Áp dụng chuyển đổi số để tổ chức hòa giải trực tuyến

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, hòa giải viên cần thúc đẩy và áp dụng các mô hình hòa giải mới trong đó có việc hòa giải bằng hình thức trực tuyến.

Ngày 8-7, tại Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng diễn ra tọa đàm "Hòa giải tại năm châu lục và vai trò của luật sư” với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân của Việt Nam và quốc tế.

Hòa giải không phải là đàm phán

Tại tọa đàm, các chuyên gia nước ngoài đã chia sẻ kinh nghiệm để quản lý và kiểm soát các vấn đề liên quan về xây dựng bộ quy tắc đạo đức của hòa giải viên, chương trình khung để đào tạo kỹ năng hòa giải cho luật sư, đánh giá kết quả hòa giải tại các tòa án quốc gia...

Theo các chuyên gia này, từ những năm 2000, Liên minh Châu Âu đã hình thành khung pháp lý nhằm mục tiêu giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới. Đặc biệt, yêu cầu bắt buộc thông qua quy trình hòa giải với một số tranh chấp trong các lĩnh vực như: gia đình, lao động, hoặc các tranh chấp có giá trị dưới 5.000 euro.

Các chuyên gia khẳng định vai trò của luật sư như một yếu tố quan trọng trong quy trình hòa giải.

Để tham gia hòa giải, luật sư không chỉ cần có kiến thức chuyên môn mà còn phải được đào tạo bài bản về kỹ thuật hòa giải, giúp họ hỗ trợ khách hàng một cách hiệu quả, đảm bảo quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra suôn sẻ. Từ đó tạo ra những thỏa thuận lâu dài và bền vững.

Đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho rằng các hoạt động trao đổi pháp lý giữa Pháp và Việt Nam đang được thúc đẩy nhiều hơn trong những năm gần đây nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn pháp lý và môi trường kinh doanh, thương mại minh bạch.

Bà Christiane Feral-Schuhl, Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Quốc gia Pháp khẳng định việc hòa giải không phải là đàm phán, không phải là giao dịch mà định nghĩa nó là một quy trình tự nguyện hợp tác với nhau.

"Các bên liên quan làm việc với nhau trong khuôn khổ bí mật, giải quyết bằng cách ngoài tòa", bà Christiane Feral-Schuhl nói.

 Bà Christiane Feral-Schuhl, Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Quốc gia Pháp chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Bà Christiane Feral-Schuhl, Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Quốc gia Pháp chia sẻ kinh nghiệm tại tọa đàm. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Bà cũng cho rằng hòa giải viên cũng không phải là đi mời các bên ngồi lại, không phải là người đề xuất mà phải tạo ra cuộc đối thoại để tìm ra phương án tốt nhất.

Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa giải Quốc gia Pháp cũng chia sẻ ở nước Pháp đã áp dụng việc đưa hòa giải viên vào lớp học cho các em nhỏ và sẽ bầu ra một hòa giải viên nhí để giải quyết những việc như cãi nhau, đánh nhau trong lớp học.

Từ đó, các em nhỏ sẽ hiểu hơn về việc hòa giải trong thực tiễn cuộc sống, không còn xa lạ khi lớn lên.

Hòa giải ngoài tòa

Ông Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia TP Đà Nẵng cho hay vai trò của luật sư trong hoạt động hòa giải không chỉ là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong các vụ việc tố tụng. Mà các luật sư còn giữ vai trò then chốt trong hoạt động hòa giải. Một phương thức giải quyết tranh chấp ngày càng được khuyến khích trong xã hội hiện đại.

"Việc luật sư tích cực tham gia hòa giải không chỉ giúp hạn chế các tranh chấp kéo dài, giảm tải cho hệ thống tòa án. Nó còn góp phần hình thành và lan tỏa văn hóa pháp lý dựa trên đối thoại, tôn trọng và thỏa thuận", ông Sơn phân tích.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ, luật sư còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mô hình hòa giải mới như: hòa giải thương mại xuyên biên giới, hòa giải trực tuyến, hòa giải trong lĩnh vực môi trường và nhân đạo.

 Tọa đàm được Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cùng nhiều đơn vị phối hợp tổ chức. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Tọa đàm được Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cùng nhiều đơn vị phối hợp tổ chức. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Tuy nhiên, công tác hòa giải vẫn còn nhiều bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện. Chất lượng hòa giải viên chưa đồng đều. Cần có một chương trình đi kèm hệ thống đào tạo hòa giải viên thống nhất. Từ đó chuẩn hóa chất lượng hòa giải viên theo từng lĩnh vực.

Đồng thời, cần có cơ chế công nhận hòa giải viên là chức danh pháp lý theo ủy quyền của pháp luật. Mặt khác, cần có cơ chế pháp lý công nhận và thi hành thỏa thuận hòa giải ngoài tố tụng.

Các mô hình hòa giải mới như hòa giải trực tuyến, hòa giải môi trường, hòa giải nhân đạo chưa có hành lang pháp lý rõ ràng, cần có những quy định bổ sung để điều chỉnh các quan hệ này.

 Đại diện các tổ chức nước ngoài tham gia chia sẻ và lắng nghe tại buổi tọa đàm. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Đại diện các tổ chức nước ngoài tham gia chia sẻ và lắng nghe tại buổi tọa đàm. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Luật sư Huỳnh Phan Thiên Phúc (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) chia sẻ việc ban hành luật hòa giải thương mại là hết sức cần thiết. Không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn giúp pháp luật về hòa giải thương mại của Việt Nam tương thích với các quốc gia phát triển trên thế giới.

Việc hòa giải ngoài tòa án cần được quy định trong một văn bản chung, có phạm vi và đối tượng điều chỉnh rõ ràng. Từ đó tiến đến việc thành lập một trung tâm hòa giải độc lập nằm ngoài tòa án.

Minh Trường

Nguồn PLO: https://plo.vn/ap-dung-chuyen-doi-so-de-to-chuc-hoa-giai-truc-tuyen-post859253.html