Anh và Việt Nam ký hợp tác về triển khai Quỹ đa dạng sinh học khu vực hạ lưu sông Mekong

Thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ triển khai các hoạt động của Quỹ cảnh quan đa dạng sinh học ở khu vực hạ lưu sông Mekong tại Việt Nam, hướng tới giảm tình trạng mất đa dạng sinh học cũng như giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh Thérèse Coffey ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ về hỗ trợ triển khai Quỹ cảnh quan đa dạng sinh học. Ảnh: Bộ NN&PTNT

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh Thérèse Coffey ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ về hỗ trợ triển khai Quỹ cảnh quan đa dạng sinh học. Ảnh: Bộ NN&PTNT

Chiều 12/4, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã có buổi hội đàm song phương với bà Thérèse Coffey, Bộ trưởng Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh và Bắc Ireland đang có chuyến thăm Việt Nam từ 12/4 - 13/4.

Tại hội đàm, hai Bộ trưởng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ về hỗ trợ triển khai Quỹ cảnh quan đa dạng sinh học. Thỏa thuận hợp tác được ký kết nhằm hỗ trợ triển khai các hoạt động của Quỹ cảnh quan đa dạng sinh học ở khu vực hạ lưu sông Mekong tại Việt Nam.

Quỹ cảnh quan đa dạng sinh học là quỹ thuộc chính phủ Vương quốc Anh, có ngân sách 100 triệu bảng Anh. Ba quốc gia được nhận tài trợ từ quỹ gồm Campuchia, Lào và Việt Nam, thời gian tài trợ từ năm 2023 - 2029. Việt Nam sẽ được nhận một khoản viện trợ tối thiểu là 25 triệu bảng Anh (khoảng hơn 720 tỷ đồng).

Mục tiêu của Quỹ là giúp Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu giảm nghèo; giảm tình trạng mất đa dạng sinh học cũng như giảm các tác động của biến đổi khí hậu ở quy mô địa phương và xuyên biên giới.

Hợp tác hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về Đa dạng sinh học (CBD), Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs), Kế hoạch của Liên Hợp Quốc về Rừng giai đoạn 2017 - 2030 và các thỏa thuận khu vực và liên khu vực có liên quan khác.

Sự kiện này được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn lực quan trọng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực hạ lưu sông Mekong nói riêng và Việt Nam nói chung.

Các hoạt động và mục tiêu chính của quỹ gồm tạo ra các cơ hội về kinh tế thông qua việc đầu tư vào thiên nhiên hỗ trợ thích ứng và tăng cường tính chống chịu với khí hậu và giảm nghèo; giảm tốc độ, ngăn chặn hoặc đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học ở 6 khu vực đa dạng sinh học quan trọng trên toàn cầu; giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ bể chứa carbon tự nhiên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về Quỹ đa dạng sinh học là hoạt động mở đầu cho việc hiện thực hóa Biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa hai Bộ vào tháng 11/2022. Ảnh: Bộ NN&PTNT

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về Quỹ đa dạng sinh học là hoạt động mở đầu cho việc hiện thực hóa Biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa hai Bộ vào tháng 11/2022. Ảnh: Bộ NN&PTNT

Tại buổi lễ ký kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về Quỹ đa dạng sinh học là hoạt động mở đầu cho việc hiện thực hóa Biên bản ghi nhớ đã ký kết giữa hai Bộ vào tháng 11/2022. Đây là một những lĩnh vực hợp tác mới, có ý nghĩa rất lớn đối với mối quan tâm của các nước trong khu vực và toàn cầu.

Bộ NN&PTNT cam kết sẽ bố trí nguồn lực thích hợp và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp, tổ chức thực hiện Quỹ đa dạng sinh học hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sự mong đợi của cả hai bên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định sẽ chỉ đạo và thành lập Ban chỉ đạo để phối hợp với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương Quốc Anh triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ theo đúng cam kết giữa hai Bộ.

Về phần mình, bà Thérèse Coffey chia sẻ, việc ký kết biên bản ghi nhớ này là bước đi quan trọng mang ý nghĩa toàn cầu. Đồng thời, cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn thông qua các đối tác của mình để hỗ trợ, tăng cường và xây dựng năng lực chính sách, quy định hoặc pháp lý của Bộ NN&PTNT liên quan đến các nội dung nêu trên, bên cạnh việc hỗ trợ thiết lập quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và các chủ thể khác.

Ngày 13/4, dự kiến đoàn công tác của hai Bộ sẽ đi thăm và làm việc với các Trung tâm Giáo dục Thú ăn thịt và Tê tê, Trung tâm bảo tồn Rùa và Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp tại Vườn quốc gia Cúc Phương để tiếp tục trao đổi về những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam trong thời gian qua cũng như định hướng hợp tác trong thời gian tới.

Bình An

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/anh-va-viet-nam-ky-hop-tac-ve-trien-khai-quy-da-dang-sinh-hoc-khu-vuc-ha-luu-song-mekong-post20327.html