Anh nông dân nuôi 'đặc sản' dân nhậu thích mê, nhẹ nhàng kiếm 1,6 tỷ đồng
Để ổn định kinh tế gia đình, nông dân Lê Văn Bình đã mạnh dạn vay mượn hơn 1 tỷ đồng để đầu tư nuôi loài đặc sản 'dân nhậu thích mê' và gặt hái thành công, thu về hơn 1,6 tỷ đồng.
Ở xã Đức Giang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh), nhắc đến trại nuôi chồn hương của nông dân Lê Văn Bình (SN 1974), hầu như ai cũng biết.
Từ 50 cặp chồn giống đầu tiên, đến nay anh Bình đã phát triển thành mô hình nuôi chồn lớn nhất huyện miền núi Vũ Quang với hơn 150 con giống.
Anh Bình cho biết, trước đây kinh tế của gia đình anh phụ thuộc vào nghề nông. "Làm nông nghiệp bấp bênh, không ổn định nên tôi nghĩ phải tìm một nghề khác để phát triển hơn. Năm 2021, người thân ở Hải Phòng đã hướng dẫn, tư vấn cho tôi phát triển nghề nuôi chồn hương", anh Bình nói.
Sau khi được chính quyền cấp phép hoạt động, anh Bình đã mạnh dạn vay mượn hơn 1 tỷ đồng để đầu tư chuồng trại rộng gần 500m2 và mua 50 cặp chồn giống đầu tiên để thả nuôi. Mỗi cặp chồn giống được anh Bình mua với giá 23 triệu đồng.
"50 cặp chồn giống có giá hơn 1 tỷ đồng nên khi mới đầu tư, tôi vô cùng lo lắng về sự thành bại của trang trại. Thời gian đầu, kinh nghiệm ít ỏi nên quá trình nuôi chồn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có sự giúp đỡ từ người thân và áp dụng tốt kỹ thuật nuôi tốt dần lên nên đàn chồn ngày càng sinh sôi, phát triển nhanh về số lượng.
Đến nay, chúng tôi đã trở thành địa chỉ cung cấp chồn giống uy tín của khách hàng trong và ngoài tỉnh", anh Bình chia sẻ với Vietnamnet.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chồn hương, chủ nhân trang trại nuôi chồn này cho biết, quá trình nuôi chồn, hệ thống chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông.
Khu vực nuôi chồn phải sạch sẽ. Người nuôi phải am hiểu đặc tính của loài, biết được đặc tính của từng con để có cách chăm sóc phù hợp, tránh để chồn nhiễm bệnh bởi trên thị trường hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh cho loài vật nuôi này.
Theo báo Hà Tĩnh, khu vực nuôi chồn được vợ chồng anh Bình thiết kế dạng lồng sắt cao khoảng 70 cm, rộng 1m2 tùy vào số lượng nuôi nhốt. Lồng sắt được bố trí trên giá đỡ cách nền từ 0,5m để chuồng được thông thoáng, tránh ẩm thấp và tiện vệ sinh chuồng trại.
Chuồng nuôi được phân chia thành các khu riêng biệt: khu nuôi cá thể, khu nuôi các cặp chồn vợ chồng... Tùy giai đoạn phát triển, sẽ nhốt chồn trong lồng theo tỷ lệ 1-2 hoặc nhiều con.
Thức ăn của chồn hương chủ yếu là chuối chín. Ngoài ra, còn bổ sung thêm thịt gà, cá sống và cám hữu cơ để tăng hàm lượng dinh dưỡng cho đàn chồn. Mỗi ngày, chồn được cho ăn hai lần vào buổi sáng và tối.
Một con chồn mẹ có thời gian mang thai 54 - 60 ngày, mỗi năm sẽ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 4 con. Hiện, chồn giống 8 tháng tuổi có giá trung bình từ 25 - 28 triệu đồng/cặp; đối với chồn nuôi lấy thịt thì khi chồn con nuôi khoảng 2 tháng có trọng lượng từ 0,6 - 1 kg là có thể bán với giá hơn 1,8 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại gia đình anh chỉ tập trung bán con giống.
"Chi phí nuôi chồn hương khá thấp trong khi giá bán lại cao và không tốn quá nhiều thời gian chăm sóc nên người nuôi sớm thu hồi vốn và cho lãi cao ở những lứa tiếp theo. Nhờ chăm sóc tốt nên trong năm 2023, vợ chồng tôi đã xuất bán được lứa chồn giống đầu tiên với 25 cặp, thu về hơn 600 triệu đồng. Còn từ đầu năm 2024 tới nay, gia đình đã bán được 40 cặp chồn giống, thu về hơn 1 tỷ đồng" - chị Quyên, vợ anh Bình phấn khởi cho biết.
Cũng theo chị Quyên, hiện nhu cầu thị trường về chồn giống và chồn thịt trên cả nước rất lớn, luôn trong tình trạng khan hiếm hàng. Từ nay đến cuối năm, nếu đàn chồn phát triển tốt, sinh sản đúng chu kỳ, vợ chồng chị dự kiến sẽ xuất bán được khoảng 30 cặp chồn giống nữa.
Mới đây, trang trại đã được anh Bình mở rộng diện tích lên gần 1.000m2, quy mô có thể nuôi khoảng 200 con chồn giống, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao cũng như nâng cao thu nhập cho gia đình.
Theo ông Trần Lê, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Vũ Quang, đây là mô hình nuôi chồn hương có quy mô bài bản và rất có triển vọng.
Ông Nguyễn Minh Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Đức Giang, đánh giá, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương.
"Chúng tôi đang vận động bà con đến tham quan, học hỏi, từng bước nuôi thử nghiệm khi có điều kiện nhằm góp phần phát triển kinh tế, lan tỏa phong trào khởi nghiệp trên địa bàn xã", ông Vinh nói.
Minh Hoa (t/h)