Anh nông dân làm Giám đốc vùng trồng dược liệu
Trở lại Mường Vi (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) một ngày nắng đẹp, chúng tôi đến thăm Hợp tác xã (HTX) Mường Kim để tìm hiểu về quy trình sản xuất các loại tinh dầu dược liệu của anh nông dân - Giám đốc Vàng Văn Sưởng, người đã và đang góp phần đưa cây dược liệu của huyện biên giới Bát Xát trở thành hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Mường Vi, cùng với việc ra đồng áng thì chàng trai Vàng Văn Sưởng có một niềm đam mê rất đặc biệt, đó là yêu thích mùi hương của những loại thảo dược trên rừng. Khi có dự án về bảo tồn và phát triển cây thuốc cổ truyền tại địa phương, anh Sưởng đã tình nguyện tham gia và công việc chính của anh là thống kê hiện trạng của tất cả các loại thảo mộc trên diện tích rừng tại 2 xã Mường Vi và Dền Thàng của huyện Bát Xát.
Vốn sẵn có niềm đam mê với cây cỏ, nên anh làm việc rất hăng say và nhiệt huyết. Cũng nhờ tham gia dự án, anh biết thêm nhiều loại thảo dược quý trên rừng và nhen nhóm ý tưởng chưng cất tinh dầu từ những loại thảo dược ấy. Được sự cổ vũ, động viên từ người thân, chính quyền, cộng với khát khao bảo tồn nguồn giống và đưa cây dược liệu trở thành hàng hóa, tạo thu nhập cho người dân trong làng, trong xã, thanh niên Vàng Văn Sưởng đã tìm đến những vùng trồng dược liệu nổi tiếng trên khắp mọi miền Tổ quốc để học hỏi kinh nghiệm, cùng với đó là sự hỗ trợ đắc lực về mặt chuyên môn của Trường Đại học Dược Hà Nội.
Anh Sưởng chia sẻ: “Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2012, với việc thành lập Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh các sản phẩm bản địa Mường Vi, ngành hàng chính là cung cấp ra thị trường các sản phẩm tinh dầu gừng tía (gừng tím), tinh dầu sả chanh, tinh dầu màng tang, tinh dầu chùa dù (kinh giới rừng)... Kinh doanh có lúc thua lỗ, rồi giải thể, thất vọng rồi lại hy vọng... Đó cũng chính là tiền thân của HTX Mường Kim hôm nay. 10 năm tuy chưa dài, nhưng đã tạo cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc, đó là niềm vui vỡ òa khi chưng cất thành công những giọt tinh dầu đầu tiên, là nỗi buồn ẩn giấu, ngậm ngùi chấp nhận khi không tìm được đầu ra cho sản phẩm... Với vai trò là người đứng đầu - Giám đốc HTX, mỗi khó khăn đi qua, bản thân tôi tự nhìn nhận, tự kiểm điểm để đưa ra những quyết sách phù hợp giúp HTX vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và tạo được vị thế trên thị trường”.
Hơn ai hết, Giám đốc Vàng Văn Sưởng ý thức được rằng, HTX muốn tồn tại và phát triển thì phải có nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định và bền vững. Vì vậy, HTX Mường Kim đã ký kết, hợp tác với các hộ dân trồng cây gừng tía tại 2 xã Mường Vi và Quang Kim, với diện tích 30ha, 3ha cây sả chanh tại xã Mường Vi. Đối với việc canh tác bền vững các loại cây khác như màng tang, chùa dù được HTX hướng dẫn cụ thể. Về vấn đề này, anh Sưởng cho hay: “Các thương lái Trung Quốc thường thu mua dược liệu của người dân theo hình thức tận diệt, chặt cả cây, nhổ cả gốc, nhưng với HTX Mường Kim, bản thân tôi và các thành viên khác trong HTX luôn tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu hoạch bền vững bằng cách tỉa cây, cắt cành để đảm bảo cây có thể tái sinh. Chúng tôi cũng khuyến khích bà con tiến hành đồng thời 2 việc là vừa đảm bảo cây dược liệu có thể tái sinh trong rừng tự nhiên, vừa đưa giống cây về trồng tại vườn nhà để góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu”.
Được sự ủng hộ của các thành viên HTX, anh đầu tư mở rộng diện tích nhà xưởng từ 200m2 lên 2.000m2, với 3 nồi chưng cất tinh dầu công suất 4 tấn nguyên liệu/ngày-đêm, mỗi năm chưng cất được từ 600-700 lít tinh dầu các loại. Nhờ vào chất lượng sản phẩm ưu việt, giá thành hợp lý, mẫu mã đẹp, sự năng nổ, nhiệt tình trong công việc, sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của Giám đốc HTX, cùng sự giúp sức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sản phẩm tinh dầu dược liệu của HTX Mường Kim đã được các công ty sản xuất dược phẩm uy tín tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng với số lượng lớn và cam kết hợp tác lâu dài.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy việc kinh doanh cây dược liệu trên địa bàn huyện Bát Xát còn rất nhiều tiềm năng, Giám đốc Vàng Văn Sưởng đã đưa thêm sản phẩm “Tắm - Xông hơi thảo dược Dao đỏ” vào danh mục kinh doanh và xuất bán ra thị trường. Nguồn nguyên liệu rất phong phú, các loại cây thuốc tắm đều mọc tự nhiên tại các khu vực đồi núi cao thuộc các xã Dền Sáng, Dền Thàng, Sàng Ma Sáo, Y Tý, Pa Cheo... Đây là sản phẩm được tạo nên từ bài thuốc lá tắm cổ truyền của người Dao đỏ Bát Xát và được thị trường đón nhận rộng rãi với sản lượng xuất bán từ 48-50 tấn/năm. Với việc kinh doanh tinh dầu dược liệu và sản phẩm thuốc tắm thảo dược, mỗi năm, HTX thu lãi 1,2 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất của HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 4,5-6,5 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho gần 100 lao động thời vụ trên địa bàn huyện. Từ thành công của HTX Mường Kim đã mở ra triển vọng phát triển cây dược liệu bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người nông dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tẩn Láo Ú, Chủ tịch UBND xã Mường Vi cho biết thêm: “Song song với việc đầu tư là kinh tế giỏi, Vàng Văn Sưởng còn là một trưởng thôn gương mẫu, được cấp ủy, chính quyền tin tưởng, nhân dân tín nhiệm. Trong thôn, trong xã, hộ nào thiếu giống, thiếu vốn sản xuất đều được đồng chí ấy hỗ trợ nhiệt tình và không lấy lãi. Đó là điều rất đáng quý”.
Ở tuổi 37, anh Sưởng có một cơ ngơi bề thế, một gia đình hạnh phúc, con trai anh cũng đang bắt đầu học kinh doanh từ chính mô hình HTX do anh làm Giám đốc. Khi được hỏi, tại sao anh lại không quen với cách được gọi là Giám đốc HTX, anh cười: “Mọi người cứ gọi tôi là nông dân như trước đây thì thấy quen hơn, nghe giản dị và gần gũi, chứ gọi là Giám đốc nghe xa lạ quá!”.
Với những đóng góp quan trọng của Giám đốc HTX Mường Kim, từ năm 2018 đến nay, anh Vàng Văn Sưởng vinh dự được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Trung ương, của tỉnh, của huyện. Gần đây nhất, anh được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là 1 trong 100 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.