Áp dụng đúng kỹ thuật, cây khỏe mạnh

Diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh hiện đạt gần 18 nghìn ha. Sau một thời gian dài phát triển tự phát, lấy diện tích bù lại năng suất, thì hiện nay, người dân đã chủ động học hỏi khoa học kỹ thuật, đặt chất lượng lên hàng đầu.

Vùng trồng nhãn của xã An Khang (TP Tuyên Quang) tập trung nhiều ở thôn Phúc Lộc B. Người dân trong thôn không nhớ cây nhãn đầu tiên xuất hiện ở đây từ thời gian nào, chỉ biết từ khi lớn lên, những cây nhãn cổ thụ đã vươn mình xanh mướt cả khoảng vườn. Phúc Lộc B có gần 30 ha nhãn, thì diện tích nhãn địa phương chiếm khoảng 20 ha. Nhãn địa phương có đặc điểm là quả nhỏ, mỏng cùi, nhưng vì là cây cổ thụ, nên mỗi cây cao từ 3 đến 5 m, tán rộng nên chiếm diện tích tương đối lớn. Anh Nguyễn Văn Năm, một hộ trồng nhãn ở Phúc Lộc B cho biết, cách đây khoảng 7 - 8 năm, trong một chuyến đi tham quan, học hỏi mô hình tại Bắc Ninh, câu chuyện mà ông ấn tượng nhất mà về kể cho bà con ở làng không ai tin, là một người cao tuổi ở Bắc Ninh trong một ngày có thể thu hoạch hết 3 tạ quả, trong khi ở An Khang quê ông, 2 người trong độ tuổi lao động trong một ngày chỉ có thể cắt nhiều nhất 1 tạ quả. Nguyên nhân là do cây cao, tán rộng, khó thu hoạch.

Gia đình bà Trần Ngọc Bích, thôn Phúc Lộc B, xã An Khang (thành phố Tuyên Quang)trồng hơn 100 gốc nhãn giống mới để cải tạo chất lượng quả.

Giờ thì câu chuyện trồng, chăm sóc nhãn đúng kỹ thuật đã được người trồng nhãn ở An Khang làm chủ. Các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả có múi và không có múi của Hội Nông dân xã được mở đến tận thôn. Ông Phạm Đình Thăng, thôn Phúc Lộc B có hơn 500 gốc nhãn. Ông bảo, những năm trước, mình cứ để tự nhiên, cây ra hoa đậu quả được bao nhiêu thì giữ lại bấy nhiêu. Nhưng giờ thì khác, ông học cách “hãm” hoa, cây nào sai quả ông cũng tỉa bớt để giữ “sức khỏe” cho cây và tập trung dưỡng chất cho quả.

Những cây nhãn địa phương cũng được bà con đốn tỉa cành, tạo tán, hạ thấp độ cao cho cây để dễ chăm sóc, thu hoạch. Cùng với việc cải tạo diện tích nhãn cũ, An Khang cũng đưa vào trồng gần chục ha nhãn mới, là những giống nhãn lai ghép từ nhãn lồng Hưng Yên, Bắc Giang… để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Trần Văn Tuấn, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng nhãn chất lượng cao An Khang cho biết, việc làm chủ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc nhãn đang tạo ra triển vọng mới cho vùng nhãn An Khang. Từ chỗ là cây trồng “tự cung tự cấp”, An Khang đang tập trung xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm này và đưa vào hỗ trợ theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Với ưu điểm là loài cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch khá; quả có thể bảo quản trong thời gian nhiều tháng kể từ khi thu hoạch mà chất lượng vẫn không ảnh hưởng, cây bưởi đã trở thành lựa chọn hàng đầu để phát triển kinh tế gia đình của người dân xã Phúc Ninh (Yên Sơn). Thay vì sản xuất tự nhiên, nhiều người dân ở Phúc Ninh đã chủ động áp dụng các biện pháp canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Chủ động nâng cao chất lượng cây bưởi, làm nông nghiệp sạch, an toàn, sử dụng phân hữu cơ, không phun thuốc trừ cỏ, một số hộ còn lắp đặt hệ thống tưới nước chủ động… đang là cách làm để đảm bảo chất lượng cây bưởi và bảo vệ môi trường, tài nguyên đất cho việc phát triển lâu dài. Việc chăm sóc, bảo quản khi bưởi ra quả cũng được đảm bảo, từ khi cây ra quả đã được bọc bảo vệ trong túi chuyên dụng, mở sổ theo dõi từng cây, từng năm để so sánh sản lượng năm trước, năm sau. Phúc Ninh cũng thành lập hợp tác xã phát triển cây ăn quả, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền khoa học kỹ thuật, xây dựng các câu lạc bộ trồng bưởi... nhằm hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng từ khâu chọn giống, cách trồng, chăm sóc. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi theo hướng hữu cơ cho các hộ dân trong xã tham gia thử nghiệm, hướng đến mở rộng diện tích, canh tác bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Tạ Hữu Quang, Giám đốc Hợp tác xã trái cây hữu cơ Phúc Ninh khẳng định, chỉ có làm chủ kỹ thuật, chuyển đổi sang phương thức sản xuất an toàn thì chất lượng mới bền lâu được. Đây là điều mà nông dân Phúc Ninh thấm thía hơn ai hết, khi trước đây sản phẩm làm ra chỉ bán buôn cho các thương lái, thì giờ đã có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở Thái Nguyên, Hà Giang, Việt Trì…

Trồng, chăm sóc cây ăn quả không đúng kỹ thuật đã để lại nhiều hậu quả nhãn tiền cho người làm vườn. Diện tích cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi tăng nhanh thời gian gần đây theo kiểu tự phát. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản yêu cầu các địa phương không mở rộng diện tích cây ăn quả mà duy trì diện tích hiện có, tập trung thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật mà chuyển sang chăm sóc theo hướng hữu cơ. Quan trọng nhất, người làm vườn phải làm chủ khoa học, kỹ thuật, tránh trồng theo phong trào mà không chú ý đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/ap-dung-dung-ky-thuat-cay-khoe-manh-134494.html