Áp lực giá dầu gia tăng

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho hay nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 110 triệu thùng/ngày trong khoảng 20 năm tới, đẩy nhu cầu năng lượng của thế giới tăng 23%.

Một trạm xăng ở Marseille, miền Nam nước Pháp. Nguồn: AFP.

Một trạm xăng ở Marseille, miền Nam nước Pháp. Nguồn: AFP.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Năng lượng châu Á, tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia), Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais nhấn mạnh, dầu mỏ vẫn là thứ không thể thay thế trong tương lai gần. Theo ông Haitham, đến năm 2045, cho dù đã chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đi chăng nữa thì dầu mỏ sẽ vẫn chiếm khoảng 29% hỗn hợp năng lượng.

Dự báo này được cho là mâu thuẫn với dự đoán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) về tăng trưởng nhu cầu dầu hàng năm giảm từ 2,4 triệu thùng/ngày vào năm 2023 xuống còn 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2028.

Ngược lại, đại diện OPEC cho rằng từ nay đến năm 2030, có thêm nửa triệu người chuyển đến các thành phố trên khắp thế giới khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục mở rộng. Do đó, thế giới sẽ cần nhiều dầu hơn chứ không phải ít hơn. Tuy nhiên, OPEC cũng cho rằng năng lượng tái tạo sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong hỗn hợp năng lượng của thế giới trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, đáng chú ý là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tiếp tục cắt giảm sản lượng thêm 1,4 triệu thùng/ngày, áp dụng từ 1/1/2024. Theo đó, từ 1/1/2024, sản lượng khai thác của tất cả các thành viên OPEC+ chỉ ở mức 40,46 triệu thùng/ngày. OPEC+ cho rằng sự thay đổi này “nhằm hướng đến và duy trì thị trường dầu mỏ ổn định, đồng thời đưa ra định hướng dài hạn cho thị trường”.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia thông báo, kể từ tháng 7/2023, nước này tự nguyện cắt giảm thêm sản lượng khai thác ở mức 1 triệu thùng/ngày và có thể kéo dài khoảng thời gian cắt giảm nếu nước này thấy cần thiết. Một số quốc gia khác trong khuôn khổ OPEC+ gồm Iraq, Oman, Algeria, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tuyên bố cắt giảm thêm sản lượng khai thác dầu ở các mức lần lượt là 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày, 48.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 144.000 thùng/ngày cho tới cuối năm 2024.

Ngày 26/11/2023, OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp tại Vienna (Áo). Cuộc họp này được tất cả các quốc gia dõi theo, vì nó sẽ quyết định giá dầu của thế giới khi mà OPEC+ cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới.

Hiện, sau việc Ả Rập Saudi tuyên bố cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày, giá dầu thô trên thị trường thế giới đầu tháng 7 tăng 2,5%.

Ông Bob McNally - Chủ tịch Công ty phân tích Rapidan Energy, cho rằng, thị trường không kỳ vọng nhiều vào quyết định đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày của Ả Rập Saudi. Điều đó một lần nữa chứng minh rằng Ả Rập Saudi sẵn sàng hành động đơn phương để ổn định giá dầu. “Chúng tôi nhận thấy mức thâm hụt lớn trên toàn cầu sẽ xảy ra vào nửa cuối năm 2023 và giá dầu thô sẽ vượt trên 100 USD/thùng vào năm tới".

Tương tự, Trưởng bộ phận nhu cầu toàn cầu và phân tích châu Á Kang Wu (Công ty S&P Global Commodity Insight) ước tính sự gia tăng đáng kể của nhu cầu dầu trong mùa hè ở Bắc bán cầu sẽ khiến lượng dầu dự trữ giảm và đẩy giá dầu tăng cao hơn trong những tháng tới. Trong khi đó, Công ty tư vấn Rystad Energy cho rằng, việc cắt giảm sản lượng dầu của Ả Rập Saudi có khả năng làm thâm hụt thị trường dầu nhiều hơn, lên hơn 3 triệu thùng/ngày trong tháng 7 do các nước trong OPEC+ “học theo”. Điều này có thể đẩy giá dầu cao hơn ngay trong tháng 7.

Hiện giá dầu Brent duy trì trong khoảng 70-75 USD/thùng, khiến các nước OPEC và OPEC+ cho là bất hợp lý. Việc cắt giảm sản lượng là nhằm nâng giá dầu. Điều đó dẫn tới khả năng các thị trường bị thiếu nguồn cung trong phần còn lại của năm 2023 là khá cao và có thể đẩy giá dầu tăng mạnh hơn nữa. Goldman Sachs dự báo giá dầu vào tháng 12 có thể đạt mức 95 USD/thùng, trong khi ANZ nhận định, giá dầu có thể chạm mức 100 USD.

Việc giá dầu tăng cao được dự báo sẽ gia tăng áp lực lên ngành sản xuất toàn cầu, vốn đã phải hứng chịu rất nhiều sức ép trong thời gian qua, dẫn đến sự thu hẹp hoạt động ở nhiều quốc gia. Theo giới tài chính, trong trường hợp giá dầu lên tới 100 USD/thùng, sẽ càng khiến cuộc chiến kiềm chế lạm phát trên phạm vi toàn cầu kéo dài; khả năng suy thoái ngày càng cao hơn.

Giá dầu là một chỉ báo quan trọng của nền kinh tế. Dầu là tài nguyên được sử dụng nhiều nhất trên thế giới; nhiều cuộc chiến tranh đã nổ ra vì thứ vàng đen này. Hiện nay trên thị trường có thêm rất nhiều nguồn cung, đẩy OPEC tới chỗ hạn chế sản lượng để giữ giá. Trong khi đó, theo OPEC, ngành công nghiệp dầu phải đầu tư hơn 11.000 tỷ USD trong vòng 20 năm tới. Nếu các nhà sản xuất không làm điều đó, tình trạng thiếu hụt sẽ xảy ra. OPEC tuyên bố rằng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng bất chấp sự xuất hiện của ô tô điện và các loại phương tiện tương tự. Vì rằng sự mở rộng quy mô của phương thức di chuyển bằng đường hàng không làm tăng nhu cầu dầu nhiều hơn so với mức giảm do sự xuất hiện của các nguồn năng lượng thay thế.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ap-luc-gia-dau-gia-tang-5722182.html