Áp lực điều chỉnh tiếp tục chi phối VN-Index

Thị trường chứng khoán ngày 23/7 bị áp lực điều chỉnh tiếp tục chi phối, VN-Index giằng co ở mốc 1.250 điểm.

Diễn biến thị trường

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, VN-INDEX giảm nhẹ 0,80%, đóng cửa tại 1254,64 điểm. Thanh khoản tăng mạnh lên mức 21.115 tỷ đồng. Độ rộng thị trường cho thấy áp lực bán tăng cao với 350 mã giảm so với 96 mã tăng điểm.

Trong đó, những mã tăng điểm có tác động tích cực nhất đến VN-INDEX bao gồm TCB, MSN và CTG; ngược lại thì GVR, HVN và FPT duy trì đà giảm gây nên tác động giảm lớn đến chỉ số chung.

Hầu hết các nhóm ngành đều trong đà suy giảm phiên hôm nay, trong đó Thực phẩm đồ uống, Ngân hàng và Bán lẻ có diễn biến giảm tương đối nhỏ so với các nhóm ngành còn lại. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trở lại là tín hiệu tích cực cho thị trường, cụ thể giá trị mua ròng đạt 426 tỷ đồng, tập trung vào SBT, FPT và POW.

Dự báo xu hướng thị trường

Theo Chứng khoán Kafi, VN-Index tiếp tục xu hướng điều chỉnh mạnh khi sắc đỏ chi phối thị trường chung trong phiên hôm nay. Theo đó áp lực bán gia tăng mạnh ngay từ đầu phiên giao dịch và trải dài trên diện rộng.

Tuy vậy, áp lực bán tập trung mạnh nhất tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ khiến số lượng mã giảm tăng cao, còn tại nhóm vốn hóa lớn có sự phân hóa mạnh. Nhóm vốn hóa lớn thuộc ngành Ngân hàng, Bán lẻ và một số cổ phiếu khác đã duy trì được sắc xanh cho đến cuối phiên giao dịch là động lực giúp cho VN30 có điểm số giảm tương đối hạn chế và đồng thời cũng neo giữ cho VN-INDEX không giảm quá sâu dưới 1250 điểm.

Trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi thêm các thông tin từ kết quả kinh doanh quý 2 của các mã vốn hóa lớn sẽ dần được công bố trong thời gian gần, VN-INDEX được kỳ vọng có thể hồi phục tại hỗ trợ 1250 hoặc vùng 1200 điểm trong thời gian sắp tới.

Tiêu điểm đầu tư

Chứng khoán Kafi nhận định, CTCP FPT (HSX: FPT) có kết quả kinh doanh 5 tháng tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, với đóng góp chính đến từ thị trường nước ngoài, trong đó thị trường Nhật Bản và Châu Á Thái Bình Dương có sự tăng trưởng mạnh mẽ, lần lượt đạt 34,2% và 31,1%. Ba khối kinh doanh chính của FPT cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng trên 15%, cho thấy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đang được thể hiện đều ở nhiều mảng.

Một điểm cộng trong hoạt động kinh doanh mảng công nghệ thông tin của FPT là số lượng dự án FPT thắng thầu có giá trị trên 5 triệu USD trong tháng 5 là 6 hợp đồng, đưa tổng số dự án có giá trị trên 5 triệu USD của FPT trong 5 tháng lên con số 26, gần bằng tổng số dự án có giá trị trên 5 triệu USD trong cả năm 2023. Điều này thể hiện được quy mô các dự án mà FPT đảm nhận ngày càng được tăng cao.

FPT hiện tại chịu áp lực bán mạnh từ mẫu hình điều chỉnh ngắn hạn. Với áp lực bán như hiện tại FPT có thể tiến về điều chỉnh tại vùng hỗ trợ 125 và nhiều khả năng hơn là hỗ trợ tại 118-120. Đây là các vùng giá hỗ trợ mạnh và vùng giải ngân hợp lý cho thời điểm hiện tại khi xu hướng trung dài hạn còn giữ vững.

Lê Trần

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/ap-luc-dieu-chinh-tiep-tuc-chi-phoi-vn-index-217414.html