Áo dài trong dòng chảy công nghiệp văn hóa

Áo dài chứa đựng bề dày lịch sử, quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc, và từ lâu đã trở thành 'quốc phục' trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam.

Phụ nữ Việt Nam trong trang phục áo dài hoa sen tại Lễ hội Sen Hà Nội 2024.

Phụ nữ Việt Nam trong trang phục áo dài hoa sen tại Lễ hội Sen Hà Nội 2024.

Bởi thế mà trong nhiều năm nay, đã có không ít hoạt động quảng bá, đưa áo dài trở thành trang phục thường ngày và giới thiệu đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Thế nhưng việc công nhận áo dài là di sản quốc gia vẫn chưa có tín hiệu phản hồi, khi trước đó đã có nhiều cuộc thảo luận. Việc “định danh” áo dài sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược dài hơi trong việc quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

Miệt mài với quảng bá

Nhìn lại lịch sử, áo dài đã có một vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Nó không ngừng phát triển và ngày càng hoàn thiện với những giá trị riêng có. Áo dài đã trở thành biểu tượng trang phục của nền văn hóa Việt Nam. Mỗi người Việt dù ở trong hay ngoài nước khi mang trên mình chiếc áo dài thì đều tự hào về ý nghĩa thiêng liêng, về bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc.

Từ những ý nghĩa tốt đẹp đó, nhiều năm trở lại đây, các tỉnh, thành phố đã và đang rất tích cực trong việc tổ chức các chương trình, sự kiện, xây dựng đề án để quảng bá áo dài Việt Nam; đưa trở lại cuộc sống những chiếc áo dài xưa; tôn vinh nét đẹp của áo dài hôm nay...

Mới đây, trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024 lần thứ nhất (từ ngày 12 đến 16/7), UBND quận Tây Hồ và Câu lạc bộ Di sản Áo dài thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc diễu hành của hơn 1.000 người, tương ứng với hơn 1.000 tà áo dài đủ màu sắc gắn với họa tiết hoa sen, đã xác lập kỷ lục “Số người mặc áo dài truyền thống họa tiết hoa sen nhiều nhất Việt Nam”.

Nhắc đến quảng bá áo dài trong những năm qua không thể không nhắc đến điểm sáng Thừa Thiên Huế. Bằng nhiều việc làm và hành động cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế đang hiện thực hóa các nội dung trong Đề án "Huế - Kinh đô Áo dài".
Mục tiêu của đề án này là đến năm 2025, tỉnh sẽ hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ; Tổ chức định kỳ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế; Xây dựng được bộ truyền thông về áo dài Huế; Tạo lập và quản lý nhãn hiệu "Huế - Kinh đô Áo dài"; Hình thành 1 sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế... Hiện Huế đang trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hồ sơ công nhận “Nghề may đo áo dài và Tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quy định.

Còn tại TPHCM, Lễ hội Áo dài được tổ chức lần đầu năm 2014, đến nay đã trở thành sự kiện có quy mô lớn, ngày càng được nâng tầm về quy mô, nội dung, hình thức và trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo của TPHCM, thu hút hàng nghìn người tham gia. Lễ hội đã góp phần tôn vinh, khẳng định nhiều giá trị tinh hoa của áo dài Việt Nam, nâng tầm giá trị và nét đặc sắc của trang phục này lên một tầm cao mới...

Không chỉ tích cực triển khai các lễ hội, sự kiện áo dài ở các tỉnh, nhiều chương trình về áo dài được tổ chức định kỳ nhằm đưa áo dài vào cuộc sống. Năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức các sự kiện với chủ đề “Áo dài - Di sản Văn hóa Việt Nam”. Từ đó đến nay, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tuần lễ áo dài vẫn được tổ chức đều đặn hằng năm vào tuần đầu của tháng 3 - tháng có ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3).

Từ sáng kiến này, nhiều hoạt động tôn vinh áo dài Việt Nam đã được triển khai sôi nổi, đa dạng, rộng khắp trên phạm vi cả nước như: các cuộc thi ảnh đẹp áo dài, thi tìm hiểu giá trị áo dài, các cuộc đồng diễn, diễu hành với quy mô lớn xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Đặc biệt là các hoạt động có ý nghĩa như: tặng áo dài cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của Hội phụ nữ nhiều địa phương; khóa học “Cắt may và thiết kế áo dài” trực tuyến miễn phí cho gần 8.500 học viên trên cả nước của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam phối hợp với Trung ương Hội tổ chức; cuộc vận động thiết kế áo dài “Tự hào áo dài Việt”...

Cùng với sự nỗ lực của các địa phương và các tổ chức đoàn thể, thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch, thời trang và cả người dân đã khai thác nguồn lực từ áo dài vừa để quảng bá, tôn vinh, lan tỏa niềm tự hào của áo dài Việt Nam, vừa để phát triển kinh tế - du lịch. Các doanh nghiệp đã nỗ lực quảng bá áo dài qua các chương trình nghệ thuật, các sàn diễn thời trang. Các cơ sở sản xuất đồ lưu niệm cũng tranh thủ sản xuất những tem phiếu, post card, tranh ảnh, đồ lưu niệm để quảng bá. Các địa phương khuyến khích du khách đến Việt Nam mặc áo dài để trải nghiệm, check-in tại các địa điểm mang tính đặc trưng cho văn hóa truyền thống dân tộc. Nhiều nhà thiết kế đóng góp các bộ sưu tập áo dài, đưa hình ảnh áo dài Việt Nam lên sàn diễn quốc tế...

Trong kế hoạch, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/21954 - 10/10/2024), Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Sự kiện có diễu hành “Carnaval áo dài”, trong đó, điểm nhấn là chương trình nghệ thuật “Tinh hoa áo dài” được xây dựng 3 chương với màu sắc tôn vinh áo dài Việt gồm Lịch sử vàng son, Nhịp cầu giao thoa và Hành trình lan tỏa. Đây được đánh giá là sự kiện áo dài đáng mong đợi hàng năm của Hà Nội. Được biết, trước đó, năm 2023, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội thu hút khoảng 60.000 lượt khách, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn của Thủ đô vào mùa thu.

Có thể nói, đây là những nỗ lực không ngừng để tiếp tục khẳng định một di sản văn hóa truyền thống, góp phần đưa di sản áo dài vào cuộc sống đương đại, và để nó tỏa sáng như vốn đã từng. Những ví dụ trên cũng cho thấy, chúng ta đã và đang có nhiều cố gắng để quảng bá hình ảnh áo dài, không chỉ là chiếc áo dài hiện đại mà còn đưa hình ảnh áo dài ngũ thân xưa kia trở lại với đời sống. Thậm chí, nhiều cơ sở may và cho thuê áo dài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng được hình thành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Tại các điểm du lịch, không khó bắt gặp hình ảnh du khách mang áo dài tham quan. Du khách đến Huế yêu thích tà áo dài, tìm đến tà áo dài nhiều hơn là, một trong những thành công bước đầu từ khi đề án được triển khai...

Ở những nơi khác, ngày càng có nhiều người trẻ quan tâm đến việc phục dựng trang phục cổ truyền hay sáng tạo dựa trên những giá trị truyền thống để làm mới hơn chiếc áo dài Việt Nam. Nhiều đề án, lễ hội được triển khai mạnh mẽ, thiết thực, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Và trên hết, chiếc áo dài giờ đây đã ngấm vào tiềm thức của người dân giống như “quốc phục”, để mỗi khi được mặc lên mình, họ có được sự tự hào về trang phục dân tộc. Chỉ nhiêu đây thôi, nếu xét về các tiêu chí để ghi danh áo dài thành di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước của UNESCO thì chúng ta đủ sức đáp ứng yêu cầu cao nhất là sức sống của di sản trong cộng đồng. Thế nhưng, trước đó việc khẳng định quyền sở hữu trí tuệ, ghi danh di sản áo dài ở Việt Nam cần phải được thực hiện ngay để tránh câu chuyện mất thương hiệu và từng rất vất vả mới giành lại được của nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên hay kẹo dừa Bến Tre.

Còn nhiều “tâm tư”

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới. Chúng ta có thể hãnh diện và tự hào về áo dài cũng như người Hàn Quốc tự hào về Hanbok, người Nhật Bản tự hào về Kimono... Nhưng niềm tự hào đó vẫn cần có một cơ sở pháp lý để bảo vệ cũng như công nhận áo dài là di sản riêng của Việt Nam.

Mặt khác, trong cuộc sống đương đại, sản phẩm áo dài cùng lúc mang nhiều tiêu chí thuộc về các ngành công nghiệp văn hóa khác nhau (đã được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, gồm 12 ngành). Từ đây nếu công nhận áo dài sẽ tạo thuận lợi để các nhà thiết kế, nhà sản xuất, nhà sưu tập sẽ góp phần “định danh”, “định vị” áo dài trên thị trường thời trang, thị trường văn hóa sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam đang hướng tới việc đưa áo dài trở thành một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn nữa là đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì vẫn còn nhiều việc cần làm. Chúng ta phải có một bộ hồ sơ đầy đủ, toàn diện cho áo dài về mặt kỹ thuật, mỹ thuật đến nguồn gốc lịch sử, để ghi danh quốc gia và quốc tế.

Theo nhà thiết kế Lan Hương, để được UNESCO công nhận, áo dài Việt Nam còn rất nhiều rào cản, trước hết áo dài phải được công nhận là quốc phục, hiện nay chúng ta mới chỉ gọi là áo dài truyền thống. Hơn nữa, chúng ta đang thiếu sự cân bằng giữa áo dài nam và nữ. Trang phục cho nữ đã rất tốt rồi, nhưng áo dài cho nam đang gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh đó trong quá trình xây dựng hồ sơ, Việt Nam phải chứng minh được áo dài đi vào cuộc sống như thế nào? Người dân có nhu cầu sử dụng ra sao? Ngành nghề áo dài phải là một ngành nghề phát triển tốt mang lại giá trị về kinh tế cho xã hội.

Chỉ ra những khúc mắc trong việc công nhận áo dài là di sản quốc gia, PGS.TS Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng có một điều mà các nhà khoa học chưa thống nhất được chính là hình thái của chiếc áo dài, chọn ra đâu là hình thái chuẩn mực (Tứ thân hay là Ngũ thân), bởi khi đăng ký phải là một hình thái rất là cụ thể. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu khoa học và chắt lọc để có thể xác lập, nhận diện hình thái chuẩn mực của chiếc áo dài.

“Vì khi chúng ta đăng ký áo dài như một bản quyền thì chúng ta phải xác lập cả về mặt kỹ thuật (cấu trúc áo như thế nào), phải chứng minh điều này là xuất phát từ truyền thống, mang màu sắc của chiếc áo tứ thân hay giao lãnh. Khi xác định, nhận diện được nó và xác lập về mặt kỹ thuật, mỹ thuật đến nguồn gốc lịch sử thì phải có một bộ hồ sơ khoa học đầy đủ và toàn diện. Từ đó chúng ta mới ở bình diện ghi danh quốc gia và tiến tới ghi danh quốc tế”, PGS.TS Phạm Văn Dương nói.

Chia sẻ thêm về “địa vị pháp lý” của áo dài, ông Dương cho rằng cần phải nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống khoa học để đưa ra những cơ sở khoa học về lịch sử, hình thành và phát triển của áo dài Việt Nam để từ đó nhận diện những giá trị của nó. Từ cơ sở khoa học này thì xác định cơ sở pháp lý cho áo dài, công nhận áo dài ở bình diện quốc gia tiến tới bình diện quốc tế. Sau đó, phải có những định chế cho áo dài, xác định đây là lễ phục hay là quốc phục…

“Khi chúng ta đã xác lập sở hữu cho áo dài thì bất cứ ai muốn sử dụng hay lấy cảm hứng từ trang phục đó cũng phải ghi danh Việt Nam trong trang phục của họ. Trong các sự kiện quốc tế lớn, việc các nhà thiết kế nổi tiếng chỉ cần lấy một số nét từ trang phục truyền thống của Việt Nam cũng đã là một thành công rất lớn”, ông Dương nêu quan điểm.

Trước mắt, con đường ghi danh áo dài là di sản quốc gia vẫn còn đó nhiều gian nan. Nhưng nếu không có những việc làm thiết thực, những bước chuyển mạnh mẽ để tạo lập hồ sơ ghi danh áo dài thì đây sẽ là một sự lãng phí nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống đã được đa số người dân công nhận.

Hơn thế, việc mong mỏi áo dài trở thành quốc phục cũng luôn được người dân chờ đợi. Vì vậy cần đẩy nhanh tiến độ giúp áo dài sớm được ghi danh tại Việt Nam để hướng tới sự ghi danh quốc tế. Từ đây không chỉ tạo động lực quảng bá trang phục truyền thống Việt Nam ra thế giới mà còn làm nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển thời trang, gắn với kỳ vọng của công nghiệp văn hóa quốc gia.

GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Quan trọng là người đứng đầu có thực sự tâm huyết

Đến nay áo dài gần như đã trở thành quốc phục của Việt Nam, có thể sánh ngang Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc, Sườn xám của Trung Quốc. Áo dài cũng là một trong số ít từ thuần Việt được người nước ngoài sử dụng dưới dạng từ nguyên, không qua dịch thuật trong các văn bản, tương tự như phở, nem, nước mắm, nón lá... và mặc được trong mọi sự kiện của đời sống.

Để áo dài ngày càng phát huy giá trị trong đời sống đương đại, cần đẩy mạnh văn hóa mặc áo dài, tôn vinh, quảng bá rộng rãi trang phục này, quan trọng là đa dạng hóa đối tượng, giới tính, lứa tuổi sử dụng.

Cần chú trọng việc xây dựng hồ sơ di sản cho áo dài, mặc dù bước đầu bao giờ cũng có những khó khăn. Có nhiều bàn luận trong cộng đồng về việc nếu làm hồ sơ công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể thì nên lấy mẫu áo ngũ thân của Huế dành cho cả nam và nữ. Song, các mẫu trang phục lễ tân quốc tế luôn có quy định rõ ràng mặc riêng cho nam và nữ, nên lấy mẫu áo ngũ thân của Huế để bắt đầu hành trình làm hồ sơ di sản thì chưa hợp lý. Hợp lý và tiện sử dụng trong mọi hoạt động của đời sống xã hội là mẫu áo dài của người Việt Nam bắt đầu mặc từ thời Pháp thuộc.

Tôi nghĩ mọi khó khăn sẽ đều có cách giải quyết, quan trọng người đứng đầu có thực sự tâm huyết, có chiến lược lâu dài xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam. Muốn thế, việc may, mặc, quảng bá hình ảnh áo dài phải trở thành một chính sách, chủ trương và hành động ở cấp quốc gia chứ không phải là các hoạt động đơn lẻ hay nỗ lực của một số nhà thiết kế, nhà hoạt động văn hóa và tổ chức xã hội. Cần có chiến lược lâu dài để xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam trong làng thời trang thế giới, kiến tạo một nền công nghiệp áo dài riêng mang thương hiệu Việt Nam.

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế: Học hỏi để đưa áo dài trở thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa

Áo dài là một sản phẩm đặc trưng của Việt Nam, là một trong những yếu tố quan trọng làm nên hồn cốt dân tộc. Nhưng để áo dài thực sự trở thành thương hiệu quốc gia nổi tiếng, trở thành một sản phẩm của công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa thì có lẽ chúng ta còn phải học hỏi và nỗ lực rất nhiều.

Theo tôi, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta hoàn toàn có thể làm một số việc để phục hưng và phát triển mạnh mẽ áo dài, và hơn thế, có thể đưa áo dài trở thành một sản phẩm tiêu biểu của ngành công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa, đó là: Chính thức công nhận và vinh danh áo dài với tư cách là một di sản văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc, mà trước hết là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đưa áo dài vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với một số tiêu chí nổi bật.

Về lâu dài, hoàn toàn có thể lập hồ sơ áo dài với một số tiêu chí đặc trưng, nổi bật để đề nghị UNESCO ghi danh vào danh mục di sản phi vật thể đại diện. Cần thể chế hóa việc hỗ trợ để phát triển, lan tỏa áo dài bằng những chính sách chung của nhà nước chứ không chỉ “nhắc” Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ việc ghi danh áo dài, hay để các địa phương tự nghiên cứu, ban hành các chính sách riêng.

Cần phải xem áo dài là một di sản quý, là một thương hiệu quốc gia tiêu biểu như cách người Hàn Quốc đã làm với Hanbok, từ đó giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển, quảng bá áo dài, như chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân may đo áo dài; chính sách để phát triển nguồn nguyên liệu và nội địa hóa các nguồn nguyên liệu liên quan đến áo dài; đẩy mạnh “ngoại giao áo dài”; nghiên cứu phát triển mở rộng “không gian sống” cho áo dài, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển áo dài trong trường học và cho giới trẻ nhằm mở rộng thị trường và thúc đẩy nhu cầu về áo dài...

Cần khuyến khích để nhân rộng các mô hình nghiên cứu, trải nghiệm, phát triển và lan tỏa áo dài đã đạt được những thành công và có uy tín, thương hiệu trong xã hội. Bên cạnh những nhà thiết kế, những công ty nổi tiếng thì phải quan tâm đến các mô hình tổ chức hoạt động áo dài cộng đồng, nhất là trong giới trẻ…

Cần có chính sách hỗ trợ để số hóa và ứng dụng công nghệ cho việc lưu giữ, bảo tồn, phát triển và quảng bá áo dài một cách đồng bộ và toàn diện.

NGỌC HÀ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ao-dai-trong-dong-chay-cong-nghiep-van-hoa-10287093.html