Ánh sáng từ phía đại ngàn…

Lệ Thủy là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống, tập trung ở các xã Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy. Để giúp người dân vùng biên viễn này có cuộc sống tốt đẹp hơn, huyện đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu quan trọng. Qua đó, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng miền núi mà còn tạo 'đòn bẩy' để huyện Lệ Thủy giảm nghèo nhanh, bền vững…

Công trình rộng mở tương lai…

Từ TP. Đồng Hới, dự định ban đầu của chúng tôi là sẽ thực hiện ngay chuyến hành trình vào bản Bạch Đàn, vì trước đây, muốn vào bản phải mất gần cả buổi sáng đi bộ mới tới nơi. Bởi những ái ngại đó, nên điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là trụ sở UBND xã Lâm Thủy. Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy Hoàng Lý dành cho chúng tôi sự đón tiếp chu đáo bằng những chia sẻ về công tác xây dựng Ðảng, củng cố hệ thống chính trị; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh; phát triển KT-XH…

Lâm Thủy là xã biên giới vùng cao, xuất phát điểm thấp, dân cư phân bố rải rác; việc ứng dụng khoa học vào sản xuất còn hạn chế; hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới còn chiếm tỷ lệ khá cao (hơn 43%); trình độ nhận thức của người dân có mặt còn hạn chế, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn chưa được khắc phục triệt để, điều này gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương…

Công trình cầu Hà Lẹc (xã Kim Thủy) đang được đầu tư xây dựng, mở hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Công trình cầu Hà Lẹc (xã Kim Thủy) đang được đầu tư xây dựng, mở hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nói về bản Bạch Đàn, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy hồ hởi: “Giờ vào bản Bạch Đàn chỉ mất tầm 15 phút! Cuối năm vừa qua, đường vào bản đã được làm hoàn chỉnh. Có đường, bản Bạch Đàn không xa ngái như trước…”.

Đúng như lời anh Hoàng Lý, vào bản Bạch Đàn bây giờ dễ dàng hơn, đường đã được bê tông thông thoáng, không như những năm trước phải lội qua 9 khe suối mới vào được bản. Đi cùng chúng tôi vào bản Bạch Đàn có thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy. Trong câu chuyện với thầy Tình, được biết, ở bản Bạch Đàn, hơn một thập kỷ trước còn nhiều khó khăn. Bởi, không có đường, trường, trạm. Người già, trẻ con phần lớn không đọc thông, viết thạo; việc huy động trẻ đến lớp đúng độ tuổi rất khó khăn; đặc biệt là khi người dân đau ốm, bệnh tật phải di chuyển về xã, trung tâm huyện…

Hôm chúng tôi lên, bản Bạch Đàn đang vào vụ gặt lúa hè-thu, ở một góc chân núi đâu đó rộn vang tiếng nói cười của các mế, các chị Bru-Vân Kiều. Như lời Trưởng bản Hồ Văn Nhăng, bản Bạch Đàn năm nay được mùa lúa, đạt gần 2 tạ/sào. Bây giờ, diện mạo bản đổi thay hoàn toàn khi tuyến đường với vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng nối trung tâm xã được xây dựng và hoàn thiện.

“Từ khi có đường, dân bản mình thuận lợi lắm, đặc biệt là việc đi lại của người dân, con em trong bản ra trung tâm xã học và khám, chữa bệnh. Rồi đến, giao thương buôn bán với các thương lái trong và ngoài tỉnh. Cả bản có 59 hộ, nhưng đã khai hoang đất và trồng được hơn 100ha sắn. Nay, có đường bê tông, thương lái đi cả xe ô tô vào tận bản để thu mua sắn cho bà con…”, Trưởng bản Hồ Văn Nhăng phấn khởi.

Từ bản Bạch Đàn, chúng tôi ngược ra bản Hà Lẹc, xã Kim Thủy. Trước đây, dù bản chỉ cách trung tâm xã hơn 4km, nhưng để vào được Hà Lẹc phải rất vất vả vì đường giao thông cách trở, khó đi. Bản có 61 hộ với hơn 200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Bru-Vân Kiều.

Nhà Hồ Nhiều, Trưởng bản Hà Lẹc hơn 10 năm trước nằm sát ngay bên cạnh con suối. Mỗi khi mùa mưa bão đến, bởi quá khó khăn đi lại và sản xuất, nên gia đình Hồ Nhiều chuyển nhà ra cạnh con đường mới vào bản. Tháng 4/2024, công trình cầu Hà Lẹc có chiều dài 57m và đường hai đầu cầu có chiều dài 113m với tổng vốn đầu tư 7 tỷ đồng được khởi công xây dựng đã mở ra “lối thoát” về hạ tầng thiết yếu không chỉ cho người dân bản Hà Lẹc mà còn có một cụm dân cư của bản An Bai với hơn 50 hộ dân…

Bà con xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) thu hoạch lúa hè-thu.

Bà con xã Lâm Thủy (Lệ Thủy) thu hoạch lúa hè-thu.

“Việc xây dựng các công trình thiết yếu, nhất là cầu Hà Lẹc giúp dân bản giải quyết được những khó khăn trong mùa mưa bão, phát triển sản xuất, tạo vùng di dân ở các vùng nguy hiểm; đồng thời giúp người dân được giao lưu, tiếp cận với những cách thức phát triển kinh tế hiệu quả trong xã, trong vùng, nâng cao dân trí, giảm nghèo, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân...”, Trưởng bản Hà Lẹc cho hay.

“Đòn bẫy” giảm nghèo nhanh, bền vững

Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy Võ Minh Hải khẳng định rằng, hiện, bộ mặt vùng ĐBDTTS ở địa phương đã có nhiều khởi sắc. Tuy vậy, KT-XH phát triển còn chậm, nhiều mặt còn lạc hậu; trình độ, năng lực sản xuất thấp; kinh tế hàng hóa chưa phát triển; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao; kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững…

Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy Đỗ Trung Quân cho biết: “Những công trình, dự án được đầu tư tại vùng ĐBDTTS ở địa phương, bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực-đó là đã tạo nên một diện mạo mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tạo điều kiện giao thương thuận lợi, phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển toàn diện về KT-XH, quốc phòng, an ninh trên vùng biên giới…”.

“Xác định tầm quan trọng của công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu là bảo đảm nhu cầu phát triển KT-XH cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng ĐBDTTS, đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lệ Thủy đã tranh thủ các nguồn lực tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, các cầu dân sinh, nhà văn hóa, trường học, qua đó, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, làm việc, sinh hoạt văn hóa, học tập, chữa bệnh cho nhân dân…”, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy thông tin.

Theo đó, đến nay, huyện Lệ Thủy đầu tư, xây dựng 37 công trình giao thông nông thôn, 12 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 công trình trường, lớp học, 3 công trình thủy lợi… với tổng vốn đầu tư trị giá 171 tỷ đồng. Nhờ vậy, 100% xã có đường ô tô rải nhựa hoặc bê tông đến trung tâm; đường ô tô vào đến 100% thôn, bản; 100% xã vùng ĐBDTTS và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên…

Hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp được đầu tư khá đồng bộ. Nhiều diện tích lúa đã chủ động tưới tiêu, giảm dần phụ thuộc vào thời tiết. Từ đó, bà con mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tích cực đưa các loại giống mới có năng suất cao hơn vào sản xuất. Ngoài ra, bà con còn tận dụng các bãi ven khe, suối, cải tạo vườn để phát triển cây hoa màu, trồng các loại cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho thu nhập khá....

Ngọc Hải

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202409/anh-sang-tu-phia-dai-ngan-2220918/