Nhiều người dân bản địa tỏ ra ngỡ ngàng khi biết ở TP Đà Lạt có một ao Vua gắn liền với truyền tích kỳ bí về cựu hoàng Bảo Đại, đã bị bỏ hoang suốt một thời gian dài.
Điều đáng nói là phế tích này nằm trong quần thể di tích Dinh I nhưng bao nhiêu năm nay không ai biết về sự tồn tại của nó.
Theo lời kể của người dân địa phương, Ao vua nguyên thủy rộng khoảng 70m2, được thiết kế theo bậc thang, mỗi bậc cao khoảng 0,5m, có nơi sâu nhất tới 5m. Nhìn từ xa có thể thấy rõ đáy ao vì màu nước trong vắt, mát lạnh suốt 4 mùa.
Dãy nhà tắm bên “ao vua” có 2 tầng, tầng dưới gồm nhiều phòng để tắm, nghỉ ngơi, riêng phòng trong cùng có khối đá được tạc thành hình đầu cọp, nước phun ra từ miệng cọp chảy xuống hồ để vua tắm.
Ghi nhận ở đây cho thấy, bên trong những căn phòng trước đây được cho là để Vua tắm giờ đã mốc meo và đầy rong rêu. Những vết sơn đã phai màu và loang lổ, một số mảng tường đã đổ sập xuống.
Theo người dân trong vùng, trước đây khu vực ao vua có nhiều bờ kè đá xanh, nhà nghỉ ngơi dành riêng cho vua, phòng nghỉ của tùy tùng, được xây hai tầng với 10 phòng. Vào những ngày cuối tuần hoặc lúc đi săn về, vua Bảo Đại thường ghé qua ao để thư giãn thưởng ngoạn.
Du khách ngày nay khi đến thăm “ao vua” vẫn có thể thấy rõ những dấu tích vẫn còn rõ nét giữa khu rừng thông nguyên sinh.
Những bậc thang đã hóa rêu phong và được phủ kín bởi những nhành thông tàn úa, minh chứng cho một cột mốc thời gian đã qua nhiều thế hệ con người.
Cụ Nguyễn Văn Nam, một người dân địa phương tâm sự, Ao vua Bảo Đại rất quý bởi nó đã là một phần lịch sử của Đà Lạt, của vị vua cuối cùng Việt Nam.
SAM SAM