Ánh sáng từ bi lan tỏa từ Đại lễ Phật đản tại Indonesia

Với không khí trang nghiêm và đầy cảm hứng, Đại l ễ Phật đản 2025 do Hội Thanh niên Phật tử Indonesia (Young Buddhist Association of Indonesia - YBAI) tổ chức đã chính thức khai mạc vào ngày 7-5 tại Trung tâm Thương mại Tunjungan Plaza 3, thành phố Surabaya, đảo Java.

Sự kiện năm nay mang ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu chặng đường 10 năm hình thành và phát triển của một trong những lễ hội Phật giáo có quy mô lớn nhất tại Indonesia, đồng thời là dịp để tôn vinh những giá trị từ bi và trí tuệ của đạo Phật trong thời kỳ hiện đại.

Điểm nhấn đặc biệt thu hút sự chú ý của công chúng chính là tượng Phật nổi có chiều dài 8,34 mét, tác phẩm được Bảo tàng Kỷ lục Indonesia (MURI) ghi nhận là tượng Phật nổi lớn nhất từng được chế tác tại quốc gia này. Bức tượng được thực hiện bởi các nghệ nhân đến từ Bali, tái hiện hình ảnh Đức Phật cùng Hoàng hậu Māyā trong một biểu tượng sâu sắc về tình mẫu tử và lòng từ bi. Thiết kế của bức tượng mô tả Đức Phật đang trao cho mẫu thân mình đóa sen, một hình ảnh tượng trưng cho sự thanh tịnh và giác ngộ. Theo ông Herman Pranata, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Phật đản 2025, đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là thông điệp tinh thần mạnh mẽ gắn liền với chủ đề năm nay: “Ánh sáng của Từ bi - Dẫn lối thế hệ tương lai”.

Đông đảo chư Tăng tham dự

Đông đảo chư Tăng tham dự

YBAI, với vai trò là tổ chức thanh niên Phật giáo hàng đầu tại Indonesia, đã không ngừng nỗ lực lan tỏa thông điệp từ bi, trí tuệ và giải thoát của Đức Phật đến giới trẻ. Thông qua việc khuyến khích lối sống tích cực và thành lập nhiều tổ chức Phật giáo trên khắp đất nước, YBAI đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng một thế hệ trẻ đầy lòng biết ơn, có lý tưởng và hướng thiện. Lễ hội Phật đản hàng năm do YBAI chủ trì là kết quả của sự hợp tác với hơn 30 cộng đồng sinh viên Phật tử đến từ các trường đại học khắp Indonesia, tạo nên một nền tảng hòa hợp nhằm quảng bá các giá trị Phật giáo phổ quát như lòng từ bi, trí tuệ và hòa bình đến đông đảo cộng đồng xã hội.

Bên cạnh lễ hội tại Surabaya, YBAI cũng sẽ tổ chức các hoạt động Phật đản tại thủ đô Jakarta từ ngày 15 đến 18-5, và tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng của lễ hội đến nhiều tầng lớp công chúng. Theo ông Pranata, năm nay mang ý nghĩa đặc biệt không chỉ vì là cột mốc kỷ niệm 10 năm mà còn vì chủ đề của lễ hội mang tính thời sự và nhân văn sâu sắc, trong bối cảnh xã hội hiện đại đang đối mặt với nhiều thách thức như khủng hoảng môi trường và sức khỏe tâm thần. “Qua chủ đề từ bi, chúng tôi mong muốn định hướng cho thế hệ tương lai và chuyển tải các thông điệp sâu sắc giữa những thách thức trong xã hội hiện đại”, ông chia sẻ.

Trong khuôn khổ lễ hội kéo dài sáu ngày, khách tham quan được thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật và văn hóa phong phú như múa lân, múa rối potehi, múa sawung, hòa tấu cổ cầm, cùng với các tiết mục đến từ trường chủ nhật và các tự viện Phật giáo tại Surabaya và Jakarta. Ngoài ra, còn có các buổi hội thảo và hoạt động tương tác như thiền định có hướng dẫn dưới sự dẫn dắt của Đại đức Karunasilo và Thượng tọa Nyanasila Thera, thực hành thư pháp Trung Hoa với nghệ sĩ Nerissa Arviana, và nghi thức trẻ em rửa chân cho cha mẹ – một biểu tượng đầy ý nghĩa về lòng hiếu thảo.

Lễ hội cũng bao gồm các nghi lễ Phật giáo truyền thống như khất thực (Pindapata), cùng với đại lễ cúng dường Tăng đoàn (Sanghadana) có sự tham dự của hơn 48 vị Tăng. Đêm 12-5, lễ hội đã khép lại với một nghi lễ mừng Phật đản vào lúc nửa đêm.

Tượng Đức Phật trao đóa sen cho Thánh mẫu Maya trong không gian lễ hội

Tượng Đức Phật trao đóa sen cho Thánh mẫu Maya trong không gian lễ hội

Với mong muốn thể hiện tinh thần từ bi không chỉ trong giáo pháp mà còn trong hành động, YBAI đã khởi xướng chương trình trách nhiệm xã hội nhằm quyên góp hỗ trợ công cuộc phục hồi các tự viện và học viện Phật giáo tại Myanmar bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh xảy ra vào tháng 3. Toàn bộ nguồn kinh phí sẽ được chuyển đến thông qua Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC), điều này thể hiện sự kết nối và sẻ chia vượt qua biên giới quốc gia.

Ông Supriyadi, Tổng cục trưởng Hướng dẫn Cộng đồng Phật giáo thuộc Bộ Tôn giáo Indonesia, đã bày tỏ sự trân trọng đối với nỗ lực của YBAI trong việc đưa tinh thần của Phật giáo ra không gian công cộng. “Sự dũng cảm và cam kết của YBAI trong việc tổ chức các hoạt động Phật giáo công khai là điều đáng khen ngợi. Hy vọng rằng mọi người đều có thể nhận được phúc lành từ sự kiện này”, ông nói.

Indonesia là nơi giao thoa của nhiều cộng đồng tín ngưỡng và tôn giáo. Theo số liệu quốc gia năm 2024, Hồi giáo là tôn giáo chiếm đa số với 87,1% dân số, tiếp theo là Kitô giáo với tổng cộng 10,5%, Ấn Độ giáo chiếm 1,7%, trong khi Nho giáo, tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo khác chiếm tổng cộng 0,07%. Phật giáo, với khoảng 0,7% dân số – tương đương hai triệu người.

Lịch sử ghi nhận Phật giáo bắt đầu phát triển tại quần đảo này từ thế kỷ thứ VI, với sự phát triển thịnh vượng của các vương triều Phật giáo như triều đại Shailendra (thế kỷ VIII–XIX), đế chế Srivijaya (thế kỷ VII–XII), và vương quốc Mataram (thế kỷ VIII–XI). Ngày nay, đa số Phật tử Indonesia theo truyền thống Đại thừa, tuy nhiên vẫn tồn tại các cộng đồng hành trì theo truyền thống Nam truyền và Kim cang thừa.

Phổ Tịnh tổng hợp/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/anh-sang-tu-bi-lan-toa-tu-dai-le-phat-dan-tai-indonesia-post75925.html