Áp dụng thuế với đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe trẻ em Việt Nam

'Việt Nam không phải chờ 10-20 năm nữa chứng minh xem trẻ em có mắc đái tháo đường, tim mạch không từ việc tiêu thụ đồ uống có đường. Chúng ta hãy học ngay lập tức thế giới và lắng nghe khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, không nên chần chừ việc đề xuất chính sách hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường', Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Chiều 28/4, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt trong kiểm soát tiêu dùng.

Có bằng chứng khoa học rõ ràng về việc đồ uống có đường gây ra các bệnh không lây nhiễm

Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nghiên cứu ở 75 quốc gia cho thấy, mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng 1% liên quan đến việc có thêm gần 5 người lớn thừa cân/100 người và hơn 2 người lớn béo phì/100 người; chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Trên thế giới, đồ uống là nguồn cung cấp đường lớn nhất trong chế độ ăn, đóng góp 25% lượng đường tiêu thụ tự do ở người lớn và 40% lượng tiêu thụ ở thanh thiếu niên. Đường dạng lỏng hấp thụ trực tiếp vào máu và gan chuyển hóa rất nhanh, dẫn đến dư thừa năng lượng.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ về nội dung áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ về nội dung áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Tiêu thụ đồ uống có đường trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ thừa cân, béo phì. Tình trạng béo phì cao hơn khi trẻ 5 tuổi, cứ mỗi 100ml tăng thêm trong tiêu thụ đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến chỉ số khối cơ thể cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6; với mỗi lon nước ngọt uống thêm mỗi ngày, nguy cơ bị béo phì tăng 60% trong 1,5 năm. Người lớn uống 1 lon nước ngọt/ngày trong vòng một năm cũng sẽ tăng 6,75kg cân nặng.

Chia sẻ về lý do vì sao cần phải áp thuế với nước giải khát có đường, bà Thủy nhấn mạnh, tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp cũng như các biến chứng về bệnh tim mạch, đột quỵ, tử vong và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, bệnh răng miệng...

Do đó, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là biện pháp quan trọng trong các giải pháp can thiệp được Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị nhằm giảm tiêu thụ và tác hại đối với sức khỏe cộng đồng bởi nó mang lại 3 hiệu quả, bao gồm: Cải thiện sức khỏe cộng đồng; tăng thu cho ngân sách nhà nước và giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe với các bệnh có liên quan, giảm tổn thất về năng suất lao động trong tương lai.

"Trên thế giới, số nước áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường đã gia tăng, từ 35 nước năm 2009 lên 104 vào năm 2023, trong đó ASEAN có 6 nước áp dụng thuế gồm: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia và Brunei.

Bộ Y tế có văn bản gửi Bộ Tài chính thống nhất phương án mặt hàng nước giải khát đưa vào trong Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và áp dụng 8% vào năm 2027 và 10% từ năm 2028", bà Thủy chia sẻ.

Nhấn mạnh đến những hệ lụy sức khỏe mà giới trẻ sẽ gặp phải nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng thừa cân, béo phì do tiêu thụ đồ uống có đường từ sớm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thế giới đã có những bài báo nghiên cứu trên 10 năm để đưa ra được những con số khuyến cáo cụ thể và nhìn thấy rõ hệ lụy về mặt sức khỏe với con người khi trưởng thành.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ tại hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ tại hội thảo.

Bà khẳng định, về mặt khoa học, chúng ta không thể chờ làm một nghiên cứu cho trẻ em Việt Nam về những hệ lụy sức khỏe gặp phải. "Chúng ta không dùng người Việt Nam minh chứng cho cái mà thế giới đã có câu trả lời khoa học. Chúng ta không nên chần chừ đề xuất chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường để hạn chế tiêu thụ mặt hàng này", bà Mai nhấn mạnh.

Chia sẻ về thông tin một số sản phẩm như trà sữa, thực phẩm đường phố theo trào lưu... có nằm trong danh mục tính thuế tiêu thụ đặc biệt hay không, bác sĩ Mai cho biết, trong tương lai, bằng các kỹ thuật về mặt chuyên môn, các nhà làm chính sách sẽ trình cơ quan ban, ngành xây dựng tiêu chuẩn quản lý với đồ uống không chế biến sẵn. Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng mong muốn xây dựng kỹ thuật quản lý nhóm thực phẩm đồ uống ngoài đường phố để kiểm soát tốt vấn đề này.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tăng thuế để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường

Tại buổi chia sẻ, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh 2 thông điệp quan trọng. Một là, khuyến cáo mọi người cần lựa chọn đồ uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe; và hai là áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tiến sĩ Angela Pratt cho rằng, ngoài biện pháp truyền thông, nâng cao kiến thức cộng đồng, giải pháp hiệu quả để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường là giá. Theo đó, nếu áp dụng mức thuế tối ưu sẽ khiến cho giá đồ uống có đường đắt đỏ hơn, giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

"Trên thế giới, hiện có 110 Chính phủ áp dụng thuế tiêu thụ với đồ uống có đường, giúp giảm lượng tiêu thụ mặt hàng giải khát này. Khi áp dụng thuế "đôi bên cùng thắng" không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe, giảm chi phí liên quan đến y tế mà còn có được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước", Tiến sĩ Angela Pratt chia sẻ.

Theo khuyến cáo của WHO, một người không tiêu thụ quá 50gr đường/ngày. Trong khi, một lon nước ngọt có ga dung tích 330ml có chứa 40gr đường. Hiện nay, người Việt tiêu thụ đồ uống có đường gấp 4 lần so với năm 2009. Trung bình mỗi người dân Việt Nam đang tiêu thụ 70 lít đồ uống có đường/năm, tương đương 1,3 lít/tuần.

Tiến sĩ Angela Pratt

Theo bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, hiện nay trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), việc đề xuất tính thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ áp dụng với nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Bà Hạnh cho hay, diện đưa sản phẩm vào danh mục tính thuế này khá hẹp, có một số sản phẩm chưa nằm trong diện áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lần này gồm: đồ uống từ sữa có thêm đường và chất tạo ngọt; siro hoặc chất cô đặc để pha chế đồ uống; nước ép trái cây, rau củ nguyên chất; nước giải khát từ ca cao…

Bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế.

Bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế.

Vì thế, bà đề xuất về sản phẩm chịu thuế, ngoài danh mục nước uống giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam, trong thời gian tới đây, cần bổ sung các đồ uống có đường được tiêu dùng phổ biến khác theo danh mục và lộ trình do Chính phủ quy định.

"Chúng ta cần có lộ trình tính hàm lượng đường khi xây dựng mức thuế nhằm tạo sự khác biệt về giá giữa đồ uống có hàm lượng đường thấp với đồ uống có hàm lượng đường cao, tạo động lực để doanh nghiệp cắt giảm lượng đường trong đồ uống, cung cấp cho thị trường đa dạng các sản phẩm ít đường hơn hoặc không đường, duy trì được doanh số bán, giảm thiểu tác động của chính sách đến doanh nghiệp", bà Hạnh bày tỏ.

Tại chương trình, Ban Tổ chức cũng thông tin khởi động chiến dịch truyền thông với sự đồng hành của WHO và tổ chức Vital Strategies. Chiến dịch truyền thông được khởi động từ hôm nay trên đa nền tảng, bao gồm cả các kênh phát sóng tin tức như truyền hình, phát thanh, báo giấy và báo điện tử, màn hình LCD và mạng xã hội, với hai thông điệp chính là "Hãy chọn thức uống lành mạnh vì sức khỏe của chúng ta" và "Thuế góp phần bảo vệ sức khỏe bằng cách hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường".

Ban Tổ chức cũng phát động cuộc thi báo chí truyền thông về giải pháp phòng chống các bệnh không lây nhiễm với thời gian nhận bài từ 28/4 đến 11/6. Các bài dự thi bám sát thông điệp rõ ràng về tác hại, thực trạng tiêu dùng đồ uống có đường; đưa ra đề xuất, kiến nghị giải pháp để giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ap-dung-thue-voi-do-uong-co-duong-de-bao-ve-suc-khoe-tre-em-viet-nam-post876025.html