Ðạo lý và trách nhiệm người làm báo
Ngày 30-4-2025 đánh dấu tròn 50 năm kể từ thời khắc lịch sử của dân tộc Việt Nam: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Dịp này, báo chí cách mạng Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò to lớn trong việc giữ gìn giá trị lịch sử, lan tỏa tinh thần yêu nước và tiếp tục sứ mệnh định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị cho toàn dân.
Gìn giữ và lan tỏa giá trị lịch sử
Hơn 700 nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong nước cùng 169 phóng viên quốc tế từ nhiều quốc gia đã đăng ký tham gia đưa tin về lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh. Mỗi cơ quan báo chí là một “cánh quân truyền thông”, cùng tiến vào trận địa thông tin bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm.
Khi lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành bắt đầu diễn ra, hàng trăm ống kính đồng loạt ghi lại từng khung cảnh hào hùng. Từ đường phố đến không gian mạng, không khí lễ diễu binh, diễu hành lan tỏa mạnh mẽ, thấm đẫm niềm kiêu hãnh và tự hào.
Là một nhà báo kỳ cựu, từng có mặt trong nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, nhưng lần này, đối với nhà báo Giản Thanh Sơn là cảm xúc háo hức rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc, tự hào. “Trên các phương tiện truyền thông đã truyền tải sự kiện này. Tất cả bạn bè tôi trên thế giới cũng đã hiểu được và chia sẻ niềm vui đó” - nhà báo Giản Thanh Sơn chia sẻ.

Nhà báo Giản Thanh Sơn không bỏ qua khoảnh khắc nào tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Sức mạnh của truyền thông chính thống đã làm sống dậy bản hùng ca dân tộc giữa đời thường hôm nay. Thông qua báo chí, những câu chuyện của nhân chứng lịch sử, những tấm gương chiến đấu anh dũng, hay hình ảnh xúc động trong ngày đoàn tụ Bắc - Nam… được tái hiện sống động, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ.

Phóng viên ghi lại hình ảnh các cựu chiến binh đến thăm Địa đạo Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh
Cũng trong dịp này, hàng loạt tuyến bài, phim tài liệu, phóng sự chuyên sâu được thực hiện trên báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh và nền tảng mạng xã hội. Không chỉ phản ánh trung thực, sinh động về những ký ức chiến tranh và chiến thắng hào hùng, báo chí còn tạo ra diễn đàn để người dân bày tỏ tình cảm, nhận thức, suy nghĩ về giá trị của hòa bình, độc lập và phát triển bền vững. Nhà báo Minh Hạnh (Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Tôi được tham dự đưa tin kỷ niệm 35 năm, 40 năm, 45 năm và lần này là 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi lần là một cảm xúc riêng. Và qua mỗi giai đoạn, tôi cảm nhận đội ngũ phóng viên báo chí của nước ta ngày càng năng động. Ở giai đoạn hiện nay, phóng viên phải tự nâng cao trình độ chuyên môn thì mới đáp ứng được nhu cầu của công chúng.

Phóng viên của hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Người lính trên mặt trận tư tưởng
Ở tuổi 74, Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên Cục phó Cục Báo chí, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng vẫn miệt mài truyền lửa cho các thế hệ học trò, đam mê viết báo và hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh. Ông cho biết, mình may mắn được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Qua báo chí, truyền thông, ông thấy rõ khí thế của ngày hội non sông 30-4, nhất là niềm phấn khởi, tự hào của các tầng lớp nhân dân cả nước. Nói về hoạt động báo chí những ngày qua, ông cho biết: “Theo tôi, báo chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không chỉ lan tỏa hình ảnh đẹp, tình cảm sâu nặng của nhân dân với đất nước, quân đội mà còn truyền tải thông điệp về lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm sát cánh dưới sự lãnh đạo của Đảng bảo vệ và xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn”.
Ông chia sẻ thêm: “50 năm qua, báo chí là công cụ sắc bén của công tác tư tưởng, không những cổ vũ phong trào cách mạng mà còn đấu tranh quyết liệt trên mặt trận tư tưởng bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiệp cách mạng”.

Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển, nguyên Cục phó Cục Báo chí, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng trả lời phỏng vấn của phóng viên BPTV tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ
Trong những ngày tháng Tư, đầu tháng Năm của năm 1975, báo chí cách mạng đã đóng vai trò như một binh chủng đặc biệt trên mặt trận tư tưởng và thông tin. Các tờ báo như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Giải Phóng, Cờ Giải Phóng… đã liên tục đưa tin về tình hình chiến sự, ca ngợi tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, đồng thời vạch trần tội ác và sự sụp đổ của chế độ tay sai Mỹ - ngụy. Những bài viết ngắn gọn nhưng súc tích, vừa mang tính thời sự vừa thể hiện tinh thần cổ vũ cách mạng, đã trở thành nguồn động viên to lớn cho nhân dân cả nước và chiến sĩ ngoài mặt trận.
Không chỉ đưa tin, báo chí còn giữ vai trò quan trọng trong việc vạch rõ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua ngôn từ đanh thép, hình ảnh mạnh mẽ, báo chí tạo dựng niềm tin vào thắng lợi cuối cùng, hun đúc tinh thần đoàn kết và khát vọng hòa bình, thống nhất non sông.
Theo nhà báo Phan Minh Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước: Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, chỉ có 4 tờ báo được phát hành rộng rãi, đó là: Báo Nhân Dân, Báo Lao động, Báo Công an Nhân dân và Báo Quân đội Nhân dân, sau đó ra đời Báo Sài Gòn Giải Phóng. Sau khi ra đời lực lượng thanh niên xung phong, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Kiệt (cố Thủ tướng Chính phủ - lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy) cho ra đời Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên… và sau đó là hàng loạt báo ngành, báo địa phương… “Tôi cảm nhận, chưa bao giờ đội ngũ báo chí được quan tâm như hiện nay. Trong thời đại phát triển, bùng nổ của công nghệ thông tin giúp những người làm báo tiếp cận nhanh với nguồn tin và tác nghiệp cực kỳ thuận lợi, nhất là lĩnh vực phát thanh, truyền hình. So với báo chí 40-45 năm trước mới thấy sự phát triển vượt bậc về công nghệ, về trang thiết bị chuyên ngành...” - nhà báo Phan Minh Hoàng chia sẻ.

Các kỹ thuật viên của Ðài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) chuẩn bị thiết bị thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Kế thừa tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh
50 năm sau ngày non sông thu về một dải, vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam vẫn luôn nhất quán: phục vụ lợi ích dân tộc, phản ánh hơi thở thời đại và nâng cao nhận thức cho nhân dân. Từ chiến hào năm xưa đến mặt trận truyền thông hôm nay, báo chí luôn là một lực lượng quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội, người làm báo cả nước đối mặt với rất nhiều áp lực, nhất là việc cạnh tranh thông tin. Tuy nhiên, báo chí cách mạng hôm nay không chỉ thực hiện sứ mệnh thông tin mà còn góp phần vun đắp lý tưởng, truyền cảm hứng và tiếp nối mạch nguồn tự hào dân tộc. Cùng với đó là việc tiếp nối sứ mệnh vẻ vang của cha anh: Định hướng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Các ống kính của phóng viên, nhà báo (bên phải) đang ghi lại cảnh thả chim bồ câu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh: “Cùng với việc biểu dương cái tốt thì chủ động tiến công làm thất bại, đẩy lùi tất cả những gì phản phát triển, phản văn hóa, phản nhân văn chính là cương lĩnh hành động của báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay”.
Người làm báo trước hết là một nhà chính trị. Việc phản ánh thực tiễn, tìm ra những quy luật vận động phát triển của thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn đổi mới không chỉ là lương tâm mà còn là trách nhiệm của những người cầm bút. Ðó không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là vấn đề đạo lý của những người cầm bút.
Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/636/172758/dao-ly-va-trach-nhiem-nguoi-lam-bao