Anh - Pháp lần đầu hợp lực răn đe hạt nhân, gửi thông điệp đến Nga?

Động thái mới đánh dấu bước ngoặt trong hợp tác quốc phòng của hai cường quốc hạt nhân châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: Shutterstock

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ảnh: Shutterstock

Tờ Telegraph ngày 9/7 đưa tin, Anh và Pháp đã nhất trí lần đầu tiên phối hợp trong việc triển khai vũ khí hạt nhân nhằm bảo vệ châu Âu.

Tuyên bố được ký trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Anh, với sự tham gia của Thủ tướng Anh Keir Starmer. Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ “hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết” trong lĩnh vực răn đe hạt nhân.

Theo Telegraph, thỏa thuận này mở ra khả năng hai nước sẽ phối hợp triển khai tàu ngầm hạt nhân và chiến đấu cơ mang vũ khí hạt nhân trong trường hợp châu Âu gặp khủng hoảng an ninh.

Phát biểu sau lễ ký, ông Keir Starmer nói: “Từ xung đột ở châu Âu đến những nguy cơ hạt nhân mới và các cuộc tấn công mạng hằng ngày – những mối đe dọa mà chúng ta đối mặt đang gia tăng không ngừng. Là những đối tác thân thiết và đồng minh NATO, Anh và Pháp có lịch sử hợp tác quốc phòng lâu đời, và các thỏa thuận hôm nay đưa mối quan hệ ấy lên một tầm cao mới".

“Chúng tôi sẵn sàng tận dụng sức mạnh chung để nâng cao năng lực quốc phòng – chuẩn bị cho những thập kỷ phía trước, đồng thời hỗ trợ hàng nghìn việc làm tại Anh và giữ an toàn cho người dân chúng ta", Thủ tướng Anh nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey nhấn mạnh thỏa thuận này “gửi đi thông điệp rõ ràng tới các đối thủ rằng chúng tôi mạnh hơn khi sát cánh cùng nhau”.

Cảnh báo gửi tới Moscow?

Ông Macron đứng cạnh tàu ngầm hạt nhân Pháp Suffren. Ảnh: AFP

Ông Macron đứng cạnh tàu ngầm hạt nhân Pháp Suffren. Ảnh: AFP

Thỏa thuận giữa Anh - Pháp diễn ra sau khi The Telegraph tiết lộ rằng Pháp cũng sẵn sàng triển khai chiến đấu cơ mang vũ khí hạt nhân tới Đức – động thái nhằm khẳng định cam kết bảo vệ châu Âu.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã kêu gọi Anh và Pháp mở rộng lá chắn hạt nhân cho các đồng minh châu Âu, giữa lúc xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đang dần “mất hứng thú” với an ninh của châu Âu.

Từ lâu, Mỹ đã bảo đảm an ninh cho lục địa già bằng kho vũ khí khoảng 100 đầu đạn hạt nhân, trong đó nhiều quả được đặt tại căn cứ không quân của Mỹ ở Đức. Tuy nhiên, lo ngại đang gia tăng về việc kho vũ khí này có thể bị thu hẹp trong tương lai, khi Washington tập trung vào Trung Quốc và ông Trump gây áp lực buộc châu Âu phải tự trả chi phí phòng thủ.

Hiện tại, Anh sở hữu khoảng 225 đầu đạn hạt nhân, trong khi Pháp có khoảng 290 – so với con số gần 6.000 của Nga, theo ước tính của Viện Chatham House. Kho răn đe của Pháp bao gồm tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay, còn Anh duy trì khả năng răn đe liên tục bằng việc luôn có ít nhất một tàu ngầm lớp Vanguard mang tên lửa Trident hoạt động trên biển.

Các bộ trưởng Anh cũng công bố kế hoạch mua thêm tiêm kích tàng hình F-35A có thể mang bom hạt nhân do Mỹ sản xuất.

Thông điệp trấn an đồng minh

Giới chuyên gia nhận định tuyên bố mới giữa Anh và Pháp nhằm gửi tín hiệu trấn an tới các nước châu Âu rằng hai quốc gia này sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ lục địa.

Ông William Alberque – chuyên gia tại Diễn đàn Thái Bình Dương và từng làm việc trong chính phủ Mỹ về chính sách hạt nhân – cho biết: “Đây là lần đầu tiên Pháp đồng ý phối hợp kế hoạch hạt nhân song phương – điều mà họ chưa từng làm với bất kỳ quốc gia nào trước đó".

“Dù trước đây Paris từng úp mở khả năng này, nhưng đây là tuyên bố rõ ràng và chắc chắn nhất từ trước đến nay về việc họ sẵn sàng đóng vai trò răn đe hạt nhân cho phần còn lại của châu Âu", ông Alberque nói thêm.

Ông Lukasz Kulesa – chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) – nhận định: “Đây rõ ràng là tín hiệu gửi tới Nga và các đối thủ tiềm tàng khác rằng Anh và Pháp sẵn sàng cân nhắc phản ứng hạt nhân trong trường hợp bị tấn công – không chỉ nếu nạn nhân là hai nước này, mà còn mở rộng ra cả châu Âu".

“Chúng ta cần chờ thêm để xem mức độ hợp tác, nhưng việc phối hợp hoạt động, ví dụ như của các lực lượng tàu ngầm chiến lược trong khủng hoảng, là hoàn toàn có thể xảy ra", ông Kulesa nói thêm.

Theo Vietnamdaily

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/anh-phap-lan-dau-hop-luc-ran-de-hat-nhan-gui-thong-diep-den-nga-post315892.html