Áp lực chuyển đổi xanh
Những thống kê vĩ mô cho thấy phát triển kinh tế những tháng cuối năm đã có dấu hiệu tích cực. Tuy vậy, từ góc nhìn của một bên theo sát những diễn biến thực tiễn của doanh nghiệp (DN), bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, phía trước DN vẫn còn có những áp lực.
Doanh nghiệp vẫn chịu nhiều áp lực
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, có nhiều chỉ số có tín hiệu đáng mừng như sản xuất công nghiệp của tháng 10 tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, lượng DN thành lập mới cũng tăng mạnh. Phải chăng, đã có nhiều chỉ dấu cho thấy phát triển kinh tế đã tăng trưởng ổn định trở lại, thưa bà?
- Đúng là giai đoạn này bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố tích cực hơn đầu năm như GDP quý III tăng 5,33%, số lượng DN thành lập mới tăng mạnh, giải ngân đầu tư công 9 tháng đạt mức 51,38%, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý III lên đến 4,57% phục hồi rất mạnh so với 2 quý trước (tăng trưởng âm quý I và 0,95% của quý II), mặc dù vẫn còn đó những vấn đề cần lưu tâm như áp lực tỉ giá, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp so với mục tiêu đặt ra, giá trị nhập khẩu giảm mạnh.
Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới tiếp tục có những diễn biến khó khăn, khó lường nên chưa thể xác định khi nào các đơn hàng của DN phục hồi.
Vậy theo bà, DN đang phải đứng trước những thách thức nào trong giai đoạn hiện nay?
- Hiện DN đang ở giai đoạn bộn bề khó khăn. Những vấn đề cũ chưa giải quyết được thì đã phải đối mặt với những áp lực mới. Như câu chuyện suy kiệt dòng tiền tiếp tục được bàn thảo ở nhiều sự kiện, là từ khóa mà DN nhiều ngành nhắc tới. Rồi áp lực tuân thủ các thủ tục hành chính cũng vẫn là vấn đề lớn của DN…
Chưa kể, hiện nay, DN lại phải chịu thêm một áp lực mới từ xu hướng trên thế giới, đó là áp lực chuyển đổi xanh (CĐX) khi các thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam đã, đang và sẽ đưa ra ngày càng nhiều hơn các quy định cụ thể liên quan đến yêu cầu phát triển bền vững. Như Liên minh Châu Âu hiện đã đưa ra CBAM (một loại chính sách hướng đến tính phí đối với hàm lượng phát thải carbon có trong hàng hóa nhập khẩu vào khu vực - PV), quy định liên quan chống phá rừng EUDR. Mỹ đang dự thảo Luật Cạnh tranh sạch; Các quốc gia - thị trường lớn với chính sách khí hậu mạnh mẽ như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đang hướng đến hoặc sẽ sớm áp dụng những cơ chế tương tự.
CĐX là câu chuyện của nhiều DN, không phải chỉ là câu chuyện của những DN lớn bởi đây là thách thức chung của thị trường, là cam kết của quốc gia. Trong cuộc chơi toàn cầu đó, DN, đặc biệt khối DN nhỏ và vừa cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa nếu muốn tham gia vào các chuỗi cung ứng quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu hay thậm chí chỉ là giữ chân đối tác, khách hàng đang có.
Doanh nghiệp không thể đơn thương hành động
Bà đánh giá DN Việt Nam đã ở đâu trong "cuộc chơi" xanh toàn cầu này?
- Tôi cho rằng, DN cũng đã nhận thức bắt buộc họ phải thay đổi. Câu chuyện xanh trước đây được cho là khuyến khích tham gia nhưng hiện nay là bắt buộc phải theo. Đó cũng là một tín hiệu tốt bởi khi DN nhận ra thì DN cũng sẽ nghĩ đến chuyện hành động. Nhưng họ không thể đơn thương hành động được. Cần có một lực đẩy mạnh mạnh mẽ từ Chính phủ.
Vậy theo bà, cách nào để giải quyết các áp lực hiện nay của DN?
- Trước mắt, chúng tôi cho rằng cần tập trung hỗ trợ dòng tiền thông qua tiếp cận vốn, giãn - giảm chi phí cho DN và lãi suất cho vay cần phải giảm thực sự để hỗ trợ DN. Tất nhiên, chúng ta không đề cập đến việc hạ chuẩn vay. Nhưng hiện DN không còn tài sản để thế chấp. Vậy có thể nghĩ đến một khoản vay tín chấp? Nên chăng cần phải nhìn vào khả năng trả nợ của DN để gia tăng cơ hội vay tín chấp cho DN, đặc biệt cần cơ chế tín chấp cho DN vừa và nhỏ vì họ đang ở giai đoạn căng thẳng nhất trong tiến trình phục hồi.
Bên cạnh đó, các chính sách tài khóa nghịch chu kỳ cần tiếp tục được đẩy mạnh. Rất nhiều chính sách đã có kết quả như đầu tư công, giãn giảm thuế phí… Tuy nhiên, vấn đề là các chính sách này được áp dụng ngắn hạn, 6 tháng một trong khi DN cần một sự bảo đảm dài hơi hơn để yên tâm tái tạo nguồn lực, có cơ hội trở mình trong năm tới. Do đó, tôi cho rằng, các chính sách hỗ trợ nên được tiếp tục áp dụng ít nhất trong năm 2024 để DN có thời gian tập trung vào phục hồi sản xuất, thay vì cứ 6 tháng lại ngóng chờ quy định và phải làm đi làm lại thủ tục khi điều chỉnh 6 tháng một lần.
Còn vấn đề áp lực CĐX thì sao, chúng ta có thể hỗ trợ DN những gì trong vấn đề này?
- CĐX là chúng ta phải điều chỉnh quy trình, dù lớn, dù nhỏ và cần đầu tư ngay từ khi bắt tay chuyển đổi, không thể chuyển đổi bằng quyết tâm, tinh thần được. Theo tính toán của các tổ chức quốc tế, nhu cầu tài chính tăng thêm từ khu vực tư nhân để theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0 được ước tính lên đến 350 tỷ USD .
Nhu cầu thực sự rất lớn nhưng đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh mới đạt gần 500 tỷ đồng, mới chiếm 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế. Vì sao đạt thấp? Tôi cho rằng, vì thiếu hành lang pháp lý về phân loại dự án xanh, quy trình tiếp cận vốn chưa được ban hành nên các bên vẫn chưa thể gặp được nhau. Hiện NHNN đang dự thảo Nghị định về việc ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, quy trình tiếp cận vốn tín dụng xanh cũng cần phải có.
Các phân tích chỉ ra rằng, để thực hiện “bài toán” CĐX, chúng ta cần tái cấu trúc nền công nghiệp, xây dựng dòng chính sách riêng cho giảm phát thải, phát triển thị trường carbon, có chính sách tài khóa xanh. Bản thân Ban IV, trong suốt 1 năm qua cũng đã có nhiều hoạt động liên quan đến nâng cao nhận thức, năng lực về CĐX cho DN. Thúc đẩy “bài toán” kết nối công - tư trong nỗ lực CĐX ở cả cấp quốc gia và DN sẽ là định hướng tiếp theo của chúng tôi. Tại đây, cần có sự tham gia của tri thức, nguồn lực cả trong nước và quốc tế vì sân chơi này chúng ta không thể tự chơi.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ap-luc-chuyen-doi-xanh-post494168.html