tìm? Tôi trả tiền. Em lí nhí cảm ơn và đi qua bàn cà phê phía trong quán có đông người đang ồn ào cãi cọ. Lúc này tôi mới nhìn kỹ hơn, dáng em gầy guộc, nhỏ nhắn.

Đêm đó, trước khi tắt màn hình laptop, tôi nhớ đến hai tờ vé số. Tôi vào Google dò số và… trật lất. Không phải chỉ trật hai tờ mà tới ba tờ vé số. Tôi đã rút ba tờ vé số nhưng trả tiền em chỉ hai tờ, chắc là nó dính nhau mà tôi không coi kỹ. Và em bán vé số đã tin tưởng sự trung thực của tôi.

Chắc chắn em còn đi học, vào ngày Chủ nhật em đi bán vé số phụ giúp cha mẹ? Mỗi tờ vé số bán được em lời một ngàn. Mất một tờ nghĩa là em phải bán thêm mười tờ mới huề vốn. Tôi ân hận mãi về sự bất cẩn của mình nên mỗi sáng Chủ nhật sau đó tôi trở lại quán cà phê để mong gặp lại em. Tôi sẽ mua giúp vé số và trả lại số tiền tôi vô ý lấy cắp của em. Em không có vẻ là người bán vé số chuyên nghiệp, tôi nghĩ em chỉ đi bán vào ngày nghỉ học. Em đã bị cha mẹ la mắng, có khi còn bị đánh đòn vì sự bất cẩn của tôi.

Mỗi khi ra khỏi nhà, tôi liếc ngang liếc dọc hy vọng nhìn thấy bóng dáng em. Tôi tìm em qua bóng dáng các thiếu niên tay cầm tập vé số trong các quán giải khát, quán ăn, nơi tụ tập đông người nhưng thất vọng. Thị trấn có đông người bán vé số là người già, phụ nữ, người tàn tật nhưng rất mừng là các em thiếu niên không nhiều trong đội quân này. Ngày xưa, nghệ sĩ Trần Văn Trạch hát bài xổ số mỗi tuần một lần. Bây giờ, chắc chắn phải cần tới mấy chục ông nghệ sĩ như vậy để mỗi tỉnh mỗi chiều có người hát bài địa phương ca xổ số. Nghe đâu thử làm phép cộng doanh thu của các công ty xổ số cả nước người ta thấy cao vời vợi hơn doanh thu của nhiều đại tập đoàn kinh tế đầu tàu mũi nhọn; các công ty xổ số thu nạp lượng “công nhân” không phải trả lương, không phải trả bất cứ phụ cấp nào để lang thang ngoài đường cả ngày đông hằng hà sa số.

Ánh mắt của cô bé bán vé số làm tôi liên tưởng đến những bàn tiệc thừa mứa, những thất thoát tài sản quốc gia trong các đại án kinh tế, những số tiền kếch xù trong các cáo trạng xử kẻ tham nhũng được đọc trước tòa án…

2

Bên kia đường, xéo ngã tư, có một Viện Chó. Từ quán cà phê, nhìn căn nhà một trệt một lầu treo biển hiệu Viện Chó với hình vẽ một cái đầu chó lông xù, hai mắt long lanh tròn xoe làm tôi rất ngạc nhiên. Một sáng, tôi đã rời quán sớm hơn thường lệ để đến tận nơi nhìn cho rõ tấm biển hiệu. Thì ra, Viện Chó là nơi người ta làm các dịch vụ phục vụ giống vật nuôi bốn chân thân yêu của con người từ chữa bệnh, siêu âm, chụp X-quang, tiểu phẫu, làm đẹp… Tất nhiên, Viện Chó còn cung cấp hầm bà lằng thứ phục vụ… chó như thức ăn, thời trang, các loại thuốc bổ sung khoáng chất và không thiếu dây xích, rọ mõm ngừa chó “cẩu xực” lúc nó đổ quạu. Nơi đây còn là sàn giao dịch, mua bán các loại giống chó ngoại và là “trung tâm truyền giống chó ưu việt” - như câu quảng cáo trên biển hiệu.

Thời nay người ta thích cường điệu một gang thành bảy thước. Tiệm hay cửa hàng phục vụ loài chó mà thậm xưng thành Viện Chó để cho sang… “chảnh chó” chăng? Tôi dừng xe khá lâu để quan sát, tất nhiên không nhìn thấy những gì xảy ra bên trong cửa kính, chỉ thấy nhiều phụ nữ xinh đẹp dừng xe hơi, ôm con cún cưng của mình hay các thiếu nữ váy ngắn nhún nhảy với sợi dây dắt chó trên tay đẩy cửa bước vào bên trong Viện Chó.

Tôi chợt nhớ đến ánh mắt của một thằng bé. Nó là con của người đàn bà làm công việc dọn dẹp, lau nhà… Nghĩa là làm tất cả công việc không tên của chủ nhà yêu cầu trong một thời gian nhất định trong ngày. Hôm đó tôi đến nhà bạn theo hẹn trước nhưng bạn dở dang công việc nên ngồi đợi ở phòng khách. Thằng bé đặt cặp sách dưới mông ngồi ở bậc thềm đợi má nó xong việc. Nó chăm chú nhìn con chó ngoại lông xù cột ở gốc cây trong sân với ánh mắt mà tôi cảm nhận là rất lạ lùng. Con chó nhìn lại thằng bé một cách nghi ngờ, thỉnh thoảng nó nhe răng gầm gừ đe dọa.

Người bạn từ trên lầu nói vọng xuống nhờ tôi đóng cổng ngoài cho chị giúp việc. Thằng bé lễ phép chào tôi sau khi mang chiếc cặp nặng lên vai. Khi má nó đẩy chiếc cúp cũ qua khỏi cánh cổng, tôi nghe nó nói:

- Con chó được ăn thịt bò… Ngon quá!

Nó nói với má nó hay chỉ nói bâng quơ? Nhưng câu nói làm tôi hiểu ra ánh mắt lạ lùng của thằng bé khi nó nhìn con chó đang táp ngấu nghiến thức ăn: Ánh mắt thèm thuồng, ước ao… Tôi đã nghĩ là thằng bé nhìn chăm chú vì con chó có bộ lông đẹp đẽ; nhưng chắc chắn không phải, đó là ánh mắt thèm thuồng dán chặt vào tô thịt bò đầy ắp những miếng vuông vức.

Con chó đã không nghĩ như tôi, nó vừa ăn vừa gầm gừ cảnh giác vì hiểu là thằng bé muốn ăn tô thịt bò của nó?

3

Tôi sống với đứa cháu nội trai đang học lớp ba. Hai ông cháu rủ rỉ trong căn nhà cấp 4 trong khu phố có nhiều nhà cao tầng chễm chệ giành giật ánh nắng, không khí trong căn nhà khiêm tốn của ông cháu tôi. Mùa nóng? Cực ơi là cực! Một chút gió muốn đến xoa lưng trần đẫm mồ hôi của cháu tôi trong lúc chợp mắt nghỉ trưa trên nền gạch bông, chắc là gió phải len lỏi qua không biết bao nhiêu bức tường xi măng và mái bằng được nung hừng hực lửa nên không chút hy vọng gì làn gió là… gió mát như mong đợi!

Ánh mắt cháu tôi khi nó nhìn các cửa sổ ngôi nhà cao tầng cuối phố sao mà thương thế. Đầy ao ước! Đầy thèm khát! Không phải nó muốn ông nội nó giàu có để nó được ở nhà cao tầng mà nó ao ước và thèm khát ánh nắng chan hòa và làn gió mát. Tôi hiểu tâm tư của cháu mình nhưng lại bị ám ảnh bởi ánh mắt và câu hỏi của nó về một câu chuyện khác.

Tôi trồng hai chậu cây dừa nước kiểng đặt trước cổng. Mỗi sáng sớm, cháu tôi hứng hai thùng nước năm lít từ vòi nước ngay trong cổng để tưới hai chậu cây. Hai cây dừa được tưới tắm hàng ngày nên cành lá xum xuê xanh mướt một màu xanh mát dịu. Một trưa chở cháu học về, hai ông cháu tôi sững sờ vì hai chậu cây đã biến mất.

Một người hàng xóm cho biết chính quyền thị trấn đang mở chiến dịch làm đường thông hè thoáng và những người thừa hành đã chở hai chậu cây dừa nước của ông cháu tôi về “tạm giữ” ở trụ sở ủy ban. Cháu tôi buồn lắm. Nó đã chăm sóc hai chậu cây từ lúc mới mua ở vườn kiểng, đến nay đã được hơn hai năm. Nó đã xách bao nhiêu lần cái thùng năm lít nước để tưới cây, rồi bao lần xới đất vô phân để nuôi cây xanh tốt. Thỉnh thoảng, nó còn đứng ưỡn ngực bên chậu cây để ước tính cây lớn thêm được bao nhiêu.

Tôi an ủi cháu:

- Mai mốt rảnh rang, ông sẽ lên ủy ban xin hai chậu cây về cho cháu. Cùng lắm họ chỉ phạt chút đỉnh tiền… Không mất đâu mà cháu lo lắng!

- Cháu sợ họ bỏ, không tưới cây rồi cây chết khô…

Tôi định an ủi cháu cái cây thiếu nước vài ngày cũng không đến nỗi chết nhưng nó rơm rớm nước mắt rồi cất giọng rất hằn học, điều tôi chưa từng thấy ở cháu.

- Cháu thấy mấy nhà kia còn để nhiều chậu cây to hơn nhà mình, sao họ không lấy?

Ờ! Đúng là có nhiều nhà vẫn còn nguyên chậu cây đường kính to gấp hai, ba lần chậu cây của ông cháu tôi, đường kính lớn tất nhiên chậu cây “lấn” nhiều diện tích hè phố hơn. Tôi nhẩm tính: Đường kính chậu cây của cháu tôi sáu mươi centimet, lại để sát cổng thì hè phố bị “lấn” đáng xá gì? Nhưng tại sao nhà này bị lấy chậu cây còn nhà khác thì không?

Ánh mắt của con trẻ tức giận cho rằng bị đối xử oan ức, bất công làm tôi không yên lòng nhưng không biết làm sao xoa dịu tâm hồn cháu. Mấy ngày sau, tôi nói dối với cháu là đã cho một người anh họ của nó hai chậu cây dừa, sau khi anh nó nộp tiền phạt và nghe một bài giảng về trách nhiệm công dân. Tôi không thể hạ mình xin xỏ vì không hề được thông báo là đã bị “khiêng” hai chậu cây lúc ông cháu tôi vắng nhà.

Tôi nghĩ cháu đã quên chuyện này, nhưng… Một sáng tôi chở cháu đi ngang khu phố có nhiều biệt thự, đột ngột nó la lớn:

- Nội! Dừng xe đi nội!

Tôi tấp xe vào lề đường. Đây là khu dân cư mới hình thành sau ngày chỉnh trang thành phố.

- Ông coi mấy chậu cây khủng, cà…

Cháu chỉ tay. Lúc này tôi mới chú ý những bồn cây khủng mà cháu nói. Đó là những cái bồn đúc bằng xi măng cốt thép, mỗi bề rộng dài cả mét. Cây được trồng là loại bonsai cổ thụ uốn éo cành lá rất đỏm dáng. Tôi chỉ biết có hai loại cây là khế và me, còn các cây khác thì mù tịt. Cả một dãy bồn to tướng đặt dọc theo mặt tiền các biệt thự làm tăng thêm vẻ trưởng giả nơi chốn sinh sống của các chủ nhân chắc chắn là rất giàu có. Tôi biết cháu mình vẫn còn ấm ức chuyện hai chậu cây dừa nước bị khiêng lên xe của đội trật tự khi hai ông cháu vắng nhà, dù đã mấy lần xoa dịu cháu rằng đặt chậu cây trước cổng nhà dù cái chậu nhỏ, cũng là vi phạm. Bữa nay cháu muốn chứng minh là tôi sai bét?

Nó lý sự:

- Mấy cái bồn cây khủng đó lấn chiếm hết hè phố sao họ không bắt dẹp bỏ mà lấy mất hai chậu cây nhỏ xíu của mình?

Tôi đâm hoảng, ú ớ không biết trả lời cháu thế nào vì trong tâm hồn thơ ngây của cháu đã hằn sâu vết bẩn của sự bị đối xử bất công hay có thể nói là bị hiếp đáp mà người lớn gây ra cho cháu…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/anh-mat-tre-tho-i731485/